Nam thanh niên điều khiển xe máy gây tai nạn rồi bỏ đi.
Phòng CSGT, Công an TP.Hà Nội đang điều tra vụ tai nạn giao thông trên đường Nguyễn Trãi (đoạn gần nút giao với đường Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, Hà Nội) giữa mô tô biển số 29M1-9990 do anh N.Đ.Q.L (SN 1996, ở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) va chạm với xe máy SH (chưa rõ biển số) do một phụ nữ điều khiển.
Hình ảnh từ clip được chia sẻ trên mạng cho thấy, sau va chạm với mô tô của anh L, nữ tài xế xe máy SH mất lái, lao sang phải nên bị ô tô phía sau tông ngã xuống đường. Dù nữ tài xế gặp nạn nhưng nam tài xế điều khiển xe mô tô biển số 29M1-9990 vẫn tăng tốc xe bỏ đi.
Hình ảnh vụ tai nạn được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội thu hút sự quan tâm rất lớn từ người dùng Facebook, trong đó, rất nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc, lên án hành vi bỏ chạy sau va chạm khiến nữ tài xế gặp nạn của tài xế lái mô tô 29M1-9990.
Clip ghi lại diễn biến vụ va chạm
Đại diện Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP.Hà Nội cho biết, đã làm việc với tài xế L về vụ tai nạn. Anh L trình bày, sau khi xảy ra va chạm, thanh niên này nghĩ người phụ nữ không bị thương nên đã lái xe rời đi.
“Hiện tại người bị nạn vẫn chưa tới cơ quan công an trình báo, đơn vị đang xem xét các vi phạm khác nếu có để ra quyết định xử lý, xử phạt đối với tài xế L”, đại diện Đội CSGT số 7 nói.
Từ vụ tai nạn trên, nhiều độc giả thắc mắc, tài xế gây tai nạn hoặc có liên quan tới vụ tai nạn nhưng lái xe bỏ đi sẽ bị xử lý thế nào? trong trường hợp bị hại gặp nạn không trình báo, cơ quan chức năng có xử lý tài xế gây tai nạn rồi bỏ đi được không?
Trao đổi với PV về các thắc mắc trên, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý, Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Tài xế có hành vi gây tai nạn hoặc điều khiển phương tiện có liên quan tới vụ tai nạn nhưng có thái độ thờ ơ, lái xe bỏ đi không giúp đỡ nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ là hành động đáng lên án và cần phải xử lý nghiêm.
"Khi thấy người bị nạn hoặc đang gặp nguy hiểm tới tính mạng mọi người phải có trách nhiệm giúp đỡ, điều này đã được Luật Giao thông đường bộ và Bộ luật Hình sự quy định rất rõ.
Cụ thể, tại điều 38 (quy định về "Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông"), Luật Giao thông đường bộ quy định: Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất; Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.
Bộ luật Hình sự cũng có quy định về tội “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” tại điều 132. Trong đó, luật nêu rõ, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Người phạm tội có thể bị phạt tù tới 7 năm tùy theo mức độ, tính chất của hành vi phạm tội" - luật sư Kiên nói.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch, Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Việc tài xế liên quan tới vụ tai nạn bỏ đi không chỉ đáng lên án mà bản thân tài xế sẽ đối mặt với việc bị xử lý hành chính hoặc hình sự nếu người bị nạn thiệt mạng do không được cứu giúp.
"Việc cứu giúp người bị nạn không chỉ là trách nhiệm chấp hành pháp luật mà còn là hành động thể hiện văn hóa ứng xử, văn hóa tham gia giao thông.
Vừa qua, báo chí thông tin một phụ nữ đã bị cơ quan tố tụng tỉnh Hà Tĩnh khởi tố về tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”. Theo điều tra, người phụ nữ thấy nam tài xế đi xe máy gặp nạn ngã ra đường quốc lộ nhưng không cứu giúp mà lái ô tô rời đi khiến nạn nhân sau đó bị ô tô tải cán tử vong.
Đây là bài học cho những ai có thái độ thờ ơ, không giúp đỡ, cứu giúp người bị nạn", luật sư Tuấn Anh nói.
Về xử lý vi phạm, theo các luật sư, Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100/2019/NĐ-CP), sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Với hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn, tài xế sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 05 tháng đến 07 tháng.
Về thắc mắc, nếu bị hại gặp nạn không trình báo, cơ quan chức năng có xử lý tài xế gây tai nạn rồi bỏ đi được không? Luật sư Kiên và luật sư Tuấn Anh cho rằng, hành vi gây tai nạn bỏ chạy hoặc có liên quan tới vụ tai nạn nhưng không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn là hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông nên cơ quan có thẩm quyền nếu đủ căn cứ xác định vi phạm thì có thể ra quyết định xử phạt mà không cần trình báo của bị hại.
"Nhiều hành vi vi phạm giao thông đã được lực lượng CSGT xử lý phạt nguội thông qua hình ảnh, clip người dân cung cấp.
Tương tự như vậy, khi cơ quan có thẩm quyền thu thập được hình ảnh, clip thể hiện hành vi vi phạm không phải sản phẩm cắt ghép, dàn dựng, cộng với tài liệu thu thập, lời khai của các bên liên quan thì có thể xử lý các tài xế có hành vi gây tai nạn bỏ chạy hoặc có liên quan tới vụ tai nạn nhưng không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn", luật sư Kiên nói.
Xuân Lực