3 cơ quan quản lý nhưng vẫn thiếu biên chế giáo viên

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Thứ 4, 02/11/2022 17:02

Thiếu giáo viên vẫn là thực trạng chưa được giải quyết của toàn ngành giáo dục, gây bất lợi không nhỏ cho việc triển khai Chương trình GDPT 2018.

Toàn ngành giáo dục đang thiếu hơn 100.000 giáo viên, điều này tạo ra khó khăn khi Chương trình GDPT 2018 đang diễn ra ở cả ba cấp học, trước thực trạng này Bộ Chính trị đã giao chỉ tiêu hơn 66.000 viên chức giáo viên trong giai đoạn 2022-2025.

Riêng năm học này phải gấp rút bổ sung 28.000 giáo viên. Tuy nhiên đến nay chưa có những báo cáo cụ thể tiến độ tuyển dụng ở các địa phương, chỗ trống vẫn còn đó, các trường học phải xoay sở tự tìm ra giải pháp.

Là một huyện miền núi thuộc tỉnh Hoà Bình, nên huyện Mai Châu nhiều năm nay cũng phải đối mặt với việc thiếu người dạy chữ cho các em.

Theo báo cáo của tỉnh, toàn huyện Mai Châu có 50 giáo viên thực hiện giảng dạy liên trường. Mặc dù đã sắp xếp giáo viên dạy ghép ở các trường gần nhau, nhưng thực tế do lượng giáo viên thiếu ở các bộ môn không đồng đều, nên vẫn có trường hợp thầy cô phải di chuyển xa hàng chục cây số, đi lại khó khăn.

Chưa kể đến việc dạy liên trường, liên cấp nhiều giáo viên phải dạy vượt quá số tiết quy định. Việc khớp nối, sắp xếp giữa hai trường với nhau đôi khi chưa thực sự hài hoà, khiến thay đổi của trường này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của trường kia.

Giáo dục - 3 cơ quan quản lý nhưng vẫn thiếu biên chế giáo viên

Thiếu giáo viên đang diễn ra ở nhiều cấp học (Ảnh: Hữu Thắng).

Hiện nay toàn huyện Mai Châu thiếu trên 61 giáo viên ở các cấp học, trong đó nhiều nhất là giáo viên tiểu học với 26 biên chế.

Trao đổi với Người Đưa Tin về thực trạng này, ông Vũ Đức Hạnh - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình cho biết: “Trong số hơn 60 giáo viên chủ yếu thiếu tập trung ở những môn học đặc thù như Tin học, Ngoại ngữ, Thể dục, các môn văn hoá cơ bản đã được sắp xếp đầy đủ”.

Đối với giải pháp lâu dài, Phòng GD&ĐT huyện Mai Châu đã phối hợp với UBND huyện đề xuất Sở Nội Vụ cho mở đợt tuyển dụng viên chức giáo viên mới trong năm 2022. Ông Hạnh thông tin và hiện đang trong quá trình làm thủ tục để mở đợt tuyển dụng này, dự kiến khoảng tháng 12 mới có giáo viên mới tại các trường thiếu.

“Trước mắt, chúng tôi phải bố trí dạy liên trường, liên cấp. Giáo viên dạy THCS có thể dạy cả Tiểu học với cùng một môn, ở các trường các xã thì bố trí dạy liên trường. Giáo viên Giáo dục công dân, Tin học là những bộ môn ít tiết, nên có thể dạy bán thời gian giữa các trường”, ông Hạnh chia sẻ.

Giáo dục - 3 cơ quan quản lý nhưng vẫn thiếu biên chế giáo viên  (Hình 2).

Các thầy cô phải dạy ở các điểm trường khác nhau vì thiếu giáo viên (Ảnh: Hữu Thắng).

Cũng là huyện phải đối mặt với tình trạng này, bà Bùi Thị Hồng Anh - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình thông tin, huyện đang thiếu giáo viên cục bộ ở một số nơi đối với môn Tiếng Anh, Tin học, vì vậy các thầy cô phải dạy tăng cường giữa các trường để đảm bảo cho học sinh được học tập.

"Đối với những trường vùng sâu, vùng xa, đi lại giữa các điểm trường vô cùng khó khăn, nhưng giáo viên phải tự bỏ tiền chi phí xăng xe. Điều này cũng là vấn đề rất trăn trở”, bà Hồng Anh nói.

Mặc dù vậy, nhưng theo bà Hồng Anh mức lương của những giáo viên này vẫn theo đúng quy định. “Theo quy định mỗi cô phải 19 tiết/tuần đối với giáo viên THCS, nhưng nếu ở số tiết ở trường biên chế không đủ thay vì được giao chủ nhiệm lợp hay các công việc khác thì ở đây sẽ sắp xếp tăng cường cho giáo viên dạy thêm ở trường khác”, đại diện phòng giáo dục huyện Đà Bắc giải thích.

Ở đây, bà Hồng Anh cũng băn khoăn rằng dù biết là thiếu nhưng chỉ có thể đề xuất, vì tuyển dụng giáo viên không thuộc quyền hạn của ngành giáo dục.

Theo quy định, biên chế của ngành giáo dục hiện nay do ba cơ quan có thẩm quyền quản lý, Bộ Nội vụ có vai trò giao và duyệt biên chế; UBND cấp tỉnh trực tiếp tuyển dụng và sử dụng, quản lý viên chức giáo viên; Bộ GD&ĐT quy định danh mục vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc. Điều này khiến cho ngành giáo dục chỉ đóng vai là người đề xuất chứ không trực tiếp nắm giữ nhân lực.

Một mâu thuẫn khác cũng đang diễn ra, trong khi thiếu và tổ chức tuyển dụng giáo viên nhưng ngành giáo dục vẫn phải tinh giảm biên chế 10% mỗi năm, gây khó khăn, tạo ra sự cào bằng giữa các địa phương.

Xem thêm: "Tuyển dụng gần 100 giáo viên tiếng Anh nhưng hồ sơ nộp chưa đến 10"

Vừa qua, HĐND tỉnh Hoà Bình đã ban hành Nghị quyết về việc quyết định bổ sung biên chế giáo viên năm học 2022 – 2023.

Theo đó, địa phương này sẽ bổ sung 251 chỉ tiêu biên chế giáo viên cho năm học 2022 - 2023 đối với cấp học mầm non và phổ thông công lập. Cụ thể: Mầm non 19 chỉ tiêu; Tiểu học 175 chỉ tiêu; THCS 41 chỉ tiêu; THPT 16 chỉ tiêu.

Trước đó, trao đổi với báo chí, bà Trịnh Thị Hoa - Trưởng phòng Nội vụ huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình đánh giá tuyển dụng giáo viên đang gặp nhiều khó khăn khi người thi tuyển cần có trình độ đại học. Tuy nhiên, sinh viên ra trường có trình độ trung cấp, cao đẳng tiểu học lại chiếm số lượng lớn, mà số lượng giáo viên nghỉ hưu, thôi việc, tinh giảm những năm gần đây lại gia tăng.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.