Tăng trưởng kinh tế đạt 2,58%
Tiếp tục phiên làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 23/5, trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2021, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho biết, Ủy ban Tài chính cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về công tác THTK,CLP năm 2021. Trong bối cảnh năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là năm có nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, kiểm soát và hạn chế dịch bệnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực; tăng trưởng kinh tế đạt 2,58%; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đời sống nhân dân và an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh - quốc phòng được giữ vững.
Chính phủ thẳng thắn chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế. Điển hình là tình trạng vi phạm trong đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công ở một số cơ quan, đơn vị; một số địa phương còn tình trạng dự án “treo”, dự án nhà ở xã hội có quy hoạch chưa thực hiện.
Bên cạnh đó, khiếu kiện về đất đai vẫn chiếm tỉ lệ lớn, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai còn xảy ra ở nhiều nơi. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, nhiều vụ việc vi phạm, gây lãng phí đất đai đã được phát hiện và xử lý.
Tình trạng quy hoạch "treo", dự án "treo" gây lãng phí nguồn lực
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách tiếp tục chỉ ra hàng loạt hạn chế, tồn tại cần chấn chỉnh.
Trong việc lập, triển khai kế hoạch đầu tư công còn nhiều bất cập, hạn chế. Nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không đủ điều kiện phân bổ vốn, dẫn đến không đạt mục tiêu đề ra.
Tiến độ thực hiện, khả năng hoàn thành một số dự án trọng điểm, công trình quan trọng quốc gia còn chậm, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội như: Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Tham Lương được phê duyệt năm 2010, đến tháng 10/2021 lũy kế giải ngân vốn ODA chỉ đạt 2,5%, vốn đối ứng chỉ đạt 2,09%.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được phê duyệt năm 2008, hiện nay vẫn đang làm thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 19.555 tỷ đồng lên 35.679 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến tháng 8/2021 chỉ đạt 974 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành không đảm bảo tiến độ quy định tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 của Quốc hội.
Theo Báo cáo số 695 ngày 28/01/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, Dự án mới giải ngân 63%, trong đó năm 2021 chỉ giải ngân đạt 39,78%.
Còn 304 ha đất thuộc diện tích đất xây dựng cảng hàng không giai đoạn I và trên 340 ha đất thuộc diện tích đất dự trữ chưa giải phóng mặt bằng, gây khó khăn trong việc triển khai thi công và không đảm bảo tiến độ.
Trong khi đó, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp của nhiều bộ, ngành, địa phương rất chậm. Năm 2021, chỉ thoái vốn nhà nước tại 18 doanh nghiệp, cổ phần hóa 4 doanh nghiệp; thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt xấp xỉ 3,7/40 nghìn tỷ đồng. Còn nhiều bất cập trong quy định và thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Chưa phát huy được vai trò của thị trường chứng khoán để đẩy mạnh cổ phần hóa, thu hút nhà đầu tư tiềm năng.
Tình trạng quy hoạch "treo", dự án "treo", và hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, gây lãng phí nguồn lực. Tình trạng buông lỏng quản lý ở một số địa phương, để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai như lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép… chưa được kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Còn vi phạm pháp luật về quản lý đất đai; xác định giá đất; giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất được phát hiện qua kiểm tra như tỉnh Bình Dương, Khánh Hòa.
Đất hoang hóa, đất sử dụng không theo mục đích chưa được thống kê đầy đủ; chưa xác định được trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, tập thể có liên quan.
Thêm một bất cập khác được cơ quan thẩm tra chỉ ra đó là đấu thầu mua sắm và mua sắm tập trung còn phức tạp, gây lãng phí về thời gian, làm chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư, mua sắm; đấu thầu qua mạng đạt tỉ lệ thấp, chưa đảm bảo lộ trình; hiệu quả và kết quả tiết kiệm qua đấu thầu chưa được đánh giá đầy đủ; quy định về mua sắm tập trung còn nhiều bất cập.
Còn tồn tại thực trạng mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư không đúng quy định, mua sắm vượt quá nhu cầu dẫn đến không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả...
Tình trạng ách tắc trong việc mua sắm trang thiết bị y tế chưa được tháo gỡ kịp thời, làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.
Có vi phạm pháp luật trong việc quản lý, nghiên cứu, ứng dụng khoa học;đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công như vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và một số cơ quan, địa phươngtrong thời gian vừa qua gây thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân...