Xuất khẩu gỗ và lâm sản hướng đến mục tiêu 20 tỷ USD vào năm 2025

Xuất khẩu gỗ và lâm sản hướng đến mục tiêu 20 tỷ USD vào năm 2025

Nguyễn Hương Anh

Nguyễn Hương Anh

Thứ 4, 13/07/2022 06:48

Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025.

Theo báo Công thương, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025.

Chương trình đặt mục tiêu bảo vệ và phát triển bền vững đối với toàn bộ diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021-2025; góp phần duy trì ổn định tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc khoảng 42%; tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng rừng, đáp ứng yêu cầu về cung cấp nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, phòng hộ và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5,0-5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025, trong đó giá trị xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng tỷ trọng chế biến sâu và xuất khẩu các sản phẩm gỗ và lâm sản có giá trị gia tăng cao; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người tham gia các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Đến năm 2025, thu nhập từ rừng trồng là rừng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.

Để đạt được những mục tiêu trên, Chương trình đã đề ra các nhiệm vụ chủ yếu như: Bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; phát triển rừng và nâng cao năng suất, chất lượng rừng; quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đối với rừng sản xuất là rừng trồng.

Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình dự kiến 78.585 tỷ đồng.

Thúc đẩy thương mại lâm sản bền vững 

Phát triển thương mại bền vững là xu hướng tất yếu của ngành lâm sản. Tuy nhiên, thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp là cách thức tích hợp phát triển thương mại bền vững vào các chiến lược ngắn, trung và dài hạn. Bên cạnh đó, việc đầu tư cũng đang gây những trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn có tầm nhìn ngắn hạn, quỹ đầu tư yếu. Chuyển đổi số, thay đổi tập quán giao thương truyền thống để phù hợp với thương mại toàn cầu dựa trên nền tảng công nghệ trực tuyến đòi hỏi năng lực trình độ chuyên môn, vốn, nền tảng hạ tầng kỹ thuật.

Kinh tế vĩ mô - Xuất khẩu gỗ và lâm sản hướng đến mục tiêu 20 tỷ USD vào năm 2025

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần GOVINA (Bắc Kạn). Ảnh: Nhân Dân. 

Trong khi các khoản đầu tư cho chuyển đổi mô hình phát triển thương mại bền vững thường lớn và không phải lúc nào cũng hiển thị kết quả ngay lập tức. Khó khăn ấy càng lớn trong giai đoạn các doanh nghiệp vừa trải qua một thời kỳ khủng hoảng do dịch Covid-19 và bây giờ phải đối mặt với bất ổn chính trị quốc tế, giá xăng dầu, phí vận chuyển tăng cao.

Trao đổi với Nhân Dân, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Đỗ Xuân Lập cho biết, từ lâu nay, ngành gỗ Việt Nam đã quen với việc sử dụng gỗ nguyên liệu được khai thác từ rừng trồng để đưa vào sản xuất, chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, khi đến với các thị trường lớn, các sản phẩm lâm sản của Việt Nam phải đối diện với những rào cản kỹ thuật khắt khe, sự cạnh tranh khốc liệt thông qua các quy định thương mại quốc tế.

Các doanh nghiệp chế biến lâm sản cần nhận thức được rõ quy định cũng như thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường trên và đã chấp hành nghiêm túc quy định, yêu cầu này. Ngành gỗ nói riêng và lâm sản nói chung hiện cũng đang phải sử dụng rất nhiều nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các thị trường có nền lâm nghiệp phát triển, rừng được trồng, quản lý và khai thác bền vững, nên đòi hỏi các doanh nghiệp nhập khẩu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định quốc tế mà Việt Nam đã cam kết. Trong đó, có các cam kết mà Chính phủ đã ký liên quan đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, Công ước về buôn bán quốc tế đối với các loài nguy cấp (CITES) và Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA/FLEGT). Việc thực thi các quy định phát triển lâm sản bền vững đang đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết và là yêu cầu sống còn.

Phó Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) Nguyễn Chánh Phương cho rằng, thay đổi phương thức tiếp cận thương mại hiện không chỉ riêng của ngành chế biến gỗ Việt Nam mà của cả thế giới. Trong mục tiêu chuyển đổi số ngành chế biến gỗ, các doanh nghiệp phải đồng hành cùng Chính phủ, đẩy mạnh số hóa, xóa bỏ vướng mắc trong quá trình chứng minh nguồn gốc hợp pháp gỗ rừng trồng, bước chuẩn bị hết sức cần thiết để có thể đưa gỗ, sản phẩm gỗ trong nước ra thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường EU.

Để phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế, phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030”. Theo đó chỉ đạo, trong thời gian tới, cần hình thành các khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp chế biến gỗ và doanh nghiệp sản xuất vật liệu phụ trợ.

Phát triển, mở rộng các khu, cụm công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản tại các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển. Thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, nguyên, nhiên, vật liệu, phát triển các nhóm sản phẩm gỗ có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng, nhu cầu sử dụng cao, ổn định trên thị trường. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin để bán hàng trực tuyến hoặc qua các sàn thương mại điện tử. 

Hương Anh (tổng hợp) 

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.