Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã công kích việc ông Trump không chịu thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử Mỹ vừa qua, gọi các cuộc “tấn công” vào bầu cử là "vô lương tâm" và nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử là "lạm quyền".
Các bình luận trên được đưa ra khi ông Biden giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu của Cử tri đoàn từng tiểu bang nhằm chính thức xác định người sẽ Tổng thống Mỹ tới đây.
Chiến thắng này đã chấm dứt chiến dịch đầy lo lắng của Tổng thống Donald Trump trong nỗ lực lật ngược lại thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng trước.
Nỗ lực thách thức kết quả bầu cử của ông Trump
Chiều 14/12 (sáng 15/12 giờ Hà Nội), 4 đại cử tri bang Hawaii là những người cuối cùng bỏ lá phiếu trực tiếp bầu Tổng thống Mỹ, kết thúc quy trình bầu cử được quy định trong Hiến pháp nước này. Cuối cùng, ông Joe Biden nhận được 306 phiếu đại cử tri, trong khi số phiếu dành cho Tổng thống Donald Trump là 232.
Thông thường, cuộc bỏ phiếu của đại cử tri đoàn ở Mỹ chỉ mang tính thủ tục, bởi kết quả đã được định đoạt sau khi các bang tuyên bố người chiến thắng. Tuy nhiên, sự chú ý năm nay lại đổ dồn về ngày 14/12, khi ông Trump quyết không nhượng bộ và tìm mọi cách đảo ngược kết quả bầu cử. Hôm 26/11, ông Trump cho biết sẽ chỉ rời Nhà Trắng nếu ông Biden chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu của đại cử tri, nhưng nói thêm rằng đại cử tri đoàn sẽ "phạm sai lầm" nếu bỏ phiếu cho ông Biden.
Điểm khác thường nhất của sự kiện năm nay là bất cứ ai cũng bàn tán về các đại cử tri. Trong bối cảnh nước Mỹ chạm mốc 300.000 người chết vì Covid-19 và nỗi lo lắng bao trùm việc triển khai vaccine, người Mỹ dường như cảm thấy bị đe dọa bởi những đại cử tri đang trực tiếp bỏ lá phiếu bầu Tổng thống. Do đó, đại cử tri đoàn đã nỗ lực thể hiện sự minh bạch, nhằm dập tắt các thuyết âm mưu thu hút những người ủng hộ ông Trump, bằng cách công khai phát trực tiếp thủ tục bỏ phiếu.
Thất bại trong cuộc bỏ phiếu đại cử tri dường như "xát thêm muối" vào nỗ lực thách thức kết quả bầu cử của Trump, sau khi hơn 50 vụ kiện cáo buộc gian lận bầu cử đã thất bại hoặc bị tòa bác bỏ. Phần lớn nỗ lực cuối cùng giờ đây tập trung vào biện pháp mà các đồng minh của ông Trump gọi là "đại cử tri thay thế".
Cố vấn Nhà Trắng Stephen Miller hôm 14/12 cho biết, một nhóm "đại cử tri thay thế ở các bang tranh chấp cũng bỏ phiếu" và họ sẽ gửi kết quả này lên quốc hội. Tuy nhiên, các chuyên gia về luật bầu cử cho rằng các "đại cử tri thay thế" này chỉ là những "đại cử tri tự xưng" không được luật pháp thừa nhận và sẽ không ảnh hưởng gì tới kết quả bầu cử. Hệ thống bầu cử Mỹ không công nhận đồng thời đại cử tri chính thức và đại cử tri "thay thế".
Trong khi đó, một số đồng minh của ông Trump dường như đã sẵn sàng hơn trong việc chấp nhận thực tế, như các thượng nghị sĩ Cộng hòa tại bang California hay các lãnh đạo phe Cộng hòa ở Michigan, những người đã thừa nhận thất bại của Tổng thống.
Kể từ ngày 7/11, khi các hãng truyền thông Mỹ xướng tên Joe Biden là Tổng thống đắc cử thứ 46 của Mỹ, khiến chiến dịch của ông Trump không ngừng nỗ lực lật ngược thế cờ, người dân dường như coi cuộc bỏ phiếu của đại cử tri đoàn sẽ là dấu chấm hết cho sự hỗn loạn. Nhưng thực tế, giờ đây không phải ai cũng nghĩ như vậy.
“Bước sang một trang mới”
Phát biểu trước toàn nước Mỹ sau khi cử tri đoàn bỏ phiếu xác nhận người chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020, Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên bố, ông sẽ là Tổng thống của tất cả người dân Mỹ, đồng thời kêu gọi người dân nước này "bước sang một trang mới”.
Tổng thống đắc cử nhấn mạnh rằng ông và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris nhận được 81 triệu phiếu bầu, đây là số phiếu cao nhất trong lịch sử bầu cử tại Mỹ và nhiều hơn bảy triệu phiếu so với tổng số phiếu Tổng thống đương nhiệm Trump và Phó Tổng thống Pence nhận được.
Trong bài phát biểu, Tổng thống đắc cử khẳng định: "Trong cuộc chiến vì linh hồn nước Mỹ, dân chủ đã thắng thế. Người dân đã bỏ phiếu. Niềm tin vào chính quyền vẫn giữ vững. Tính toàn vẹn của cuộc bầu cử vẫn nguyên vẹn. Và bây giờ là lúc sang trang mới. Để đoàn kết. Để hàn gắn".
Ông Biden cũng nêu những công việc mà chính quyền của ông sẽ xử lý trong những ngày đầu ông lên nắm quyền, đó là cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, trong đó có phân phối vaccine và làm chậm đà lây lan của dịch bệnh trong lúc chờ vaccine, khôi phục nền kinh tế bị đại dịch tàn phá.
“Việc cần giải quyết gấp đang ở trước mắt chúng ta. Kiểm soát đại dịch để toàn dân được tiêm vaccine ngừa virus. Lập tức hỗ trợ kinh tế bởi nhiều người Mỹ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau đó, tái thiết nền kinh tế vững mạnh hơn”.
Ông Biden sẽ nhậm chức vào ngày 20/1.
Lời chúc mừng từ nước Nga
Vài giờ sau khi ông Biden được xác nhận là người chiến thắng trong cuộc đua Tổng thống Mỹ, nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã gửi lời chúc mừng tới cựu phó Tổng thống.
Ông Putin đã khá im lặng trong những tuần sau cuộc bầu cử, nhưng trong một tuyên bố, Điện Kremlin cho biết hôm thứ Ba: "Tổng thống Nga Putin đã gửi điện chúc mừng tới ông Joe Biden nhân dịp ông đắc cử Tổng thống Mỹ và bày tỏ sự tin tưởng rằng Nga và Mỹ, những nước có vai trò đặc biệt với an ninh và ổn định toàn cầu, có thể thực sự giúp giải quyết nhiều vấn đề và thách thức mà thế giới đang phải đối mặt mặc dù có sự khác biệt giữa hai nước".
"Về phần mình, tôi sẵn sàng tiếp xúc và hợp tác với ngài", tuyên bố dẫn lời Tổng thống Putin nhắn gửi tới ông Biden sau khi ông được đại cử tri đoàn bầu làm tổng thống đắc cử.
Nga từng tuyên bố sẽ đợi kết quả chính thức của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trước khi lên tiếng bình luận, ngay cả khi các quốc gia khác đã nhanh chóng chúc mừng ông Biden khi ông được truyền thông xướng tên là Tổng thống đắc cử hôm 7/11.
Điện Kremlin khi ấy khẳng định Nga sẽ chúc mừng tân tổng thống Mỹ vào thời điểm thích hợp và bác thông tin cho rằng sự im lặng của Tổng thống Putin là tín hiệu ngầm cho thấy Nga không đồng ý với kết quả bầu cử Mỹ.