Thay đổi “luật chơi” trên môi trường điện tử
Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 3, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử ngày 31/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Quốc hội điện tử nêu rõ, thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử đã tổ chức 2 phiên họp toàn thể để xem xét và thông qua nhiều nội dung quan trọng.
Vừa qua, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học về đề cương Đề án Quốc hội điện tử, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, làm cơ sở để Văn phòng Quốc hội tiếp tục xây dựng và hoàn thiện đề cương Đề án Quốc hội điện tử. Ngay sau hội thảo, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Tổ giúp việc khẩn trương tiếp thu ý kiến chuyên gia để hoàn thiện đề cương Đề án.
Tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo kết quả triển khai Đề án Quốc hội điện tử và một số dự án ứng dụng công nghệ thông tin thành phần thuộc Đề án Quốc hội điện tử.
Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng về bản chất chuyển đổi số trong hoạt động Quốc hội hay, Quốc hội điện tử chính là việc thay đổi “luật chơi” trên môi trường điện tử.
Do đó, vấn đề đặt ra khi xây dựng Quốc hội điện tử thì phải rà soát để kiến nghị sửa đổi quy định thực định có liên quan để bảo đảm phù hợp và thuận lợi cho quá trình vận hành.
Cùng với đó, Quốc hội điện tử phải đồng hành với Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong tổng thể chương trình Chuyển đổi số quốc gia.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng điều cốt lõi chuyển đổi số trong hoạt động Quốc hội là thay đổi nhận thức và tác phong, phương thức làm việc rất lớn, khi dữ liệu nhiều lên rất nhiều với hỗ trợ của công nghệ kĩ thuật thì nhiều vấn đề sẽ không còn theo quy trình truyền thống nữa.
Ông Huy cho rằng thể chế phải đi trước một bước, trong nhiệm vụ đặt ra trong Đề cương phải có những đề xuất, kiến nghị sửa đổi các quy định về quản lý, quy chế hoạt động, quy trình hoặc các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cũng đánh giá cao công tác tiếp thu của Văn phòng Quốc hội được tiến hành kỹ lưỡng, nghiêm túc.
Đến nay, đề cương cơ bản đáp ứng yêu cầu, cụ thể nhiều nội dung về nhận diện bối cảnh, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, kinh phí, lộ trình.
Đồng thời, lưu ý yêu cầu về mặt thời gian hoàn thành do đó cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện đề cương Đề án để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về mặt chủ trương để đi vào triển khai tiếp.
Tạo môi trường để tương tác với cử tri, nhân dân
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho rằng mỗi giai đoạn có sự phát triển khác nhau. Do đó, xây dựng Quốc hội điện tử hướng đến Quốc hội số ở giai đoạn hiện nay cần quan tâm để lựa chọn được công nghệ tiên tiến phù hợp, có định hướng dài hơi hơn, tránh trường hợp Đề án vừa ban hành đã có nội dung lạc hậu, không theo kịp với công nghệ.
Quốc hội điện tử không chỉ tập trung về mô hình công nghệ thông tin để chuyển đổi quy trình, thủ tục làm việc mà còn tập trung ở nhiều yếu khác như yếu tố con người, quy trình thủ tục, cơ sở hạ tầng và cơ sở dữ liệu.
Trong đó, có hướng tới mối quan hệ của Quốc hội với các chủ thể khác, nhất là Quốc hội với cử tri và người dân. Ông Hoàng Anh Công cho rằng Quốc hội điện tử cần tạo môi trường để Quốc hội tương tác với cử tri và người dân, trong đó có tiếp xúc cử tri trên môi trường mạng, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra, thực hiện tốt hơn chức năng đại diện của Quốc hội và tăng cường trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận các ý kiến góp ý tại phiên họp, biểu dương Văn phòng Quốc hội đã tích cực từng bước triển khai các nhiệm vụ được giao đến nay có sản phẩm tương đối hoàn chỉnh; đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa các ý kiến tại phiên họp để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự thảo đề cương của Đề án xây dựng Quốc hội điện tử, hướng đến Quốc hội số giai đoạn 2023-2026, định hướng đến 2030.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiến hành thẩm tra, đánh giá đề cương Đề án để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong thời gian sớm nhất.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là đề tài rất lớn, đòi hỏi trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông phải có ý kiến góp ý chính thức đối với đề cương Đề án và tham gia trong quá trình thẩm tra. Giao Văn phòng Quốc hội nghiên cứu lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng Đề án theo đúng quy định của pháp luật và sẵn sàng cho triển khai thực hiện khi Đề án được ban hành.