9 tháng đầu năm, Tổng Công ty Hàng hải báo lãi gần 2.400 tỷ đồng

9 tháng đầu năm, Tổng Công ty Hàng hải báo lãi gần 2.400 tỷ đồng

Lê Mạnh Quốc

Lê Mạnh Quốc

Thứ 3, 01/11/2022 09:52

Sau 3 quý, VIMC ghi nhận doanh thu thuần đạt 11.025 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 2.367 tỷ đồng chủ yếu đến từ hoạt động vận tải và hoạt động khai thác cảng biển.

Theo báo cáo tài chính vừa mới được công bố của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC, UPCoM: MVN), quý III/2022 doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận đạt gần 3.822 tỷ đồng, tăng nhẹ 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động vận tải với 1.595 tỷ đông (tăng 40% so với cùng kỳ, chiếm 42% doanh thu thuần) và hoạt động khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải (giảm 16% so với cùng kỳ, chiếm 47% doanh thu thuần).

Giá vốn bán hàng cũng có mức tăng tương đương với 2.704 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 1.117 tỷ đồng, cũng chỉ tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021. Do đó, biên lợi nhuận gần như đi ngang với mới 29%.

Trong kỳ, chi phí tài chính của VIMC là gần 115 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ do chi phí bán cổ phiếu và thanh lý các khoản đầu tư tài chính là 0 đồng. MVH cũng lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 28 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn tiêu tốn 41 tỷ đồng cho chi phí bán hàng, 324 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp. Đáng chú ý, MVN có khoản lãi 50 tỷ trong các công ty liên kết, tuy nhiên khoản lợi nhuận khác lại giảm 60 tỷ đồng cùng với tăng 32 tỷ đồng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp.

Khấu trừ các chi phí, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam ghi nhận gần 690 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2021 (727 tỷ đồng).

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, MVN ghi nhận doanh thu thuần đạt 11.025 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ; lãi sau thuế hơn 2.367 tỷ đồng, tăng 562 tỷ đồng so với mức cùng kỳ 1.805 tỷ đồng.

Năm 2022, MVN đề ra mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 12.500 tỷ đồng và 2.518 tỷ đồng. Như vậy sau 9 tháng kinh doanh, doanh nghiệp lần lượt thực hiện được 88% mục tiêu doanh thu và 94% mục tiêu lợi nhuận năm.

Về dòng tiền, doanh nghiệp ghi nhận dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ở mức dương 767 tỷ đồng, giảm gần gấp 2 lần so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do công ty giảm mạnh các khoản phải thu.

Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của MVN tăng nhẹ 2% so với đầu năm ở mức 26.780 tỷ đồng, chia đều cho tài sản ngắn hạn và dài hạn. Về nguồn vốn, cũng tính đến ngày 30/9, nợ phải trả của doanh nghiệp này tại thời điểm cuối tháng 9/2022 đã giảm khoảng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn hơn 12.982 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính giảm 40% còn 1.956 tỷ đồng.

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cũng vừa hoàn thiện dự thảo Đề án cơ cấu tổng công ty giai đoạn 2021-2025, gửi lấy ý kiến các bộ ngành, đơn vị liên quan. Theo đề án, doanh nghiệp này đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại công ty mẹ từ 99,4% vốn hiện nay xuống còn 65%.

Với khối doanh nghiệp thành viên Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đang khai thác các cảng biển, doanh nghiệp này đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu vốn của công ty mẹ tại các cảng này. Cụ thể, VIMC đề xuất giảm sở hữu vốn của công ty mẹ tại 5 cảng về mức 51% cổ phần, gồm: Cảng Cần Thơ (đang nắm 99% vốn), cảng Cam Ranh (đang nắm gần 81% vốn), cảng Quy Nhơn (hiện nắm 75% vốn), cảng Đà Nẵng (hiện nắm 75% vốn), cảng Cái Lân (Quảng Ninh, hiện nắm 56% vốn).

Riêng cảng Hải Phòng, VIMC đề xuất giảm tỷ lệ vốn sở hữu từ 92,5% hiện nay xuống còn 65% vốn; thoái toàn bộ vốn tại Công ty TNHH Vận tải hàng công nghệ cao (hiện nắm 56% vốn).

Riêng khối doanh nghiệp thành viên của VIMC trong lĩnh vực vận tải biển, dịch vụ hàng hải và logistics, VIMC đề xuất thoái hết vốn tổng công ty đang nắm tại đa số các công ty này, gồm: Công ty CP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (hiện VIMC nắm 49% vốn); Công ty CP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (hiện nắm hơn 47% vốn); Công ty CP Hàng hải Đông Đô (hiện nắm gần 49% vốn); Công ty CP Vận tải biển Hải Âu (hiện nắm hơn 26% vốn); Công ty CP Vinalines Nha Trang (hiện giữ gần 92% vốn); Công ty Liên danh khai thác container Việt Nam (hiện giữ 60% vốn); Công ty CP Hàng hải Sài Gòn (hiện giữ hơn 10% vốn).

Riêng Công ty CP Vận tải biển Vinaship (hiện VIMC nắm 51% cổ phần) và Công ty CP VIMC logistics Việt Nam (hiện nắm hơn 56% cổ phần), VIMC đề xuất thoái một phần, chỉ giữ lại 36% cổ phần.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.