Ukraine muốn đẩy đến tận Crimea, Mỹ nhắc nên đặt trọng tâm vào đâu

Ukraine muốn đẩy đến tận Crimea, Mỹ nhắc nên đặt trọng tâm vào đâu

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 6, 07/10/2022 16:58

Ukraine đang tiến hành các cuộc tấn công trên bộ nhằm phá vỡ các tuyến phòng thủ mới của Nga, trong khi Nga đang vừa củng cố phòng tuyến vừa đề phòng Ukraine.

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy, trong bài phát biểu hàng đêm hôm 6/10, cho biết quân Ukraine đã giành lại từ tay quân Nga hơn 500 km2 lãnh thổ riêng ở khu vực Kherson kể từ đầu tháng 10.

Bà Natalia Gumeniuk, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy tác chiến phía Nam Ukraine, cho biết rõ hơn rằng phần lãnh thổ mà quân Ukraine tái chiếm bao gồm hàng chục thị trấn và làng mạc đã bị quân đội Nga kiểm soát trong nhiều tháng.

Kherson, một khu vực ở miền Nam Ukraine với dân số ước tính trước giao tranh khoảng 1 triệu người, đã rơi vào tay quân đội của Moscow từ những ngày đầu của cuộc xung đột, bùng phát từ 24/2.

Trong bản đánh giá tình hình trên thực địa hôm 6/10, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho rằng quân Nga có khả năng đang thiết lập và củng cố các vị trí phòng thủ ở trung tâm vùng Kherson sau khi phòng tuyến cũ của họ ở phía Đông Bắc khu vực này sụp đổ.

Bằng chứng là hình ảnh vệ tinh ngày 3-4/10 cho thấy các chiến hào của Nga và các hệ thống làm nhiễu radar ở khu vực Beryslav-Nova Kakovkha”, ISW cho biết.

Thế giới - Ukraine muốn đẩy đến tận Crimea, Mỹ nhắc nên đặt trọng tâm vào đâu

Các binh sĩ chuẩn bị phóng tên lửa BM-21 Grad về phía các vị trí của Nga ở khu vực Donetsk, miền đông Ukraine, ngày 3/10/2022. Ảnh: NPR

Thế giới - Ukraine muốn đẩy đến tận Crimea, Mỹ nhắc nên đặt trọng tâm vào đâu (Hình 2).

Một binh sĩ Ukraine kiểm tra khẩu súng máy hạng nặng của mình tại một vị trí dọc theo chiến tuyến trong vùng Mykolaiv, miền Nam Ukraine, ngày 5/10/2022. Ảnh: Malay Mail

Theo tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington, Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận thông tin từ các milblogger Nga (quân nhân viết blog) rằng quân đội Ukraine trong ngày 6/10 đã tiến hành các cuộc tấn công hạn chế trên bộ nhằm phá vỡ các tuyến phòng thủ mới của Nga ở phía Bắc Kherson, đặc biệt là từ Piatykhatky (khoảng 35 km về phía Nam vùng Dnipropetrovsk).

Các nguồn tin Nga cũng cho rằng đối phương đã tấn công các vị trí của Nga gần Novohryhorivka, cách thành phố Kherson khoảng 25 km về phía Tây Bắc.

Ukraine đang tiến hành luân chuyển quân về phía Tây và Tây Bắc thành phố Kherson để chuẩn bị cho các cuộc tấn công tiếp theo trên hướng này, một milblogger cho biết.

Trong khi đó, Bộ chỉ huy tác chiến phía Nam của Ukraine lưu ý rằng, một đơn vị chiến thuật được tăng cường của Nga với đội hình không xác định đã cố gắng tấn công theo hướng Lyubomirivka (cách thành phố Kherson 27 km về phía Tây Bắc), có khả năng nhằm đẩy chiến tuyến xa hơn về phía Bắc thành phố Kherson để tạo cho quân Nga một vùng đệm rộng hơn giữa các vị trí của Ukraine và các khu vực tập trung xung yếu gần sông Dnipro vào ngày 5/10.

Còn ở miền Đông, ISW đánh giá rằng quân đội Nga đã tiếp tục các cuộc tấn công trên bộ ở vùng Donetsk vào ngày 6/10, và có khả năng đã đạt được nhiều lợi ích xung quanh thị trấn Bakhmut trọng điểm ở Donbass.

Bộ Quốc phòng Nga hôm 6/10 tuyên bố quân đội của họ đã giành được làng Zaitseve (cách Bakhmut 8 km về phía Đông Nam), và hạ gục hơn 120 binh sĩ Ukraine. Nhưng ISW dẫn lời một số milblogger Nga cho rằng tuyên bố về việc chiếm được Zaitseve là quá sớm khi các lực lượng của Tập đoàn Wagner đang tiếp tục nỗ lực để giành toàn quyền kiểm soát ngôi làng này.

Một milblogger Nga cho rằng các chiến binh của Tập đoàn Wagner đã giành quyền kiểm soát làng Vesela Dolyna (cách Bakhmut 5 km về phía Đông Nam) và đang tiến về phía Tây Bắc thành phố này, tới Ivanhrad.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine lưu ý rằng, quân đội Nga hôm 6/10 đã tiếp tục các cuộc tấn công mặt đất ở phía Đông Bắc Bakhmut gần Yakovlivka, Soledar và Bakhmutske và phía Nam Bakhmut gần Odradivka, Mayorsk và Zaitseve.

Các nguồn tin Ukraine và Nga cho biết, các lực lượng Nga đã chiến đấu dọc theo vùng ngoại ô Avdiivka ở phía Tây thành phố Donetsk và tiến hành các cuộc tấn công trên bộ gần Krasnohorivka và Vodyane và phía tây nam thành phố Donetsk gần Pobieda và Novomykhailivka. Quân đội Nga tiếp tục pháo kích xung quanh Bakhmut và khu vực thành phố Donetsk-Avdiivka.

Thế giới - Ukraine muốn đẩy đến tận Crimea, Mỹ nhắc nên đặt trọng tâm vào đâu (Hình 3).

Bản đồ đánh giá tình hình xung đột Nga-Ukraine trên các trục chính, tính đến ngày 6/10/2022. Nguồn: ISW

Ở Lugansk, khu vực cùng với Donetsk hợp thành Donbass, ISW đánh giá rằng quân đội Ukraine hôm 6/10 đã tiếp tục các hoạt động phản công nhằm đe dọa các vị trí của Nga dọc theo trục Kreminna-Svatove ở phía Tây Luhansk.

Đại diện của Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng tại Nga, Rodion Miroshnik, cho biết hơn 10.000 quân Ukraine đã tập trung ở phía tây Kreminna, và các lực lượng Nga đang chuẩn bị cho việc phòng thủ tuyến Svatove-Kreminna, đề phòng các cuộc tấn công của Ukraine.

Thế khó của Mỹ khi hỗ trợ Ukraine nhưng phải tránh xung đột với Nga

Trước những thành công gần đây trên chiến trường, các quan chức Ukraine đang tiếp tục thúc ép Mỹ cấp các tên lửa tầm xa hơn để họ có thể tấn công sâu hơn vào các vùng lãnh thổ do Nga nắm giữ, bao gồm cả Crimea, tờ Wall Street Journal cho biết hôm 6/10.

Trong khi các quan chức Mỹ nhắc Ukraine tập trung vào các trận chiến ở miền Đông và miền Nam nước này, đặc biệt là xung quanh Kharkiv và Kherson, nơi họ đã đạt được những bước tiến lớn nhất kể từ xung đột với Nga bùng phát hôm 24/2, các quan chức Ukraine đang lặp lại yêu cầu mua thêm vũ khí, bao gồm các hệ thống tiên tiến như Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) của Mỹ.

Wall Street Journal dẫn lời các quan chức quốc hội Mỹ và các quan chức Ukraine cho biết, Kiev muốn những quả tên lửa tầm xa như vậy để tấn công Crimea, nơi được cho là Nga đang sử dụng làm căn cứ để khai triển các máy bay không người lái (UAV) do Iran sản xuất.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho đến nay vẫn từ chối cung cấp cho Ukraine những quả tên lửa ATACMS với tầm bắn 300 km có khả năng tiến sâu vào lãnh thổ Nga.

Những thành công gần đây trên chiến trường đã khiến Kiev mạnh dạn hơn với ý tưởng đẩy đến Crimea, nơi Nga đã sáp nhập năm 2014.

Việc chính quyền ông Biden lưỡng lự trong việc cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine cho thấy cách Mỹ đang phải vật lộn để cân bằng giữa việc hỗ trợ Ukraine mà không để xảy ra nguy cơ xung đột rộng hơn với Nga trong bối cảnh giới lãnh đạo Nga đã ám chỉ về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Thế giới - Ukraine muốn đẩy đến tận Crimea, Mỹ nhắc nên đặt trọng tâm vào đâu (Hình 4).

Với các Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp, Ukraine đã giành đạt được những bước đột phá lớn trên chiến trường. Ảnh: TRT World

Hồi tháng 8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tuyên bố rằng Ukraine sẽ lấy lại Crimea “một mình mà không cần tham vấn với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới”.

Hồi tháng 9, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo rằng nếu Washington cung cấp cho Kiev các tên lửa tầm xa hơn thì Mỹ sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ” và trở thành “một bên trong cuộc xung đột”.

Các quan chức Lầu Năm Góc thì lập luận rằng Ukraine đang có những loại vũ khí cần thiết để theo đuổi cuộc xung đột và giành lại Crimea. Cụ thể, với 16 Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) do Mỹ sản xuất, Ukraine đã đạt được những bước đột phá lớn trên khắp các mặt trận.

Đầu tuần này, Mỹ đã thông báo rằng họ sẽ gửi thêm 4 hệ thống HIMARS nữa cho Ukraine, và cho biết họ đang có kế hoạch chế tạo và gửi thêm 18 hệ thống nữa trong những năm tới.

Điện Kremlin bác bình luận của ông Zelenskyy về “tấn công phòng ngừa”

Điện Kremlin hôm 6/10 đã bác bỏ bình luận của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, trong đó nhà lãnh đạo Ukraine đề nghị NATO tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào Nga để ngăn chặn việc Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân, hãng thông tấn Nga RIA cho biết.

RIA dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Những tuyên bố như vậy không khác gì kêu gọi bắt đầu một cuộc chiến tranh thế giới với những hậu quả khủng khiếp không thể lường trước”.

Trước đó, trong một cuộc thảo luận với Viện Lowy, một tổ chức tư vấn của Australia, ông Zelenskyy cho rằng các cuộc tấn công phòng ngừa là cần thiết để ngăn Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.

“NATO nên làm gì? Làm cho Nga không thể sử dụng vũ khí hạt nhân”, ông Zelenskyy cho biết trong các bình luận trong một video trực tuyến.

“Điều quan trọng, tôi một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế... (tiến hành) các cuộc tấn công phòng ngừa để (người Nga) biết điều gì sẽ xảy ra với họ nếu họ sử dụng chúng (vũ khí hạt nhân)”.

Thế giới - Ukraine muốn đẩy đến tận Crimea, Mỹ nhắc nên đặt trọng tâm vào đâu (Hình 5).

Một hệ thống Iskander-M di động của Nga, có thể bắn 2 tên lửa mang đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân. Ảnh: Sputnik

Minh Đức (Theo WSJ, ISW, Reuters, The Guardian)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.