Lấy học sinh làm trung tâm
Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có giáo dục-đào tạo. Hội nghị có 65 điểm cầu ở 63 tỉnh, thành và hơn 400 điểm cầu tại các cơ sở giáo dục đại học.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2020-2021 là năm toàn ngành Giáo dục tiếp tục triển khai các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về triển khai đổi mới, căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; là năm bắt đầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới theo lộ trình Quốc hội đề ra.
Trong bối cảnh đại dịch Coivd-19 bùng phát tại hầu hết các địa phương, bộ GD&ĐT đã chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch năm học một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương để cùng cả nước phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm an toàn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên.
Trình bày báo cáo tổng kết năm học 2020-2021, Thứ trưởng bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, năm học vừa qua, toàn ngành giáo dục đã triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch với mục tiêu “đảm bảo sức khỏe, an toàn của học sinh, sinh viên, giáo viên lên trên hết” đồng thời thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”.
Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch; tăng cường thực hiện kế hoạch năm học, triển khai dạy học trực tuyến, kiểm tra, đánh giá, ôn thi tốt nghiệp THPT; tổ chức hoạt động dạy và học, kết thúc năm học và tuyển sinh trong thời gian dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục đại học.
“Có thể khẳng định, mặc dù chịu tác động sâu rộng của dịch Covid-19 nhưng toàn ngành giáo dục đã hoàn thành mục tiêu kép trong năm học 2020 -2021, vừa tham gia tích cực trong phòng, chống dịch bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục”, báo cáo của Thứ trưởng bộ GD&ĐT nêu rõ.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với những khó khăn của ngành giáo dục, đồng thời yêu cầu bộ GD&ĐT phải thay đổi, khắc phục những tồn tại.
“Làm ở điều kiện khó khăn không phải cái gì cũng đáp ứng ngay được. Phải thẳng thắn thay đổi, tập trung khắc phục. Giáo dục từng bước quyết liệt thực hiện giải pháp nâng cao giáo dục ở tất cả các cấp lấy học sinh làm trung tâm, lấy nhà trường làm nền tảng, lấy người thầy làm động lực; thầy truyền cảm hứng tốt học sinh sẽ tiếp thu tốt”, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, ngành Giáo dục cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cao cho đất nước. Phát huy yếu tố con người, là trung tâm chủ thể, quyết định của vấn đề mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam gắn kết giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Ngành giáo dục linh hoạt chủ động ứng dụng công nghệ trong quản lý, giảng dạy phù hơp trong từng điều kiện. Tích cực chủ động chuyển đổi trạng thái hoạt động thích ứng với dịch Covid–19.
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng giao bộ Y tế phối hợp với bộ GDĐT triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ em. Bộ Y tế quy định độ tuổi tiêm các loại vaccine để tính toán phân bổ, có kế hoạch tiêm vaccine phù hợp. “Chúng ta làm tất cả nhưng gì có thể làm được để các cháu được tiêm vắc-xin”, Thủ tướng nhấn mạnh. Tiếp tục rà soát, bổ sung sớm cho những nơi thiếu vaccine cho giáo viên. Đồng thời với việc tiêm vắc-xin, cần bảo đảm các điều kiện vật chất và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch khác khi học sinh trở lại học bình thường, an toàn.
Các địa phương không có dịch (vùng xanh) chủ động phương án cho học sinh quay lại trường học nhưng có biện pháp kiểm tra, sàng lọc, đảm bảo môi trường và có biện pháp phòng chống dịch phù hợp, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được.
Đối với “vùng đỏ” và “vùng vàng”, giải pháp trước mắt là học sinh vẫn phải học trực tuyến. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn cụ thể, có chương trình dạy và học phù hợp. Lãnh đạo địa phương cần hết sức lưu tâm dành các nguồn lực để hỗ trợ các trường hợp học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, đảm bảo sự công bằng trong học tập không để ai bị bỏ lại phía sau, các cháu bị thất học.
“Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thầy cô rất chia sẻ khi ngày tựu trường, các cháu không được đến trường mà chỉ được gặp thầy cô và bạn bè qua máy tính. Các cháu học trực tuyến trong thời gian dài ảnh hưởng đến tâm sinh lý và kiến thức, vì vậy khi quay trở lại trường học bình thường, đề nghị các thầy cô giáo quan tâm đến các cháu để đảm bảo “mỗi ngày đến trường là một ngày vui ”, bù đắp lại những thiệt thòi trong những ngày chống dịch. Đối với các cháu đang phải học trực tuyến, việc này càng phải được quan tâm. Tôi đánh giá rất cao nhiều trường lớp, thầy cô đã có những chương trình vừa học vừa chơi để các cháu hứng thú học hành, chấp hành giãn cách, giảm căng thẳng”, Thủ tướng xúc động.
Đối với những học sinh, sinh viên ở gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch, cần triển khai chính sách miễn giảm học phí để đảm bảo không cháu nào bị thất học sau dịch hoặc vì nghèo mà không được đến trường. Nhiều giáo viên bị ảnh hưởng do trường đóng cửa, nhất là giáo viên thuộc hệ thống các trường tư thục, mầm non cũng cần được quan tâm hơn nữa. Chúng ta đã triển khai chính sách hỗ trợ chung qua Nghị quyết 86 của Chính phủ, các bộ, ngành như bộ Tài chính, bộ Lao động- Thương binh và Xã hội nghiên cứu có chính sách hỗ trợ thêm cho các giáo viên và học sinh trong các trường hợp đặc thù một cách phù hợp.
Xem xét, quyết định không thu học phí khi thiên tai, dịch bệnh
Vấn đề về học phí là một trong những việc được quan tâm tại Hội nghị, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, thành phố đang rà soát để có chính sách miễn, giảm học phí phù hợp với giáo dục mầm non và các trường công lập các cấp học THCS, THPT.
Ông Ngọc Anh cũng đề nghị Chính phủ sớm có nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí, chính sách miễn, giảm, hỗ trợ học phí đối với cơ sở giáo dục từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021, vì đến thời điểm này, Nghị định 86 đã hết hiệu lực nên các địa phương không có căn cứ để đề xuất với HĐND về các chính sách miễn, giảm học phí.
Theo thông tin PV Người Đưa Tin có được từ Hội nghị, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2021.
Nghị định nêu rõ: Khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng do cơ quan có thẩm quyền công bố; tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông thuộc vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng.
Nghị định này áp dụng đối với trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh (gọi chung là người học) đang học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Về nguyên tắc xác định giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Nghị định quy định: Giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được xác định theo các quy định của pháp luật về giá và quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được điều chỉnh theo lộ trình phù hợp tương xứng với chất lượng dịch vụ giáo dục, đào tạo nhưng tỷ lệ tăng mức giá dịch vụ không quá 15%/năm.
Nghị định quy định 2 đối tượng không phải đóng học phí gồm: Học sinh tiểu học trường công lập; Người theo học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục đại học.