Việc phun máu từ mắt để xua đuổi kẻ thù thì chỉ có duy nhất một loài trên trái đất này làm được, đó là thằn lằn sừng. Thằn lằn sừng (Phrynosoma platyrhinos) sinh sống chủ yếu ở sa mạc, hoang mạc khô cằn và nóng bức thuộc Guatemala, Mexico, Canada…
Giống như nhiều họ hàng của nó, thằn lằn sừng sở hữu khả năng ngụy trang tài tình. Màu sắc cơ thể chúng trộn lẫn với màu cát trên sa mạc khiến chúng gần như tàng hình. Chiêu thức này có thể dễ dàng qua mặt nhiều loài săn mồi trên sa mạc nhưng không thể qua mặt được rắn.
Khi bị kẻ thù phát hiện, cơ chế phòng thủ vòng hai của thằn lằn sừng sẽ được kích hoạt. Chúng phồng cơ thể lên gấp hai lần đồng thời phát ra những tiếng xì xì và đưa những chiếc gai nhọn về phía kẻ thù đe dọa.
Nếu cả hai chiến thuật trên đều vô hiệu thì loài thằn lằn sừng sẽ sử dụng đến thứ vũ khí bí mật cuối cùng: Phun máu từ mắt như một khẩu súng nước vào kẻ thù. Thằn lằn thường chờ cho đến khi đối thủ tấn công, nó mới nhắm trúng mục tiêu và phun thẳng vào mặt, nơi gây sát thương cao nhất.
Máu của thằn lằn sừng có chứa độc tố liên kết với các thụ thể trong miệng, các thụ thể không có ở người và các loài khác. Phải mất 15 phút để một con chó sói chẳng may trúng máu của thằn lằn có thể hồi phục.
Một túi dưới mắt của thằn lằn được gọi là xoang mắt, phồng lên khi đầy máu và nó phun ra ngoài qua lỗ chân lông ở mí mắt dưới. Máu trong một dòng chảy có thể dài tới 2m. Nó có thể bắn máu nhiều lần nếu cần thiết.
Thằn lằn sừng chủ yếu ăn kiến, kể cả kiến độc. Chúng bắt kiến bằng đầu lưỡi dính. Chúng không nhai con mồi mà sẽ tiết dịch tiêu hóa kiến trước nuốt. Điều này giúp bảo vệ thằn lằn khỏi nọc kiến.
Công Hiếu (t/h)