Làm thế nào để giảm chi phí, mang lại cơ hội điều trị bệnh tự miễn cho số đông người dân là vấn đề nóng được các nhà khoa học nổi tiếng thế giới cùng bàn luận trong tọa đàm “Thúc đẩy miễn dịch học chính xác đề điều trị các bệnh rối loạn tự miễn” diễn ra chiều 18/12. Sự kiện nằm trong chuỗi tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống”, thuộc khuôn khổ Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture 2023.
Điều trị bệnh tự miễn bằng liệu pháp tế bào T
Tọa đàm “Thúc đẩy miễn dịch học chính xác đề điều trị các bệnh rối loạn tự nhiên” thu hút sự quan tâm lớn của giới khoa học trong và ngoài nước khi đề cập tới vấn đề nóng trong giới y sinh: Bệnh rối loạn tự miễn.
TS. Nguyễn Văn Đĩnh - Giảng viên lâm sàng thuộc Khối Khoa học Sức khỏe, Trường Đại học VinUniversity - cung cấp thông tin: Bệnh tự miễn (tình trạng hệ tự miễn tấn công tế bào cơ thể) trước đây được coi là hiếm gặp, song hiện tại đã trở nên phổ biến.
Bệnh tự miễn được tìm thấy ở khoảng 10% dân số thế giới và khoảng 4% dân số Việt Nam. Tức trong số 100 triệu người dân Việt thì có khoảng 4 triệu người mắc bệnh. Đó là lý do hiện nay 20% các nghiên cứu y sinh trên toàn cầu tập trung vào bệnh tự miễn.
Về hướng điều trị, liệu pháp tế bào T đang là xu hướng trong điều trị các bệnh tự miễn và ung thư. Các tế bào T như người gác cổng, có thể nhận biết kháng nguyên bất thường trên cơ thể như tế bào ung thư.
Tuy nhiên, vai trò của tế bào này trong việc điều trị các bệnh tự miễn cụ thể như thế nào cũng như vấn đề giá thành là câu chuyện mà các nhà khoa học y sinh đang tập trung tìm câu trả lời.
GS. Shimon Sakaguchi - Đại học Osaka, Nhật Bản, người đầu tiên tìm ra tế bào T điều hoà (Treg) để điều trị các bệnh miễn dịch - cho biết: “Vai trò của tế bào T có ý nghĩa với các bệnh viêm tuyến giáp tự miễn, viêm ruột tự miễn, áp dụng được trong một số bệnh lý ung thư hay xử lý vấn đề nhiễm trùng cho bệnh nhân ghép tạng. Tuy nhiên, làm thế nào để đạt được hiệu ứng đích trong kháng nguyên này với tất cả các loại bệnh khác là vấn đề đang được nghiên cứu và chưa có câu trả lời”.
Theo GS. Shimon Sakaguchi, việc sử dụng liệu pháp tế bào T đang áp dụng cho một số bệnh cụ thể. Trong một số trường hợp, các nhà khoa học chưa có bằng chứng để chứng minh dùng kháng sinh tốt hơn hay dùng liệu pháp tế bào T tốt hơn.
“Khi xác định một phương án tốt hơn trong điều trị, không chỉ xét đến yếu tố y khoa mà còn phải xét đến yếu tố kinh tế. Làm sao để giảm chi phí điều trị cũng là một thách thức”, GS. Shimon Sakaguchi cho hay.
Ngăn ngừa bệnh tự miễn thông qua cải thiện hệ vi sinh vật có lợi nhờ ăn uống
Hiện tại, một số thuốc sinh học ứng dụng liệu pháp tế bào T đã được sử dụng điều trị các bệnh tự miễn, tuy nhiên chi phí rất cao. Ví dụ, một liệu pháp điều trị lupus ban đỏ hệ thống bằng CD19-Car-T có giá lên đến 80.000 USD. TS. Nguyễn Văn Đĩnh cho rằng các công ty dược tại Việt Nam cần có cơ chế sản xuất để giảm giá thành thuốc nhằm giúp nhiều bệnh nhân Việt Nam có thể sử dụng được.
Về lâu dài, theo các chuyên gia, cần thúc đẩy các nghiên cứu về hệ vi sinh vật, xác định vi khuẩn có lợi để cải thiện hiệu quả hệ miễn dịch nhằm ngăn ngừa các bệnh tự miễn. Đây là hướng đi triển vọng để áp dụng đại trà trên người dân.
GS. Pascale Cossart - Trưởng khoa Tế bào tại Viện Pasteur Paris, Pháp, chia sẻ: “Chúng ta đang nghiên cứu rất nhiều về nội dung này: Vi sinh vật nào có thể sử dụng làm liệu pháp điều trị thích hợp; Liệu ta có thể phân tách một vi sinh vật có lợi để điều trị cho tất cả bệnh nhân hay không; Chế độ ăn uống nào có thể áp dụng để tạo ra nhiều nhất lượng vi khuẩn có lợi cho cơ thể…”'
GS. Cossart cũng cho biết thêm, hệ vi sinh vật trong cơ thể người có sự khác biệt theo vùng địa lý và phụ thuộc vào cơ chế ăn uống. Do đó, mọi người hoàn toàn có thể thay đổi hệ miễn dịch bằng một chế độ ăn uống hiệu quả, lành mạnh và gần gũi với tự nhiên.
Bà Cossart cũng dẫn chứng một nghiên cứu cho thấy trẻ em được phát triển tự do trong môi trường tự nhiên có hệ miễn dịch khoẻ mạnh, kể cả ăn đồ ăn dính bùn, đất.
TS. Nguyễn Văn Đĩnh cho biết thêm, hiện các nhà khoa học y sinh đang xác định các yếu tố dấu ấn sinh học để chẩn đoán sớm bệnh tự miễn.
“Vấn đề là các chuyên ngành cần phối hợp điều trị đồng thời để giúp bệnh nhân tốt nhất. 25% bệnh nhân không chỉ một bệnh lý tự miễn là nhiều bệnh lý cùng lúc. Ví dụ, bệnh nhân mắc bệnh cả về thể chất và tâm lý thì cần điều trị cả hai”, TS. Nguyễn Văn Đĩnh nêu quan điểm.
Cũng nằm trong chuỗi Tọa đàm “Khoa học vì Cuộc sống”, trong ngày 19/12, các nhà khoa học thế giới và Việt Nam sẽ có 2 phiên bàn về những vấn đề đang được quan tâm trên thế giới gồm: “Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh”, “Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng đột phá và thách thức”.
Song song với Tọa đàm khoa học là “Chuỗi Đối thoại Khám phá Tương lai VinFuture” lần đầu tiên được tổ chức, giúp mở ra cơ hội hợp tác và chuyển giao công nghệ tiềm năng trên thế giới cho Việt Nam. Cụ thể, 9 tổ chức gồm các viện nghiên cứu, trường đại học lớn nhất Việt Nam và các doanh nghiệp sẽ tham gia thảo luận chuyên sâu với những nhà khoa học hàng đầu thế giới về “Công nghệ mới trong điều trị ung thư”; “Nông nghiệp hiện đại hướng tới phát thải ròng bằng “0””; “Công nghệ mới trong điều trị các bệnh truyền nhiễm và HIV cho phụ nữ trẻ”…
Tâm điểm được cộng đồng khoa học toàn cầu là Lễ trao giải VinFuture 2023 sẽ diễn ra tối 20/12/2023 tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội). Tại đây, các nhà khoa học với những công trình đột phá, được bình chọn từ 1.400 dự án nghiên cứu tới từ hơn 90 quốc gia trên thế giới sẽ chính thức được vinh danh với những đóng góp, tạo sự thay đổi tích cực cho cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới.
Thu Hà