Ukraine: Nga bắt đầu trận chiến giành Donbass đã chuẩn bị từ lâu

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 3, 19/04/2022 10:37

Nga đã phá hủy một lượng lớn vũ khí nước ngoài được đưa vào Ukraine trong 6 ngày qua từ Mỹ và các quốc gia châu Âu.

Các lực lượng Nga đã phát động một cuộc tấn công mới dọc theo hầu hết sườn phía Đông của Ukraine vào sáng ngày 18/4 và "Trận Donbas" hiện đã bắt đầu, Tổng thống Ukraine Volodymr Zelensky và các quan chức cấp cao của nước này xác nhận.

Sau khi rút hết quân khỏi các khu vực gần Kiev và miền Bắc Ukraine từ hồi đầu tháng, Nga tuyên bố sẽ dồn sức cho trận đánh ở Donbass, miền Đông Ukraine. Khu vực này bao gồm 2 vùng lãnh thổ ly khai là Donetsk và Luhansk.

"Quân đội Nga đã bắt đầu trận chiến giành Donbass mà họ đã chuẩn bị từ lâu. Một phần đáng kể của toàn bộ Quân đội Nga hiện đang tập trung vào cuộc tấn công này", ông Zelensky cho biết trong một bài phát biểu video ngày 18/4, đồng thời khẳng định quyết tâm chiến đấu.

"Cho dù có bao nhiêu quân Nga được điều đến đó, chúng ta đều sẽ đánh lại. Chúng ta sẽ tự bảo vệ mình. Chúng ta sẽ chiến đấu mỗi ngày".

Các lực lượng Nga đã cố gắng phá vỡ các tuyến phòng thủ của Ukraine "dọc theo gần như toàn bộ chiến tuyến của các khu vực Donetsk, Luhansk và Kharkiv" vào sáng ngày 18/4, Thư ký Hội đồng An ninh Ukraine, Oleksiy Danilov, cho biết trong các bình luận trên truyền hình.

Ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine, gọi đây là "giai đoạn thứ hai của cuộc chiến" và đảm bảo với người dân Ukraine rằng các lực lượng của họ có thể ngăn chặn cuộc tấn công.

Truyền thông Ukraine đưa tin một loạt vụ nổ, với một số vụ nổ mạnh, dọc theo chiến tuyến ở khu vực Donetsk, với các cuộc pháo kích diễn ra ở Marinka, Slavyansk và Kramatorsk.

Các quan chức địa phương Ukraine và truyền thông địa phương cũng xác nhận các vụ nổ đã được nghe thấy ở Kharkiv ở miền Đông Bắc Ukraine, Mykolaiv ở miền Nam và Zaporizhzhia ở miền Đông Nam.

Reuters không thể xác minh các báo cáo ngay lập tức.

Các nước phương Tây và Kiev cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin gây hấn vô cớ, và Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tổ chức một cuộc điện đàm với các đồng minh vào ngày 19/4 để thảo luận về cuộc xung đột ở Ukraine, bao gồm cả cách phối hợp để buộc Nga phải chịu trách nhiệm.

Thế giới - Ukraine: Nga bắt đầu trận chiến giành Donbass đã chuẩn bị từ lâu

Bản đồ cập nhật tình hình chiến sự Nga - Ukraine đến ngày 18/4/2022, ngày thứ 54 của cuộc xung đột. Ảnh: Al Jazeera

Nga tấn công Lviv để phá hủy vũ khí nước ngoài

Bộ Quốc phòng Nga xác nhận đã tấn công vào vùng Lviv ở miền Tây Ukraine, nhắm vào một trung tâm hậu cần quân sự.

"Một trung tâm hậu cần đã bị phá hủy cùng với một lượng lớn vũ khí nước ngoài đã vào Ukraine trong 6 ngày qua từ Mỹ và các quốc gia châu Âu", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov thông tin.

Trước đó, Thị trưởng Lviv Andriy Sadovyi cho biết 7 dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công bằng tên lửa trong đêm. Thành phố miền Tây được coi là nơi trú ẩn an toàn vì nó tương đối ít bị ảnh hưởng bởi giao tranh hơn các khu vực khác của Ukraine.

Đưa tin từ Lviv, phóng viên Emmanuelle Chaze của DW cho biết, có "cơ sở hạ tầng" trong thành phố mà các lực lượng Nga sẽ quan tâm.

"Vì lý do an ninh, chính phủ Ukraine sẽ không liệt kê" các cơ sở như vậy, phóng viên cho biết thêm.

Lô hàng vũ khí mới của Mỹ đã bắt đầu đến Ukraine

Một số lô hàng vũ khí đã đến Ukraine kể từ khi Mỹ công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 800 triệu USD vào tuần trước, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết hôm 18/4.

Đã có 4 chuyến hàng từ Mỹ đến đích trong ngày 18/4 và chuyến hàng thứ năm cũng sẽ sớm đến, AFP dẫn lời vị quan chức này cho biết.

Gói viện trợ này bao gồm 11 máy bay trực thăng Mi-17 do Liên Xô sản xuất, 200 xe bọc thép chở quân và xe bọc thép đa năng M113. Nó cũng bao gồm lô lựu pháo 155mm đầu tiên Mỹ chuyển cho Ukraine.

Vị quan chức này cũng tiết lộ, Mỹ sẽ đào tạo phía Ukraine về cách sử dụng loại vũ khí này trong vài ngày tới, và khóa đào tạo sẽ diễn ra bên ngoài biên giới Ukraine.

Thế giới - Ukraine: Nga bắt đầu trận chiến giành Donbass đã chuẩn bị từ lâu (Hình 2).

Một quân nhân Ukraine khai hỏa vũ khí chống tăng NLAW trong một cuộc tập trận ở Donetsk, miền Đông Ukraine, ngày 15/2/2022. Ảnh: Al Jazeera

Nga, Ukraine công bố video liên quan đến trao đổi tù nhân

Hai tay súng được cho là mang quốc tịch Anh bị bắt ở Ukraine đã xuất hiện trên kênh truyền hình nhà nước Nga hôm 18/4, và được yêu cầu để đổi lấy chính trị gia kiêm doanh nhân thân Moscow Viktor Medvedchuk, người đang bị chính quyền Ukraine giam giữ.

Hai tay súng đã lên tiếng nói chuyện sau khi được một người đàn ông không rõ danh tính nhắc nhở.

Hàng chục tay sung quốc tế được cho là đã tình nguyện tham gia cùng các lực lượng vũ trang của Ukraine kể từ khi phát động chiến dịch quân sự ở quốc gia Đông Âu.

Nhà tài phiệt Medvedchuk, từng là lãnh đạo đảng Cương lĩnh Đối lập - Vì sự sống, đã bị các lực lượng Ukraine bắt giữ vào tuần trước sau khi trốn thoát khỏi sự quản thúc tại gia hồi tháng 2 với cáo buộc tình nghi phản quốc, Kiev cho biết.

Cũng trong ngày 1/4, cơ quan an ninh Ukraine đã công bố một đoạn video cho thấy ông Medvedchuk yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin chấp thuận cho những người bị mắc kẹt ở Mariupol được sơ tán để đổi lấy tự do cho ông.

Cả Nga và Ukraine đều bị chỉ trích vì công bố các hình ảnh và video về tù binh chiến tranh vì hành động này bị coi là vi phạm Công ước Geneva.

Tổng thống Macron: Đối thoại với ông Putin bị đình trệ sau vụ Bucha

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông chưa nói chuyện với người đồng cấp Nga Vladimir Putin kể từ khi xuất hiện các cáo buộc về lạm sát dân thường ở Ukraine hồi đầu tháng 4.

Kể từ khi cái goi là “vụ thảm sát” ở Bucha và các thị trấn khác gần Kiev được ghi nhận, cuộc xung đột đã chuyển sang một hướng khác. Ông Macron đã không có cuộc điện đàm nào với ông Putin cũng kể từ đó, nhưng ông không loại trừ việc sẽ nối lại kênh đối thoại này trong tương lai, Tổng thống Pháp nói với đài truyền hình France 5.

Nga đã phủ nhận tất cả các cáo buộc về các hành động tàn bạo ở Bucha và gọi các hình ảnh và video về vụ việc là sản phẩm dàn dựng, và ông Putin hôm 18/4 đã vinh danh đơn vị Nga đã được triển khai tại thị trấn của Ukraine.

Ông Macron cũng xác nhận ông sẽ chỉ đến Kiev khi có thể "mang theo thứ gì đó hữu ích" bên mình, thay vì đến thăm thành phố như một cử chỉ mang tính biểu tượng đơn thuần.

Thế giới - Ukraine: Nga bắt đầu trận chiến giành Donbass đã chuẩn bị từ lâu (Hình 3).

Tổng thống Nga Vladimir Putin hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bên chiếc bàn dài trong Điện Kremlin, ngày 7/2/2022. Ảnh Anadolu Agency

Giới chủ và công đoàn Đức phản đối cấm vận khí đốt Nga

Các tổ chức đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động ở Đức hôm 18/4 đã lên tiếng phản đối lệnh cấm nhập khẩu khí đốt từ Nga, cho rằng động thái này sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Đức nhiều hơn so với Nga.

“Lệnh cấm vận khí đốt nhanh chóng sẽ dẫn đến thiệt hại về sản xuất, gián đoạn hoạt động kinh doanh, làm trầm trọng thêm quá trình phi công nghiệp hóa và gây ra tình trạng thất nghiệp dài hạn ở Đức”, ông Rainer Dulger, chủ tịch tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động BDA, và ông Reiner Hoffmann, chủ tịch liên minh công đoàn DGB, cho biết trong một tuyên bố chung.

Một số nhà lãnh đạo phương Tây và Ukraine đã kêu gọi một lệnh cấm trên toàn EU đối với xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga.

Đức chỉ cam kết sẽ chỉ loại bỏ dần dầu của Nga vào cuối năm nay và phần lớn khí đốt nhập khẩu từ Nga vào giữa năm 2024.

EU đang tiếp tục trả khoảng 850 triệu USD (789 triệu Euro) mỗi ngày cho nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga, bất chấp các lệnh trừng phạt kinh tế rộng rãi đối chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine. 27 quốc gia thành viên EU phụ thuộc vào Nga để đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt tự nhiên và khoảng 25% nhu cầu dầu.

Gruzia không trừng phạt Nga

Sau khi Ukraine chỉ trích nhà nước Gruzia thuộc Liên Xô cũ về quan điểm đối với Nga, các quan chức Gruzia đã bảo vệ quyết định của mình về việc không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

"Đối với các biện pháp trừng phạt trực tiếp của Gruzia đối với Nga, chúng không thể có bất kỳ tác động nào đến nền kinh tế Nga", Chủ tịch Quốc hội Gruzia Shalva Papuashvili cho biết tại cuộc họp báo hôm 18/4 sau chuyến thăm Ukraine.

Vào ngày 1/3, Ukraine đã triệu hồi đại sứ của họ từ thủ đô Tbilisi sau khi Gruzia từ chối áp đặt các biện pháp trừng phạt trực tiếp lên Nga.

Lập trường của Gruzia đặc biệt đáng chú ý khi họ cũng từng tham gia một cuộc chiến ngắn chống lại Nga vào năm 2008 tại các tỉnh ly khai ở đất nước của họ.

Tuy nhiên, hôm 18/4, ông Papuashvili cũng cam kết rằng Gruzia sẽ không để cho Nga lợi dụng được mình để né các lệnh trừng phạt quốc tế.

Minh Đức (Theo DW, Reuters, Al Jazeera)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.