Uy lực của dàn tên lửa 150 quả Iran dùng trong cuộc tập kích chưa từng có vào Israel

Thứ 3, 16/04/2024 18:55

Truyền thông Iran hôm 16/4 công bố chi tiết những loại vũ khí được sử dụng trong cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ nhằm vào Israel cuối tuần trước, bao gồm các mẫu tên lửa có tầm bắn gần 2.000km.

img

Tên lửa đạn đạo tầm trung Sheibarshekan được Iran cất giấu trong lòng núi.

Hãng thông tấn ISNA của Iran đưa tin, quân đội nước này đã sử dụng các mẫu tên lửa đạn đạo tầm trung Emad và Kheibarshekan trong cuộc tấn công.

Kheibarshekan là mẫu tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn với phiên bản mới nhất có tầm bắn lên tới 1.800km. Iran trình làng thế hệ thứ ba của tên lửa Kheibarshekan vào năm 2022, trong dịp kỷ niệm 43 năm Cách mạng Hồi giáo.

Ở giai đoạn cuối, tên lửa có khả năng thay đổi hành trình nhằm né tránh các hệ thống phòng không. Tên lửa dài 11,4 mét, đường kính 76cm, nặng 6,3 tấn và mang theo đầu đạn thông thường nặng 550kg.

Cảnh Iran phóng tên lửa về phía Israel hôm 13/4. Nguồn: PRESS TV 

Để tiết kiệm chi phí, phần thân tên lửa được sản xuất từ các vật liệu composite. Mỗi quả tên lửa đạn đạo Kheibarshekan có giá khoảng 300.000 USD.

Trong khi đó, tên lửa đạn đạo tầm trung Emad có đầu đạn nặng 750kg và tầm bắn ít nhất 1.700km. Tên lửa sử dụng thiết kế hình nón mới ở khu vực đầu đạn, có khả năng phát nổ ngay phía trên mục tiêu và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hay đầu đạn hóa học. Tên lửa được cho là nặng tới 19 tấn và sử dụng nhiên liệu lỏng.

Hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một phần tên lửa Emad hoặc Kheibarshekan rơi xuống Biển Chết sau khi bị hệ thống phòng không Arrow-3 của Israel đánh chặn. Biển Chết là vùng biển nằm giữa Israel và Jordan.

img

Một vụ phóng tên lửa đạn đạo Emad của Iran.

Theo truyền thông Iran, trong cuộc tấn công Israel, tên lửa đạn đạo Emad và Kheibarshekan được phóng từ các bệ phóng ngầm đặt dưới lòng đất.

Mỹ và Israel nói Iran đã phóng tổng cộng 120 tên lửa thuộc 2 loại nêu trên. Tình báo Mỹ nói một nửa số tên lửa đạn đạo Iran rơi trong khi bay tới mục tiêu do trục trặc kỹ thuật.

Đây là lần đầu tiên Iran chính thức sử dụng tên lửa đạn đạo tầm xa trong nhiệm vụ chiến đấu nên có thể không tránh khỏi trục trặc.

Truyền thông Iran cho biết, tên lửa hành trình được sử dụng trong cuộc tấn công là mẫu Paveh. Đây là mẫu tên lửa hành trình tương đối mới, được Iran giới thiệu lần đầu vào tháng 2/2023. Tên lửa phóng từ mặt đất với tầm bắn tối đa khoảng 1.650km.

Tên lửa hành trình Paveh có khả năng thay đổi hành trình và tự tính toán quỹ đạo trong quá trình bay tới mục tiêu để đạt hiệu quả cao nhất. Ví dụ như tên lửa có thể bay vòng và tấn công mục tiêu theo hướng khác nhằm né tránh hệ thống phòng không đối phương.

img

Mảnh vỡ tên lửa đạn đạo Iran được thu hồi từ Biển Chết.

Một tính năng khác của tên lửa hành trình Paveh là khả năng liên lạc với các tên lửa khác. Một tên lửa sẽ đóng vai trò dẫn đường và các tên lửa còn lại bay theo. Tính năng này có hiệu quả trong trường hợp cần nhiều tên lửa thu hút phòng không đối phương để một hoặc nhiều quả tên lửa cuối cùng lao vào mục tiêu.

Theo thông báo của Mỹ và Israel, Iran phóng 30 tên lửa hành trình trong cuộc tấn công và tất cả đều bị đánh chặn. 

Một trong những lý do giúp Mỹ, Israel và các đồng minh đánh chặn hầu hết tên lửa Iran là ở quãng đường bay. 1.000km là khoảng cách ngắn nhất để Iran phóng tên lửa từ phía tây nước này tới Israel. Tuy nhiên, các tên lửa Iran cần bay qua không phận Iraq, Syria, Jordan và rất dễ bị phát hiện từ sớm. Iran cũng được cho là đã thông báo trước với Mỹ về cuộc tấn công.

img

Iran lần đầu giới thiệu tên lửa hành trình Paveh vào tháng 2/2023.

Iran cũng phóng 170 máy bay không người lái (UAV) tự sát Shahed-136 trong cuộc tấn công. Giới chức Mỹ và Israel nói không một UAV nào trong số này xâm nhập được vào không phận.

Theo đánh giá của  Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Mỹ, Iran dường như sử dụng chiến thuật tập kích tầm xa giống với cách Nga sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Mục đích của việc sử dụng hàng loạt UAV và tên lửa hành trình có tốc độ bay chậm là nhằm thu hút và đánh lạc hướng phòng không đối phương, ISW đánh giá. UAV Shahed-136 và tên lửa hành trình được Iran phóng đầu tiên. Các tên lửa đạn đạo là vũ khí tấn công chủ chốt, được phóng cuối cùng vì khó đánh chặn hơn rất nhiều.

img

Shahed-136 là mẫu UAV tự sát tầm xa được Iran sử dụng trong cuộc tấn công Israel.

Để đánh chặn các tên lửa đạn đạo phóng từ Iran, Israel đã sử dụng tên lửa phòng không Arrow-3. Mỗn quả đạn tên lửa phóng từ hệ thống Arrow-3 ước tính có giá lên tới 3,5 triệu USD, tức là đắt gấp 10 lần tên lửa Kheibarshekan của Iran. Ngoài ra, Israel cũng có thể phóng nhiều đạn tên lửa vào một mục tiêu để đảm bảo khả năng đánh chặn thành công.

ISW nhận định, Iran sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm trong lần tấn công quy mô lớn này để cải thiện khả năng tấn công chính xác, giảm thiểu số lượng tên lửa phóng hỏng. Thông qua cuộc tấn công Iran cũng có thể đã nắm được sơ bộ cách Israel bố trí mạng lưới phòng không.

Theo trang The Intercept, cần lưu ý rằng Mỹ mới là bên bắn rơi nhiều UAV và tên lửa của Iran nhất chứ không phải Israel. Nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, Israel sẽ không thể đạt được hiệu suất đánh chặn lên tới 99% như tuyên bố.

Đăng Nguyễn - Tổng hợp

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.