Xét xử cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa: Bị cáo, luật sư khóc tại tòa

Xét xử cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa: Bị cáo, luật sư khóc tại tòa

Nguyễn Thị Hoà

Nguyễn Thị Hoà

Thứ 5, 07/04/2022 21:39

Ngày 7/4, phiên tòa xét xử vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai tại núi Chín Khúc bước vào phần tranh luận. Các luật sư, bị cáo đã tiến hành bào chữa.

Luật sư của cựu Chủ tịch tỉnh nói gì?

Bị cáo Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa có 2 luật sư bào chữa. Trước khi bào chữa, luật sư Phan Trung Hoài đã cảm ơn các cơ quan liên quan đã tạo điều kiện cho các luật sư được tham gia các buổi hỏi cung, làm việc, tiếp cận các lời khai liên quan đến vụ án này dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất căng thẳng và phức tạp.

“Trong những ngày vừa qua, về cá nhân tôi cảm nhận được HĐXX đã điều hành phiên tòa một cách dân chủ, đã cố gắng tạo điều kiện cho các bên tham gia trong các phần xét hỏi công khai, nhằm làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ án với một thái độ nhân văn, tôn trọng các bị cáo.

Chúng tôi cho rằng đây là một nét mới ở phiên tòa này. HĐXX đã tạo điều kiện, cơ hội không chỉ cho bị cáo Thắng mà còn có các luật sư được tham gia phần thẩm vấn công khai”, ông Hoài nói.

Ở phần bào chữa cho thân chủ của mình, luật sư Hoài cho rằng, mức án mà VKSND đề nghị đối với bị cáo Thắng là có cơ sở và bản thân bị cáo cũng không kêu oan. Tuy nhiên, luật sư đề nghị, việc VKSND khi kết luận hành vi của bị cáo cũng cần xem xét nguyên nhân, bối cảnh, điều kiện phạm tội trong thời điểm khi đó.

Theo luật sư Hoài, bị cáo Thắng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh giai đoạn 2010 - 2015, đây là thời điểm bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

Ở tỉnh Khánh Hòa, tập thể lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã dành nhiều tâm huyết để vượt qua khó khăn, thử thách đó vì nhiệm vụ thu ngân sách, thu hút đầu tư phục vụ cho việc phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh....

Do đó, động cơ của bị cáo Thắng là mong muốn thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự để phát triển du lịch.

Luật sư Hoài cho rằng, dự án này đã có từ năm 2009 xuất phát từ Tp.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và đến giai đoạn của bị cáo chỉ là tiếp nối để phát triển thêm.

Tại phiên tòa, luật sư Hoài cũng đã trình bày 5 vấn đề mà ông cho rằng tác động đến việc xác định sự thật khách quan và ảnh hưởng đến đường lối xử lý đối với bị cáo Thắng.

Trong đó, có nội dung dự án này khi triển khai đều có sự đồng thuận của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa cũng như Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý về chủ trương. Do vậy, yếu tố này cần phải được xem xét, vì đây không phải là ý chí cá nhân của bị cáo Thắng mà có sự thống nhất của cả tập thể.

Còn luật sư Phan Trung Hiếu cho rằng, trong suốt quá trình từ khi xảy ra vụ án, bị cáo Thắng đã trung thực, hợp tác với cơ quan điều tra, thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của mình và thành khẩn khai báo.

Bên cạnh đó, bị cáo có nhân thân tốt, gia đình có công cách mạng. Riêng bản thân bị cáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa; tuổi đã cao, sức yếu, có nhiều bệnh. Vì vậy, luật sư Hiếu đề nghị HĐXX xem xét xử lý khoan hồng với thân chủ của mình.

Dòng chảy pháp luật - Xét xử cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa: Bị cáo, luật sư khóc tại tòa

Bị cáo Nguyễn Chiến Thắng tại tòa.

Trong phần tự bào chữa cho mình, bị cáo Nguyễn Chiến Thắng nói rằng đánh giá rất cao tính nhân văn của bản cáo trạng.

Bị cáo Thắng nói thêm về bối cảnh ra đời dự án khi đó núi Chín Khúc bị giặc đánh phá ác liệt, cây cối hủy hoại, nhiều chiến sĩ cách mạng hy sinh. Nói đến đây, bị cáo Thắng bỗng nhiên sụt sùi, rơi nước mắt. HĐXX phải dừng phiên tòa đề nghị bị cáo bình tĩnh.

Vì vậy, khi có doanh nghiệp ngỏ ý trồng rừng nên bị cáo rất muốn thực hiện. Theo bị cáo, khu vực này là chiến trường nhiều người chết nên thực hiện khu vực tâm linh để tưởng nhớ và góp phần thu hút khách du lịch để phát triển kinh tế.

Dự án này không làm chui mà Ban cán sự Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều biết vì đã được báo cáo. Nói đến đây, bị cáo lại sụt sùi khóc, quệt nước mắt.

Còn việc miễn thu tiền sử dụng đất đối với dự án, bị cáo Thắng cho rằng đất không thể sử dụng được, doanh nghiệp trồng rừng mà thu tiền thì vô lý quá. Do Cục Thuế cho biết chưa có hướng dẫn thu tiền sử dụng đất nên bị cáo kết luận là chưa thu chứ không nói là miễn.

Trước tòa, bị cáo Thắng nhận trách nhiệm là người đứng đầu. “Tôi không có đổ thừa gì cả. Chủ tịch là người có ý tưởng, chủ trương thôi, còn các sở ngành phải theo nhiệm vụ, chức năng của mình cố gắng thực hiện ý tưởng đó bằng quy định pháp luật. Nếu có vấn đề gì trái quy định pháp luật thì phải báo cáo lại Chủ tịch để họp xin ý kiến Ban thường vụ hoặc các cấp cao hơn…”, bị cáo Thắng nói.

Bị cáo Thắng mong muốn, trong bản luận tội của VKSND cần đánh giá thêm những điều bất cập vì sai sót của mình có phần là do sự bất cập, chồng chéo, chưa phù hợp thực tế của pháp luật trong giai đoạn đó.

Cựu Phó Chủ tịch đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ vì bị bệnh hiểm nghèo 

Bị cáo Đào Công Thiên, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa có 3 luật sư bào chữa. Các luật sư cho rằng, bị cáo chỉ thiếu sót chứ không như cáo buộc của VKSND với 3 hành vi phạm tội theo cáo trạng.

Luật sư cho rằng, bị cáo Thiên không tham gia từ đầu việc thẩm định, quy hoạch, giao đất. Bị cáo chỉ ký giấy cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.

Việc không thu tiền sử dụng đất, bị cáo không thể can thiệp. Cục thuế đã có báo cáo “không thu tiền” nhưng qua sở TN&MT ghi là “miễn”. Vấn đề thiếu sót, khác nhau về chữ còn nội dung thì như nhau.

Các luật sư cũng đề nghị áp dụng những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Thiên như đã tự nguyện khắc phục hậu quả; thành thật khai báo, ăn năn hối cải; có nhiều thành tích trong công tác; chưa có tiền án, tiền sự; mắc nhiều chứng bệnh…

Khi tự bào chữa, bị cáo Thiên nói khi ký quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dự án mình mới được giao mảng tài nguyên môi trường rất phức tạp.

“Dự án này là dự án trồng rừng kết hợp sinh thái, tâm linh. Dự án trồng rừng thì trình tự thủ tục nó khác hoàn toàn rất xa với dự án khác. Nó cứ lẫn lộn và các thủ tục cứ chồng chéo với nhau, rất khó trong quá trình xử lý. Tôi thấy rất đau xót!”- bị cáo Thiên nói.

Bị cáo Thiên đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho mình vì bị bệnh hiểm nghèo và đang chữa bệnh ung thư…

Dòng chảy pháp luật - Xét xử cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa: Bị cáo, luật sư khóc tại tòa (Hình 2).

Bị cáo Đào Công Thiên tại tòa.

Cũng trong ngày 7/4, các luật sư của các bị cáo Lê Mộng Điệp, Võ Tấn Thái, đều là cựu Giám đốc Sở TN&MT và Trần Văn Hùng; cựu Chi cục trưởng Chi cục quản lý đất đai thuộc Sở TN&MT cũng đã tiến hành bào chữa cho thân chủ của mình.

Trong đó, bị cáo Thái không có mặt ở tòa và có đơn xin xét xử vắng mặt vì bị bệnh. Trong quá trình bào chữa cho thân chủ tại tòa, luật sư Lê Văn Tuấn cũng đã rất xúc động và khóc khi nhắc đến tình trạng sức khỏe của bị cáo Thái.

Dòng chảy pháp luật - Xét xử cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa: Bị cáo, luật sư khóc tại tòa (Hình 3).

Luật sư thực hiện bào chữa cho thân chủ tại tòa.

Tại phiên tòa, nhiều luật sư cũng đồng tình với luật sư Phan Trung Hoài về mong muốn HĐXX xem xét nguyên nhân, bối cảnh, điều kiện phạm tội trong thời điểm khi đó của các bị cáo.

Ngày mai (7/4), phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.

Châu Tường

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.