Bị can Nguyễn Phương Anh được Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan (ảnh) chỉ đạo làm đầu mối phối hợp cùng các đối tượng “thân tín” tại Ngân hàng SCB.
"Mắt xích" phối hợp với đối tượng "thân tín" của bà Trương Mỹ Lan ở SCB
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án “Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và một số đơn vị, tổ chức liên quan.
Trong số 86 bị can bị đề nghị truy tố có ông Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) bị đề nghị truy tố về tội "Tham ô tài sản".
Theo kết luận điều tra, ông Nguyễn Phương Anh làm việc tại Tập đoàn VTP từ năm 2009 đến tháng 10/2022. Ông Phương Anh được giao nhiệm vụ theo dõi dòng tiền và phụ trách các kế toán viên thực hiện các hoạt động kế toán, tài chính của các công ty "ma" thuộc nhóm Peninsula theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan.
Ngày 1/6/2020, ông Phương Anh được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula phụ trách về đầu tư, tài chính, kế toán và được bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo làm đầu mối phối hợp cùng các đối tượng “thân tín” của bà Lan tại Ngân hàng SCB (gồm: bà Nguyễn Phương Hồng, bà Trần Thị Mỹ Dung, ông Trương Khánh Hoàng, đều từng giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB...) lập các bộ hồ sơ khống của các cá nhân, pháp nhân tại hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vay vốn tại Ngân hàng SCB trái pháp luật, thực hiện các giao dịch khống để giải quỹ, rút tiền mặt ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB và đưa vào sử dụng cho các mục đích của bà Trương Mỹ Lan, đến nay tổng dư nợ các khoản vay tại Ngân hàng SCB là đặc biệt lớn, không có khả năng thu hồi.
Thành lập các công ty ma, các cá nhân đứng tên ký khống hồ sơ vay vốn của SCB
Theo kết luận điều tra, Chủ tịch VTP Trương Mỹ Lan còn giao cho bị can Nguyễn Phương Anh phụ trách quản lý các nhân viên, công ty, cá nhân thuộc nhóm công ty Sài Gòn Peninsula để sử dụng hoặc thành lập mới các công ty ma, tìm kiếm người đứng tên ký chứng từ vay vốn của SCB, phát hành trái phiếu, chuyển tiền nước ngoài, mua tài sản..., theo dõi toàn bộ việc thu, chi tiền giải ngân từ SCB và các nguồn tiền khác. Căn cứ nhu cầu sử dụng tiền của bà Trương Mỹ Lan, sau khi lên phương án vay vốn, nhóm SCB (Hồng, Dung, Khánh Hoàng) sẽ thông báo cho ông Phương Anh biết để lựa chọn, thành lập các công ty ma, các cá nhân đứng tên ký khống hồ sơ vay vốn SCB và các chứng từ liên quan.
Ngoài ra, bị can Phương Anh còn trực tiếp phối hợp với Đặng Phương Hoài Tâm, Phó Trưởng Văn phòng HĐQT Tập đoàn VTP để đề nghị cho thông tin các Công ty/cá nhân đang không có dư nợ, chưa sử dụng đến hoặc thành lập mới pháp nhân để vay vốn SCB; chỉ đạo các nhân viên phối hợp với nhóm Văn phòng HĐQT, nhóm thuê người đứng tên thành lập Công ty “ma” để hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ, chứng từ liên quan đến khoản vay.
Sau khi khoản vay được chấp thuận giải ngân, ông Nguyễn Phương Anh báo cáo Hồ Bửu Phương (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán Tân Việt, cựu Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) để xin “giải quỹ” các khoản vay được giải ngân trực tiếp cho các công ty thụ hưởng cuối cùng với giá trị lớn (từ 50 tỷ đồng trở lên), phối hợp với Phan Chí Luân lấy phương án thực hiện “Hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần” khống làm căn cứ chuyển tiền cho các cá nhân và rút tiền; sau đó lập các chứng từ thu chi để sử dụng các khoản tiền được giải ngân cho mục đích của bà Trương Mỹ Lan.
Kết quả điều tra xác định: Từ ngày 01/01/2018 đến ngày 07/10/2022, thực hiện chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, ông Nguyễn Phương Anh đã thành lập, quản lý, theo dõi, sử dụng 290 pháp nhân và 188 cá nhân để tạo lập hồ sơ 709 khoản vay, tổng số tiền giải ngân là hơn 411.069 tỷ đồng, đến 17/10/2022 còn dư nợ tổng số tiền hơn 534.776 tỷ đồng (gồm: Dư nợ gốc hơn 406.046 tỷ đồng và dư nợ lãi hơn 128.730 tỷ đồng).
Căn cứ kết quả điều tra, cơ quan điều tra đủ căn cứ xác định, ông Nguyễn Phương Anh đã thực hiện hành vi giúp sức, đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội “Tham ô tài sản” quy định tại khoản 4, Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015, liên đới chiếm đoạt số tiền hơn 297.417 tỷ đồng (= Dư nợ gốc từ ngày 01/01/2018 đến ngày 07/10/2022: hơn 406.046 tỷ đồng - Giá trị tài sản đảm bảo do Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân định giá tại thời điểm ngày 30/9/2022 được SCB chấp nhận có đủ pháp lý để trích lập dự phòng rủi ro: hơn 108.629 tỷ đồng), gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh hơn 128.730 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra đánh giá, bị can Nguyễn Phương Anh giữ vai trò là người làm công hưởng lương, làm theo sự chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, không được Lan trao đổi, bàn bạc hoặc hứa hẹn, cho hưởng lợi gì ngoài lương, thưởng và chính sách theo hợp đồng lao động. Bị can đã ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác, lập công chuộc tội, cung cấp thông tin đầy đủ, đúng sự thật với Cơ quan điều tra để mở rộng điều tra, củng cố hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và các cá nhân khác. Ngoài ra, nam bị can có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, đã tự nguyện khắc phục một phần hậu quả vụ án nên được cơ quan điều tra đề nghị xem xét khi lượng hình.
Xuân Lực