Xung đột Israel-Hamas leo thang, dầu Iran trở thành tâm điểm

Xung đột Israel-Hamas leo thang, dầu Iran trở thành tâm điểm

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 2, 09/10/2023 09:49

Iran, một nhà sản xuất dầu lớn, là nước ủng hộ chính cho Hamas – lực lượng đã phát động cuộc tấn công lớn chưa từng có vào Israel.

Khi thị trường mở cửa trở lại sau khi giao tranh bất ngờ bùng nổ ở Israel, một câu hỏi quan trọng được đặt ra: Liệu xung đột có lan sang phần còn lại của khu vực hay không?

Các nhà giao dịch dầu thô không kỳ vọng giá hàng hóa này sẽ tăng mạnh vì không có mối đe dọa ngay lập tức về nguồn cung. Nhưng mọi con mắt đều đổ dồn vào Iran, một nhà sản xuất dầu lớn và là nước ủng hộ chính cho Hamas lực lượng đã phát động cuộc tấn công bất ngờ vào Israel vào cuối tuần qua.

Một cuộc tấn công trả đũa nhằm vào Iran, nếu xảy ra, sẽ làm dấy lên lo ngại về eo biển Hormuz, tuyến hàng hải huyết mạch quan trọng mà trước đây Tehran đã đe dọa đóng cửa. Ngoài ra còn có khả năng Mỹ sẽ tiếp tục ngăn chặn dòng xuất khẩu dầu đang trỗi dậy của Iran.

“Kịch bản gián đoạn dầu mỏ sẽ xảy ra nếu xung đột lan sang Iran. Nhưng hiện tại, điều đó có vẻ khó xảy ra”, ông Bob McNally, Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng Rapidan và cựu quan chức Nhà Trắng, cho biết.

Tuy nhiên, mối đe dọa đang treo lơ lửng khi nguồn cung dầu thô toàn cầu cạn kiệt sau nhiều tháng Ả Rập Xê-út và Nga bắt tay nhau cắt giảm sâu sản lượng, nhanh chóng đẩy giá dầu Brent kỳ hạn lên gần 100 USD/thùng vào tháng trước.

“Nó khó có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu trong ngắn hạn”, nhà giao dịch quỹ phòng hộ Pierre Andurand, người sáng lập Andurand Capital Management LLP, cho biết. “Nhưng cuối cùng nó có thể có tác động đến nguồn cung và giá cả”.

Thế giới - Xung đột Israel-Hamas leo thang, dầu Iran trở thành tâm điểm

Tàu cao tốc của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) di chuyển xung quanh tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh ở Eo biển Hormuz bị IRGC bắt giữ, tháng 7/2019. Ảnh: The Telegraph

Cuộc tấn công dữ dội xảy ra gần đúng 50 năm sau lệnh cấm vận dầu mỏ Ả Rập, khi Ả Rập Xê-út và các nhà sản xuất OPEC khác cắt đứt dòng chảy sang phương Tây sau Chiến tranh Yom Kippur năm 1973.

Bộ trưởng Năng lượng của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), một thành viên chủ chốt của OPEC, đã nói rõ hôm 8/10 rằng cuộc xung đột Israel-Hamas sẽ không ảnh hưởng đến việc ra quyết định của tổ chức này.

“Chúng tôi không tham gia vào chính trị, chúng tôi quản lý theo cung và cầu, và chúng tôi không xem xét từng quốc gia đã làm gì”, Bộ trưởng Năng lượng Suhail Al Mazrouei nói với các phóng viên ở Riyadh.

Về phần mình, Iran nước cũng là thành viên OPEC đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc tấn công của người Palestine. Nếu Israel đáp trả bằng cách tấn công bất kỳ cơ sở hạ tầng nào của Iran, “giá dầu thô sẽ ngay lập tức tăng vọt do có nguy cơ bị gián đoạn”, ông McNally nói.

Dầu Iran ngày càng trở nên quan trọng đối với thị trường khi xuất khẩu tăng trở lại mức cao nhất trong 5 năm. Điều đó đi kèm với sự ủng hộ ngầm của Washington khi hai bên đã tiến hành các biện pháp ngoại giao thăm dò nhằm thiết lập lại các giới hạn đối với chương trình hạt nhân của Tehran.

Trong một kịch bản cực đoan hơn, Iran có thể đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích trực tiếp nào bằng cách phong tỏa eo biển Hormuz, một điểm nghẽn hàng hải ngay phía bắc Biển Ả Rập.

Các tàu chở dầu vận chuyển gần 17 triệu thùng dầu thô và khí ngưng tụ mỗi ngày qua tuyến hàng hải này, nơi hẹp nhất chỉ rộng 21 dặm (34 km). Trước đó, Tehran từng đe dọa đóng cửa eo biển khi các lệnh trừng phạt được áp dụng đối với nước này vào năm 2011, nhưng cuối cùng đã lùi bước.

Cuộc chiến “kéo dài và khó khăn”

Các lực lượng Israel hôm 8/10 vẫn đang chiến đấu với các chiến binh Hamas và tấn công các mục tiêu ở Dải Gaza, trong khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu cảnh báo về một cuộc chiến “kéo dài và khó khăn” phía trước, được kích hoạt bởi cuộc tấn công lớn chưa từng thấy của nhóm chiến binh Palestine vào Israel.

Quân đội Israel cho biết, hàng chục nghìn binh sĩ đã được triển khai để chống lại lực lượng phiến quân ở các vùng sa mạc phía Nam gần vùng đất ven biển, nhằm giải cứu con tin Israel và sau đó sơ tán toàn bộ khu vực trong vòng 24 giờ.

“Nhiệm vụ của chúng tôi trong 24 giờ tới là sơ tán tất cả cư dân” khỏi các cộng đồng xung quanh Dải Gaza, người phát ngôn Quân đội Israel Daniel Hagari nói với các nhà báo hôm 8/10.

Thế giới - Xung đột Israel-Hamas leo thang, dầu Iran trở thành tâm điểm (Hình 2).

Khói bốc lên từ đống đổ nát của một tòa nhà bị san bằng sau cuộc không kích của Israel ở thành phố Gaza, ngày 8/10/2023. Ảnh: Getty Images

Hôm 8/10, Israel cũng bị tấn công từ phía Bắc khi các lực lượng Hezbollah của Lebanon phóng tên lửa và đạn pháo nhằm thể hiện “sự đoàn kết” với cuộc tấn công chưa từng có của Hamas.

Israel đã bị bất ngờ khi các tay súng Hamas ở Gaza phát động một cuộc tấn công trên nhiều hướng vào rạng sáng ngày 7/10, sử dụng hàng nghìn quả rocket, với sự hỗ trợ của các lực lượng mặt đất, trên không và trên biển, tấn công và xâm nhập vào các thị trấn và cộng đồng dân cư của Israel.

Cuộc giao tranh tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 600 người Israel và làm bị thương hơn 2.000 người khác, truyền thông địa phương đưa tin hôm 8/10. Ngoài ra, khoảng 100 người Israel cũng bị bắt cóc tới Gaza kể từ hôm 7/10.

Hơn 300 người ở Gaza cũng đã thiệt mạng khi Israel đáp trả bằng một trong những ngày tấn công trả đũa tàn khốc nhất.

Xung đột bùng phát

Vào khoảng 6h30 sáng giờ địa phương (10h30 giờ Việt Nam) ngày 7/10, nhóm Hồi giáo Palestine Hamas đã bắn một loạt rocket khổng lồ khắp miền Nam Israel, với tiếng còi báo động vang xa đến tận Tel Aviv và Beersheba.

Hamas cho biết họ đã bắn 5.000 quả rocket trong đợt tấn công đầu tiên, trong khi Quân đội Israel cho biết 2.500 quả rocket đã được bắn. Khói cuồn cuộn bao trùm các khu dân cư của Israel và người dân phải trú ẩn sau các tòa nhà khi còi báo động vang lên trên đầu.

Cuộc tấn công đóng vai trò che đậy cho một cuộc xâm nhập đa hướng chưa từng có của các chiến binh Hamas. Quân đội Israel cho biết vào lúc 7h40 sáng giờ địa phương (11h40 giờ Việt Nam) rằng các tay súng Palestine đã tiến vào lãnh thổ Israel.

Hầu hết các tay súng đều vượt qua các lỗ hổng trong hàng rào an ninh trên bộ ngăn cách Dải Gaza và Israel. Nhưng ít nhất một người đã được thấy đang di chuyển bằng dù lượn trong khi một chiếc thuyền máy được nhìn thấy đang hướng tới Zikim, một thị trấn ven biển và căn cứ quân sự của Israel.

Israel đã phát động chiến dịch “Thanh gươm Sắt” để trả đũa cuộc tấn công của Hamas. Các cuộc không kích trong đêm vào Dải Gaza đã khiến hàng trăm người Palestine thiệt mạng và phá hủy các tòa nhà, đường hầm và nhà ở của các quan chức Hamas.

Thế giới - Xung đột Israel-Hamas leo thang, dầu Iran trở thành tâm điểm (Hình 3).

Hệ thống phòng không Iron Dome của Israel đánh chặn tên lửa phóng từ Dải Gaza, nhìn từ Ashkelon ở miền nam Israel, ngày 8/10/2023. Ảnh: ABC News

Một phát ngôn viên của Quân đội Israel cho biết, các hoạt động đang diễn ra ở 8 khu vực xung quanh Gaza hôm 8/10.

Các quan chức y tế Palestine cho biết, có 20 trẻ em trong số ít nhất 313 thường dân thiệt mạng. Họ cũng cho biết gần 2.000 người bị thương.

Ở miền Nam Israel, các tay súng Hamas vẫn đang chiến đấu với lực lượng an ninh Israel ở một số nơi, 24 giờ sau cuộc tấn công của họ vào đầu ngày 7/10 trong khi vô số rocket được bắn từ Dải Gaza, làm phát ra còi báo động không kích, cả 2 bên cho biết.

Các chiến đấu cơ tiếp tục tấn công Gaza vào buổi sáng ngày 8/10, và Quân đội Israel cũng đang tiến hành các hoạt động dọn dẹp xung quanh khu vực bị phong tỏa, bao gồm cả căn cứ quân sự ở khu vực Zikim đã bị xâm nhập ngày trước đó, người phát ngôn Quân đội Israel cho biết.

Ở phía Bắc, Hezbollah cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa và pháo binh vào 3 vị trí, trong đó có một "địa điểm radar" ở Trang trại Shebaa, một mảnh đất bị Israel kiểm soát từ năm 1967 mà Lebanon tuyên bố chủ quyền. Israel đáp trả bằng pháo binh vào miền Nam Lebanon. Không có báo cáo về thương vong.

Tại Gaza, khói đen, ánh sáng màu cam và tia lửa thắp sáng bầu trời sau các vụ nổ. Máy bay không người lái của Israel có thể được nghe thấy trên đầu. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Antony Blinken hôm 7/10 đã nói chuyện với Ngoại trưởng Sameh Shoukry của Ai Cập, nước trung gian quan trọng giữa Israel và Hamas, để tìm cách chấm dứt ngay lập tức cuộc tấn công của phiến quân.

Minh Đức (Theo Bloomberg, CGTN, Anadolu Agency)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.