Nhiều bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc, có gì bất thường?
Trong thời gian qua, có hơn 4.800 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 420 viên chức công tác tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc. Thực trạng nhân viên y tế nghỉ việc đã khá phổ biến ở các tỉnh, thành phố, đặc biệt tại Tp.Hồ Chí Minh có tới hơn 1.050 người xin thôi việc, bỏ việc…
Tiếp sau Tp.Hồ Chí Minh trong gần 2 năm qua, ít nhất 857 nhân viên y tế, bác sĩ Hà Nội cũng xin nghỉ việc và xin chuyển công tác.
Từ năm 2020 đến nay, Thanh Hóa có 206 nhân viên y tế công lập bỏ việc, trong đó có 96 bác sĩ do áp lực công việc và thu nhập thấp.
Đà Nẵng cũng là một trong những địa phương có số lượng lớn người làm việc trong ngành y tế xin nghỉ và chuyển công tác. Theo số liệu trên báo Pháp luật TPHCM, trong sáu tháng đầu năm 2022, tại Đà Nẵng đã có 127 nhân viên y tế xin nghỉ việc, trong đó có 55 bác sĩ. Ngoài ra, việc thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh cũng đang là một trong những khó khăn của ngành y tế Đà Nẵng.
Để phát triển ngành y tế, thời gian tới, Đà Nẵng cũng cần tăng cường thanh kiểm tra, quản lý hoạt động y tế tư nhân, xây dựng các chính sách hỗ trợ cho ngành y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng.
Không chỉ riêng miền Bắc mà khu vực phía Nam cũng nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, Tp.Cần Thơ có 111 bác sĩ, nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc.
Tại 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, trong 6 tháng đầu năm 2022 có 86 bác sĩ, nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc.
Sở Y tế Đồng Nai chỉ trong khoảng 6 tháng đầu năm 2022, địa phương này đã có 230 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên tại các cơ sở y tế công lập từ tỉnh đến xã nghỉ việc, số này cao hơn nhiều so với các năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập thấp và môi trường làm việc áp lực.
Trước đó, năm 2019, toàn tỉnh có 104 bác sĩ và 156 điều dưỡng nghỉ việc ở các cơ sở y tế công lập. Năm 2020 có 80 bác sĩ và 131 điều dưỡng nghỉ việc.
Ngày 12/7, đại diện Sở Y tế Bình Dương cho biết đã có báo cáo về tình hình cán bộ, viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc.
Theo số liệu của Sở Y tế Bình Dương, toàn ngành hiện có 8.880 nhân viên y tế. Trong đó y tế công lập chiếm tỉ lệ 42% tổng số nhân lực y tế, có 826 bác sĩ y tế công lập/2.211 tổng số bác sĩ. Năm 2021, số lượng nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc là 162 người. Trong đó có 24 bác sĩ và bác sĩ chuyên khoa, 66 dược sĩ, điều dưỡng, 72 nhân viên khác. Trong năm 2022, có 166 người nghỉ việc, bỏ việc tại các đơn vị công lập. Trong số này, có 35 bác sĩ, 60 điều dưỡng-nữ hộ sinh; 6 kỹ thuật viên y và 65 nhân viên y tế khác nghỉ việc, bỏ việc.
Thu nhập thấp và môi trường làm việc áp lực có phải nguyên nhân chính
Ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, cho biết, nguyên nhân chính là chế độ tiền lương không đủ đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt cho bản thân và gia đình. Sự chênh lệch cao về tiền lương giữa y tế nhà nước và y tế tư nhân; do nhu cầu cuộc sống, viên chức y tế nhất là đội ngũ bác sĩ xin thôi việc để tìm đến các cơ sở y tế tư nhân có chế độ tiền lương cao hơn. Chính sách ưu đãi, đãi ngộ cho viên chức y tế chưa hấp dẫn, chưa thật sự giữ chân được đội ngũ y tế.
Đồng quan điểm, ông Kiên Sóc Kha, Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh chia sẻ với báo Thanh Niên, nguyên nhân cán bộ y tế xin thôi việc, bỏ việc là do thu nhập từ lương và các khoản phụ cấp còn thấp không đủ để trang trải cuộc sống, thu nhập tăng thêm không đảm bảo. Năm 2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp, công tác phòng chống dịch kéo dài, cán bộ ngành y phải chịu áp lực công việc nên có nguyện vọng tìm việc làm khác để giảm bớt áp lực.
“Nhiều người gặp khó khăn về cuộc sống; không cân bằng giữa công việc và cuộc sống do đó giảm động lực để công tác. Cũng có một số viên chức xin thôi việc là do không ai chăm sóc con cái, điều kiện đi lại gặp khó khăn do nhà ở xa cơ quan nên không thể tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ được phân công tại đơn vị; một số viên chức xin thôi việc để tìm kiếm công việc khác có thu nhập tốt hơn để chăm lo cho gia đình, ổn định cuộc sống”, ông Kha cho biết thêm.
Sở Y tế cho biết, thực trạng hiện nay, để bù vào số người nghỉ việc, các bệnh viện phải nhận người mới. Do đó, một số bệnh viện không thiếu bác sĩ nhưng đa phần lại là bác sĩ mới ra trường, chưa có kinh nghiệm. Nhiều trung tâm y tế, trạm y tế không thu hút được bác sĩ mới về làm việc. Số người mới chỉ có từ nguồn bác sĩ đào tạo theo địa chỉ do Sở Y tế phân về. Lực lượng điều dưỡng thiếu ngay từ khâu tuyển sinh ở các trường đào tạo.
Để bù vào số người nghỉ việc, các bệnh viện phải nhận người mới. Vì mới nên chưa chưa đáp ứng công việc và áp lực lại đè lên vai những người ở lại, tạo thành vòng luẩn quẩn, công việc nhiều, lương thấp, bác sĩ và nhân viên y tế xin nghỉ việc?
Nhiều cơ sở sở y tế đề nghị tỉnh Đồng Nai sớm có giải pháp nhằm tăng thu nhập, đảm bảo đời sống cho đội ngũ y, bác sĩ để giữ chân y, bác sĩ, đặc biệt những người có trình độ chuyên môn cao ở lại bệnh viện công lập.
Bên cạnh đó, ông Phạm Phú Trường Giang, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Cần Thơ chia sẻ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là áp lực công việc cao, thu nhập thấp không đủ trang trải cuộc sống gia đình; chế độ, chính sách cho bác sĩ, nhân viên y tế chưa hợp lý...
“Hầu hết, bác sĩ, nhân viên y tế xin thôi việc chủ yếu do thu nhập thấp. Tuy nhiên, ngành y tế Cần Thơ cũng không ảnh hưởng nhiều, bởi đa phần lực lượng nghỉ việc rơi vào bệnh viện trung tâm, lực lượng y tế cơ sở không nghỉ nhiều”, ông Giang cho biết.
Trước tình trạng trên, Sở Y tế Tp.Cần Thơ kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần cải cách chế độ tiền lương, xem xét điều chỉnh mức lương và các chính sách cho phù hợp, tương xứng với sức lao động của bác sĩ, nhân viên y tế như: chế độ phụ cấp chống dịch; phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, độc hại, nguy hiểm…
Liên quan đến nhiều nhân viên y tế, bác sĩ xin nghỉ việc và xin chuyển công tác trao đổi với báo Người Lao Động bà Đỗ Thị Thu Hà, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế Hà Nội thông tin.
"Con số 857 nhân viên y tế, bác sĩ Hà Nội xin nghỉ việc và xin chuyển công tác trong gần 2 năm qua được UBND TP báo cáo HĐND TP là con số được tổng hợp đến ngày 30/4/2022. "Toàn ngành y tế Hà Nội hiện có trên 26.000 người. Hiện chúng tôi đang tiếp tục rà soát, thống kê từ 30/4 về sau", bà Hà nói.
Tại Hà Nội, hiện nay nhiều đơn vị đã tự chủ nên việc ký hợp đồng, làm được hay không làm được và chuyện "ra vào" cũng là "chuyện rất bình thường" như những chỗ làm khác, năm nào cũng có người nghỉ chứ không phải 2 năm vừa rồi mới có người nghỉ.
Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản trình UBND TP, báo cáo Thường trực HĐND TP về việc đề nghị xây dựng, ban hành Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ cho các y, bác sĩ và nhân viên y tế của TP Hà Nội theo trình tự, thủ tục rút gọn (Tờ trình số 2284/TTr-SYT ngày 24/5/2022; Công văn số 2369/SYT- KHTC ngày 28/5/2022). "Hiện Sở đang nghiên cứu, xin ý kiến các bên liên quan đồng thời nghiên cứu đánh giá tác động liên quan về vấn đề này", bà Hà cho hay.
Chia sẻ liên quan đến vấn đề nhiều người làm trong ngành y chọn "đi hay ở", một Giám đốc một bệnh viện lớn ở Hà Nội cho hay, thời gian qua, có nhiều cán bộ nhân viên y tế của viện đã xin nghỉ việc. Theo vị này, sau thời gian dịch bệnh và việc nhiều cán bộ y tế bị bắt khiến tâm lý của anh em rất nặng nề, nhiều người không hào hứng làm việc như trước. Cơ chế hiện nay rất khó để thực hiện việc mua sắm thiết bị y tế cũng như thuốc thang. "Hiện các bệnh viện kiểu "có súng mà không có đạn để bắn", có người làm mà thiếu cơ chế, thiếu thiết bị, thuốc thang để phục vụ nhân dân", vị lãnh đạo này bày tỏ.
UBND Tp.Hà Nội cho biết từ đầu năm 2020 đến nay, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Hà Nội, ngành y tế Thủ đô vừa phải tập trung mọi nguồn lực đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch bệnh vừa đảm bảo các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng nhiệm vụ. Do số lượng nhân viên y tế còn thiếu, các nhân viên y tế phải làm việc kiêm nhiệm, thực hiện nhiều nhiệm vụ, phải làm thêm ngoài giờ, không kể ngày, đêm. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ và mức thu nhập cho nhân viên y tế còn hạn chế so với các doanh nghiệp, đơn vị y tế ngoài công lập hoặc cơ sở y tế thuộc các Bộ, ngành. Hệ quả, nhiều nhân viên y tế Hà Nội đã xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác về những đơn vị có mức thu nhập cao hơn.
Làm gì để tránh "chảy máu chất xám"?
Bác sĩ nghỉ việc, bệnh viện công đánh mất nguồn nhân lực "vàng". Vậy ngành y tế địa phương phải làm gì để giữ “chất xám”?.
Trước thực trạng "chảy máu chất xám" trong hệ thống y tế công lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng đã chỉ đạo ngành y tế nghiên cứu, tham mưu đề xuất chính sách để nâng cao thu nhập, giữ chân y, bác sĩ, nhân viên của bệnh viện. Còn lãnh đạo một bệnh viện tuyến tỉnh thì chia sẻ, chỉ có nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng cường đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn thì mới thu hút được bệnh nhân đến bệnh viện, mới có thêm thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế.
Ông Kiên Sóc Kha kiến nghị Bộ Y tế và Chính phủ tăng mức lương hoặc phụ cấp để cán bộ ngành y có nguồn thu nhập ổn định nhằm đáp ứng nhu cầu cho đời sống được tốt hơn, góp phần nâng cao tinh thần, sức khoẻ cho viên chức y tế đảm bảo thực hiện tốt công tác khám, điều trị và chăm sóc cho nhân dân. Tăng định mức biên chế cho ngành y tế nhằm đảm bảo công tác khi dịch bệnh xảy ra, đào tạo nguồn nhân lực phòng chống dịch nhất là tuyến xã và y tế dự phòng.
Còn ông Văn Công Minh kiến nghị, có chế độ chính sách tăng tiền lương, phụ cấp ưu đãi cho nhân viên y tế; tranh thủ các nguồn viện trợ cho tỉnh Vĩnh Long thực hiện công tác đào tạo nâng cao trình độ nhân viên y tế.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Y tế thường xuyên quan tâm, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của công chức, viên chức tại đơn vị để từ đó có sự bố trí, điều động, sắp xếp viên chức phù hợp với năng lực công tác của bản thân viên chức, đồng thời tạo mọi điều kiện để viên chức khắc phục khó khăn trong cuộc sống phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
“Cần có chính sách đào tạo, thu hút và giữ chân đối với viên chức ngành y tế. Quan tâm đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất và trang thiết bị tại nơi làm việc, tạo điều kiện, môi trường làm việc góp phần nâng cao tinh thần làm việc cũng như sức khỏe cho nhân viên y tế để hạn chế tối đa trình trạng xin thôi việc, bỏ việc”, ông Văn Công Minh kiến nghị với lãnh đạo địa phương.
Theo Công An Nhân Dân, về phía Bộ Y tế theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, để giải quyết bài toán khó này, Bộ Y tế đã động viên tinh thần, tổ chức các diễn đàn chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của viên chức y tế. Kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc… Quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp… Huy động các nguồn lực của xã hội để hỗ trợ vật chất cho viên chức y tế, nhằm giảm bớt khó khăn. Tăng cường xã hội hóa ở những đơn vị có điều kiện để tăng thu nhập cho viên chức y tế, đặc biệt là những viên chức có trình độ chuyên môn cao. Xây dựng và thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc ở các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế ở các vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn.
“Bộ Y tế đang xây dựng tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng. Bộ đang trình Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011-NĐ-CP quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, trong đó nâng mức hưởng phụ cấp và ưu đãi theo nghề đã được quy định tại Điều 3 Nghị định 56 đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ 40-70% lên mức 100%”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thực trạng nhân viên y tế rời đi khỏi bệnh viện công cấp thiết phải xem xét cải tổ, đổi mới ngành y tế, đặc biệt các vấn đề pháp lý, quy chế, luật định để các bệnh viện có hoạt động tốt hơn, chất lượng cao hơn và thu nhập của nhân viên tốt hơn. Không một ai công việc đang ổn định, mức lương tốt lại rời đi cả. Đó là bài toán khó mà không phải chỉ riêng ngành y tế có thể giải đáp được.
Trúc Chi (t/h)