Xuất khẩu đối diện với nhiều thách thức trong những tháng cuối năm

Xuất khẩu đối diện với nhiều thách thức trong những tháng cuối năm

Nguyễn Hương Anh

Nguyễn Hương Anh

Thứ 5, 13/10/2022 06:00

Kể từ đầu tháng 9/2022, đã có nhiều dự báo không mấy lạc quan về đơn hàng xuất khẩu những tháng cuối năm do các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… sẽ sụt giảm.

Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 66,14 tỷ USD, tăng 18,4%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 184,66 tỷ USD, tăng 17%, chiếm 73,6%. Tám tháng qua, có 30 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, có 6 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD. Một số nhóm hàng đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu như: Nông lâm thuỷ sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, nhiên liệu khoáng sản,…

Theo Công thương, trong điều kiện còn nhiều khó khăn sau đại dịch, được sự chỉ đạo và giúp đỡ sát sao của Chính phủ và các bộ ngành, các địa phương cùng sự nỗ lực cố gắng của các doanh nghiệp xuất khẩu, chúng ta đã đạt được những kết quả xuất khẩu đáng khích lệ. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 9/2022, có nhiều dự báo không mấy lạc quan về đơn hàng xuất khẩu những tháng cuối năm do các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… sẽ sụt giảm.

Đến nay, nỗi lo này không còn là dự báo. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước đạt 29,94 tỷ USD, giảm 14,3% so với tháng trước.

Những tháng đầu năm, các doanh nghiệp đồ gỗ hoạt động tương đối ổn định nhưng kể từ đầu tháng 7 các đơn hàng xuất khẩu dần giảm sút cho đến nay.

Về nguyên nhân nhân, theo ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.Hồ Chí Minh (HAWA), sự suy giảm này chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất, chi phí vận chuyển tăng mạnh; trong khi các các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh…

“Do lạm phát tăng cao, người tiêu dùng ở các nước Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) - hai thị trường lớn của Việt Nam - đang tập trung nhu cầu chi tiêu cho lương thực, thực phẩm và những đồ dùng thiết yếu, do đó đồ gỗ không được coi là đồ dùng thiết yếu nên bị nhiều người cắt giảm chi tiêu mua vào thời điểm này. Bên cạnh đó, giá cước vận tải ở mức cao, cùng với giá mua gỗ nguyên liệu tăng cao, khiến giá thành sản xuất tăng, càng gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nước ta”, ông Phương lý giải. 

Kinh tế vĩ mô - Xuất khẩu đối diện với nhiều thách thức trong những tháng cuối năm

Kể từ đầu tháng 9/2022 đã có nhiều dự báo không mấy lạc quan về đơn hàng xuất khẩu những tháng cuối năm.

Tương tự, doanh nghiệp da giày cũng sớm rời niềm vui tăng trưởng những tháng đầu năm khi thị trường quý 3, quý 4/2022 đột ngột xấu đi; cùng với đó là giá cả đầu vào tăng cao, lợi nhuận thu hẹp.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ Tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, hiện các doanh nghiệp thành viên đang đối diện rất nhiều khó khăn, tỉ lệ tồn kho lên tới khoảng 40%, các đơn hàng mới từ tháng 8/2022 đến quý 1/2023 cũng ít đi.

“EU và Mỹ là những thị trường xuất khẩu chủ lực của da giày Việt Nam đang có xu hướng giảm sút về nhu cầu tiêu dùng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng sức mua trong những tháng cuối năm”, bà Phan Thị Thanh Xuân quan ngại.

Dấu hiệu xuất khẩu giảm tốc cũng đã dần lộ rõ ở ngành dệt may. Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, sau 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu ngành vẫn đạt con số ấn tượng với khoảng 35 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái; tuy vậy, nếu trong 9 tháng đầu năm bình quân mỗi tháng xuất khẩu được 3,8 đến 3,9 tỷ USD thì dự kiến 3 tháng cuối năm chỉ xuất được 3,1 - 3,2 tỷ USD.

“Từ nay đến cuối năm, ngành dệt may đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt đơn hàng có chiều hướng sụt giảm và đơn giá sụt giảm. Nguyên nhân là do một thị trường lớn của dệt may như Mỹ, châu Âu tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, không được như kỳ vọng, dự đoán mức tăng chỉ bằng 50% so với năm 2021.

Chính vì vậy, hiện nay, tỉ lệ tồn kho ở các khu vực tương đối cao, cho nên nhu cầu về đơn hàng từ nay đến cuối năm và đầu năm 2023 có khả năng giảm. Đây là khó khăn lớn cho ngành dệt may từ nay đến cuối năm”, ông Trương Văn Cẩm thông tin.

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm 2022 lại đột ngột giảm nhanh.

Cụ thể, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 9/2022 (từ ngày 1/9 đến ngày 15/9) đạt 26,34 tỷ USD, giảm 25,7% (tương ứng giảm 9,09 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 8/2022. Một số nhóm hàng có trị giá xuất khẩu giảm, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,17 tỷ USD (tương ứng giảm 38,2%); điện thoại các loại và linh kiện giảm 1,07 tỷ USD (tương ứng giảm 31,5%); hàng dệt may giảm 980 triệu USD (tương ứng giảm 44,8%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 751 triệu USD (tương ứng giảm 29,7%)...

Đứng trước tình hình trên, Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có những chỉ đạo để đối phó với tình hình khó khăn nhằm phấn đấu tiệm cận con số 800 tỷ USD tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm nay, trong đó kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt khoảng 368 tỷ USD, tăng 9,46% so với năm 2021, vượt mục tiêu Chính phủ giao khoảng 8%, duy trì được tỉ lệ xuất siêu của Quốc hội và Chính phủ đặt ra là 7-8%.

Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu xuất khẩu cả năm cần phải có những giải pháp sau đây: Thứ nhất, doanh nghiệp cần cập nhật tình hình bạn hàng, nước nhập khẩu, nhu cầu tiêu dùng của các nước có quan hệ với Việt Nam. 

Thứ hai, chúng ta thống nhất một quan điểm không chỉ dựa vào các thị trường truyền thống và có kim ngạch nhập khẩu hàng hoá lớn từ Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, doanh nghiệp có thể chuyển hướng sang thị trường Nga và một số nước khác để bù đắp kim ngạch xuất khẩu truyền thống bị giảm sút. 

Thứ ba, cần đa dạng hóa mặt hàng, linh hoạt trong phương thức thanh toán, chủ động về nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất xuất khẩu, đa dạng hoá các phương tiện vận chuyển để giảm chi phí xuất khẩu đi các nước.

Nếu làm được những vấn đề trên, chắc chắn Việt Nam sẽ vượt qua được những khó khăn hiện tại, hoàn thành được chỉ tiêu xuất khẩu đề ra trong cả năm 2022.

Vẫn tiếp tục kỳ vọng 

Trước những dự báo không mấy lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia là các thị trường lớn của Việt Nam, doanh nghiệp đang thận trọng nghe ngóng, phân tích nhu cầu thị trường để điều kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tránh tổn thất do biến động không mong muốn mang lại.

Về tổng thể, Bộ Công thương đánh giá, nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao theo chu kỳ xuất nhập khẩu hàng hóa và hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP ngày càng được thực thi toàn diện và hiệu quả hơn.

Tuy vậy, những bất ổn liên quan đến căng thẳng địa chính trị khu vực và toàn cầu, giá đầu vào nhập khẩu cao hơn và triển vọng tăng trưởng không chắc chắn ở các đối tác thương mại chính của Việt Nam cũng có thể hạn chế khả năng duy trì thặng dư cán cân thương mại do Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn. 

Trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế - Quốc hội khóa XV, Bộ Công thương dự báo, xuất khẩu cả năm 2022 ước đạt khoảng 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,46% so với năm 2021, vượt mục tiêu Chính phủ giao (khoảng 8%) và vượt mục tiêu Kế hoạch đề ra của Bộ Công thương tại Quyết định số 60/BCT - KH ngày 18/01/2022 (8,1%), nhập khẩu đạt khoảng 367 tỷ USD. Về cán cân thương mại, dự kiến năm 2022 xuất siêu khoảng 1 tỷ USD.

Hương Anh (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.