Cảnh đời cơ cực người lính già bên đèo Cả

Cảnh đời cơ cực người lính già bên đèo Cả

Thứ 5, 28/02/2013 | 15:43
0
Lang thang trên đường Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) vào một buổi tối trời mưa, chúng tôi dừng lại bên lề đường khi bắt gặp hình ảnh một ông già có đôi chân một mất, một còn. Đó chính là ông Lê Thi, một người lính trên chiến trường năm xưa (ông sinh năm 1952, ngụ tại thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên).

Sóng gió tiếp sóng gió

Thoáng nhìn, những tưởng ông Lê Thi chỉ khoảng chừng 70 tuổi ấy vậy mà ông cho biết mình chỉ mới bước sang tuổi 61. Gió bụi của cuộc đời đã khiến khuôn mặt người đàn ông ấy trở nên hốc hác và già cỗi đi nhiều so với tuổi đời mình. Ngồi trên chiếc xe lăn cũ kĩ, ọp ẹp, ông ngậm ngùi kể cho chúng tôi nghe về bi kịch của cuộc đời mình kể từ khi tham gia chiến trường Quảng Trị năm 1971. Cuộc chiến đẫm máu tại chiến trường đã vĩnh viễn cướp đi chân trái của ông. Vì thương tật, năm 1972 ông Thi trở về bên gia đình, cùng với người vợ của mình là bà Huỳnh Thị Nhân cùng bảy người con thơ và đối mặt với cái nghèo khó.

Bản thân vốn đã không lành lặn, lại thêm gánh nặng phải lo cho vợ con khiến ông Thi phải chạy ngược xuôi làm đủ thứ nghề như đốt than, hái củi để kiếm sống. Cuộc chạy đua, lăn lộn với từng bữa ăn, ông Thi cũng dần quên mất mình là một người tàn phế, dù cho những ngày trái gió trở trời, nỗi đau của vết thương ấy vẫn hành hạ ông nhưng ông không quên nhiệm vụ lo cho cuộc sống của gia đình. Cứ thế, cuộc sống của cả gia đình ông trôi qua trong lặng lẽ nhưng đầy bão giông với bao nỗi vất vả, lo toan. Nhưng Nỗi đau thể xác vì mất đi một chân trên chiến trường năm xưa có lẽ không làm tôi đau đớn, xót xa bằng nỗi đau về những bất hạnh của gia đình. "Những khắc nghiệt của cuộc sống khiến cho tôi có những lúc tưởng chừng như phải quỵ ngã, đầu hàng trước số phận của mình", ông tâm sự.

Những bất hạnh cứ dồn dập ập đến, cướp đi hạnh phúc nhỏ bé của gia đình ông. Ông nghẹn ngào khi nói với chúng tôi về nỗi khổ tâm của mình vì đã không làm tròn trách nhiệm của một người cha. Bởi sinh các con ra mà không thể cho đứa nào được một ngày cắp sách tới trường. Người vợ mang trong mình đủ thứ bệnh kinh niên không có tiền chữa trị. Đứa con trai thứ năm của ông vì thương cha mẹ và các em nên cũng sớm đi làm đá thuê ở đèo Cả để phụ giúp gia đình. Và đau đớn hơn, nỗi bất hạnh mất đi một chân của ông Thi đã lặp lại với đứa con trai thứ năm của ông vì bị đá sập, đè nát một chân. Ông cho biết: "Tôi cảm thấy cuộc đời mình gần như đã đi đến đáy của sự đau khổ khi nhìn những người thân của mình đau đớn vì bệnh tật, tai nạn không đợi mà tới".

Xã hội - Cảnh đời cơ cực người lính già bên đèo Cả

Ông Lê Thi kể về những bất hạnh của mình và gia đình

Những bi kịch gia đình cứ nối tiếp dồn nén người lính già như những phát súng không ngừng nghỉ. Vợ ốm, con đau nên gia đình phải bán đi căn nhà duy nhất mà chính quyền địa phương xây cho để lấy tiền chữa chạy, thuốc thang. Cả gia đình ông Thi phải cơ cực, vật vờ dựng một căn nhà sát vách núi đèo Cả để có nơi ra vào mà chẳng cần để ý tới nguy cơ sụt lở núi đá. Thế nhưng, nỗi đau đối với gia đình ông không chịu dừng lại ở đó. "Đó là khi đứa cháu nội của tôi chào đời lại phải gánh chịu những di chứng của chiến tranh do chính tôi mang lại. Chất độc da cam đã khiến thân hình cháu biến dạng và gù bẩm sinh. Dù đã 15 tuổi nhưng cháu chỉ cao 80cm. Nhìn cháu lớn lên từng ngày trong bệnh tật mà bản thân tôi và cả gia đình không khỏi đau đớn, tủi phận. Nhiều lúc, tôi trách cuộc đời sao lại đưa đến cho mình quá nhiều bất hạnh, cơ cực đến như thế. Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, tôi chỉ mong cả gia đình có một cuộc sống bình yên, hạnh phúc trong cái nghèo nhưng cũng không thể nào có được".

Trong giây lát, giọng ông Thi như lạc hẳn đi giữa cái ồn ào của đường phố Sài Gòn và tiếng mưa buồn bã. Chúng tôi nhìn thấy nỗi đau như đang dày vò, đau đớn trong tận sâu thẳm tâm hồn ông. Tất cả đều thể hiện trên khuôn mặt, và những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má sạm đi vì sương gió. Ông nói với chúng tôi trong buồn tủi: "Không ai có thể thấu hiểu được nỗi lòng của mình bằng chính bản thân mình. Tôi hiểu những nỗi đau mà tôi phải gánh chịu. Nhiều lúc nghĩ buồn lắm, bao nỗi lo toan về hoàn cảnh cuộc sống khiến tôi như muốn chạy trốn, buông xuôi tất cả vì đuối sức, vì nghĩ đến bát cơm chan đầy nước mắt. Thế nhưng biết làm sao được, thôi thì trời kêu ai nấy dạ".

Niềm mong mỏi cuối đời

Vì sức khỏe ngày càng yếu đi nên ông Thi phải để người vợ bệnh tật ở nhà cùng các con vào Sài Gòn đi bán vé số. Nhưng oan trái của cuộc đời không dừng lại với bản thân ông và cả gia đình. Năm người trong gia đình đi bán vé số vẫn không đủ tiền để trả những món nợ do bệnh tật của vợ con. Vì thế, không kể những ngày mưa nắng, ông Thi vẫn lăn dài những vòng xe đến từng lề đường, góc phố để mong kiếm được chút tiền mỗi ngày. Thậm chí, có những hôm ông phải nhịn đói vì toàn bộ vé số bị lừa cướp mất. Ông nói: "Sài Gòn phồn hoa nhiều người tốt nhưng cũng không ít những kẻ xấu xa. Những kẻ xấu ấy không ngần ngại giật lấy bát cơm từ trên tay những người nghèo, bất hạnh như tôi. Họ lành lặn, có sức khoẻ mà sao chỉ chực hưởng công sức lao động của người khác. Những lúc như thế, tôi chỉ biết ngồi nhìn ứa nước mắt vì không thể nào dùng đôi chân để đuổi bắt bọn chúng".

Dường như tất cả những nỗi đau, sự bất hạnh trong cuộc sống hàng ngày cứ bám lấy với bản thân và gia đình ông Thi dù cho bản thân ông đã phải nỗ lực và quyết chiến đấu đến cùng với bệnh tật, khó khăn. Từng ngày, từng giờ, ông không chỉ chiến đấu với sự tàn phế của bản thân mà còn phải chiến đấu với những tử thần đang tìm đến, đe doạ và cướp đi hạnh phúc nhỏ bé của những người thân trong gia đình. Cuộc chiến hiện tại dường như còn kinh hoàng và khốc liệt hơn cuộc chiến tranh súng đạn năm xưa. Mỗi ngày trôi qua, ông luôn phải đối diện với những món nợ của gia đình và cái chết đang đến dần với người vợ khốn khổ của mình.

Cuộc đời mỗi người, ai cũng đều mong mỏi đến khi tuổi già được an nhàn, hưởng thụ nhưng với ông Thi, điều đó thật quá xa vời. Mỗi sáng thức dậy, ông lại lo sợ hôm nay trời mưa, không bán được vé số thì không có tiền mua thuốc cho vợ. Ông Thi chia sẻ: "Tôi vẫn phải cố gắng đi bán để có tiền trang trải nợ nần, thuốc thang. Tôi chỉ mong trước khi nhắm mắt xuôi tay thì có thể trả được hết nợ nần và có tiền chữa khỏi bệnh cho vợ để được yên lòng về với tổ tiên. Nhiều đêm, tôi giật mình, hoảng sợ, đầy nước mắt khi những giấc mơ về những món nợ và về gia đình cứ ám ảnh, đeo bám lấy mình. Nói đến đây, ánh mắt ông nhìn chúng tôi như đang cầu khẩn, hy vọng một sự may mắn, giúp đỡ cho số phận bất hạnh và xoá mờ đi những nỗi đau tự trong trái tim ông.

Tìm đến nơi ông trú ngụ hàng ngày, chúng tôi không khỏi xúc động khi thấy ông Thi cầm hai mảnh vải cũ ướt nhẹp quấn vào đầu phần còn lại của chân trái, rồi bỏ tất cả vào một cái ống được làm từ những mảnh tôn vụn, bên ngoài là những sợi dây thép gỉ. Dù vất vả và chịu nhiều gian truân, ông vẫn nhìn chúng tôi với cái nhìn tươi rói để xoá tan không khí ảm đạm - nơi sinh sống của những mảnh đời chẳng mấy may mắn. Trước mắt chúng tôi là một căn phòng bé nhỏ nhưng chất đầy cảnh đời như ông. Sau một ngày mệt nhọc kiếm tiền, họ chỉ biết nằm dài trong giấc ngủ mà chẳng cần biết ngày mai sẽ ra sao. Những mảnh đời bất hạnh nhỏ bé ấy vẫn đang trầm lặng trôi qua giữa sự ồn ào, tấp nập của một khu phố xa hoa ngay trung tâm thành phố.                  

Kết thúc cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Thi cho biết: "Vì hy vọng đâu đó vẫn có một sự may mắn dành cho mình, thế nhưng sau nhiều lần chờ đợi sự giúp đỡ từ các tấm lòng hảo tâm, tôi vẫn phải đối diện với sự vất vả của cuộc sống. Với đôi chân tật nguyền của mình thì dù tôi có cố gắng bao nhiêu đi nữa cũng không thấm vào đâu trước những khó khăn ngày càng chồng chất".    

Thơ Trịnh

Xót xa cháu bé nghèo bị u phúc mạc sườn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
Do khối u phát triển, từ một người khỏe mạnh lanh lợi, chân cậu bị teo tóp lại, phải dùng thiết bị hỗ trợ để tiểu tiện.

Xót xa lễ cầu siêu cho thai nhi bị chối bỏ

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
Lễ cầu siêu dành cho những sinh linh thai nhi bị chối bỏ sẽ được chùa Quán Sứ (Hà Nội) tổ chức với quy mô lớn. Có mặt tại ngôi chùa này vào những ngày nhận đăng ký cho lễ cầu siêu, chúng tôi được nghe những câu chuyện vừa đau lòng vừa khó tin.

Chuyện đời xót xa của hai người phụ nữ bất hạnh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
Nếu không tận mắt chứng kiến, tôi khó có thể tin được, hơn 30 năm qua hai chị đã phải sống và gắn bó với nơi này. Nơi mà hai chị gọi là nhà ấy chỉ có thể để được một chiếc xe đạp, hễ có khách, chị phải ra ngoài đứng.

Xót xa bức thư kêu cứu của bé gái Việt ở Úc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
Cô bé 10 tuổi đã viết bức thư trong những ngày tháng đau khổ tại một trại tị nạn ở xứ người đã gây xúc động cho nhiều độc giả.

Xót xa chuyện giáo viên kiêm “nhân viên tiếp thị”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Trước đây, mấy đứa trẻ trong làng tôi rất thích đi mua sách, mua bút ở một cửa hàng tạp hóa trước cổng trường, mặc dù ở quanh đó còn rất nhiều cửa hàng khác mà giá cả thì như nhau.