Từng tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh nhưng anh Đặng Đình Hào luôn đau đáu giấc mơ làm giàu bằng nghề nông. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường nghĩ là làm, anh đã phát triển mô hình nuôi lợn sạch, công nghệ cao tại nhà khi đang học năm 2 đại học. Thời điểm đó, mô hình anh chỉ có 20 con lợn nái, cung cấp 550 con lợn/năm. Vào thời điểm đó tuy có thu nhập nhưng anh Hào luôn muốn phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn và luôn tìm kiếm cơ hội.
Giấc mơ làm giàu của anh được "viết" tiếp, sau khi tốt nghiệp đại học. Với quyết tâm làm là phải thành công, anh Hào rời quê nhà vào Tp.HCM với ý định tìm kiếm môi trường phát triển mới, rộng hơn. Thế nhưng, sau 1 năm học tập và trải nghiệm, anh quyết định trở về quê nhà tiếp tục phát triển mô hình nuôi lợn.
Gia đình và bạn bè ủng hộ anh hết mình nên anh đã mạnh dạn trồng nhiều loại cây khác nhau, như sầu riêng, cam, cà phê... Ban đầu khởi nghiệp do chưa có kinh nghiệm, những loại cây trong vườn cứ bị hỏng. Nhìn thấy vườn nhiều loại cây mà không có thu nhập cao, nông dân Đặng Đình Hào liền vác balo lên thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông) - thủ phủ của những mô hình phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao với hy vọng tiếp thu được những kinh nghiệm quý báu về áp dụng. Sau một thời gian chăm chỉ tìm tòi, học tập, đến năm 2020, anh Hào quyết định đầu tư bài bản trang trại nên đã vay mượn tiền của bạn bè, người thân để mua 3ha đất trồng. Bên cạnh đó cũng vay thêm ngân hàng 500 triệu đồng để đầu tư phát triển vườn cây ăn trái theo mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ sinh học.
Khoảng thời gian mới khởi nghiệp với nông nghiệp bản thân anh Hào đã không ít lần nhận không ít lời dị nghị của người xung quanh. "Có nhiều người cứ bàn tán, nói học đại học 4 năm giờ lại quay về làm nông, sao không thử kiếm công việc nào cho đỡ vất vả hơn… Nhưng mình lỡ đam mê với nông nghiệp và quyết tâm phát triển quê hương nên không quan tâm những gì người ta nói mà cứ kiên trì thôi", anh Hào cho biết.
Tiết lộ về quá trình khởi nghiệp của mình, anh Hào cho biết sau 5 năm khởi nghiệp, đến nay, trại lợn của anh đã được mở rộng lên với quy mô 1.200 con heo thịt/năm. Ngoài ra, trang trại có hàng ngàn cây ăn trái các loại xen canh cà phê cho nguồn thu nhập ổn định. Hiện, mỗi năm, trang trại của anh Hào cho doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng, giải quyết nhu cầu việc làm cho 36 lao động trên địa bàn.
"Dự kiến mình sẽ mở rộng quy mô chuồng trại lên khoảng 2.400 con heo thịt/năm. Bên cạnh đó, mình sẽ cải thiện về chất lượng con giống và cây ăn quả, phát triển theo hướng OCOP để tạo ra giá trị sản phẩm cao hơn", anh Hào chia sẻ với báo Tiền Phong.
Từ những thành công ban đầu, anh Hào tiếp tục tập trung cải thiện chất lượng của vườn cây ăn quả để nâng cao giá trị của sản phẩm. Với mô hình trồng cây ăn quả ấn tượng đem lại thu nhập ổn định của anh Hào cũng được Ban Thường vụ Huyện Đoàn chọn làm mô hình điểm để các đoàn viên, thanh niên trong khu vực đến học tập, áp dụng khởi nghiệp.
Gợi ý bà con quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học đạt năng suất cao
Thời gian gần đây chăn nuôi an toàn là việc áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc của vật nuôi với các mầm bệnh. Một số lưu ý về kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học như sau:
- Về chuồng trại
+ Cần tìm vị trí xây dựng trang trại phải phù hợp với quy hoạch của địa phương, hoặc được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép. Khoảng cách từ trang trại đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt tối thiểu 100m; cách nhà máy chế biến, giết mổ lợn, chợ buôn bán lợn tối thiểu 1 km. Nơi xây dựng trang trại phải có nguồn nước sạch; đảm bảo điều kiện xử lý chất thải theo quy định.
+ Trại chăn nuôi phải có tường hoặc hàng rào bao quanh nhằm kiểm soát được người và động vật ra vào trại và phải bố trí riêng biệt các khu: khu chăn nuôi; khu vệ sinh, sát trùng thiết bị chăn nuôi; khu cách ly lợn ốm... Phải có hố khử trùng ở cổng ra vào trại chăn nuôi, khu chuồng nuôi và tại lối ra vào mỗi dãy chuồng nuôi.
+ Lưu ý chuồng nuôi lợn phải bố trí hợp lý theo các kiểu chuồng về vị trí, hướng, kích thước, khoảng cách giữa các dãy chuồng. Nền chuồng phải đảm bảo không trơn trượt và phải có rãnh thoát nước, có độ dốc từ 3-5%.
+ Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải phải kín, đảm bảo dễ thoát nước và không trùng với đường thoát nước khác.
+ Các thiết bị, dụng cụ chứa thức ăn, nước uống phải đảm bảo không gây độc và dễ vệ sinh tẩy rửa. Các dụng cụ khác trong chuồng phải đảm bảo dễ vệ sinh, tẩy rửa sau mỗi lần sử dụng.
+ Các kho thức ăn, kho thuốc thú y, kho hoá chất và thuốc sát trùng, kho thiết bị, ... phải được thiết kế đảm bảo thông thoáng, không ẩm thấp và dễ vệ sinh, tiêu độc khử trùng.
- Lựa chọn lợn giống
+ Khi chọn giống lợn phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch và phải có bản công bố tiêu chuẩn chất lượng kèm theo. Trước khi nhập đàn, lợn phải được nuôi cách ly theo quy định hiện hành.
- Thức ăn cho lợn
+ Thức ăn sử dụng cho chăn nuôi lợn phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn và khẩu phần ăn của các loại lợn.
+ Không sử dụng thức ăn thừa của đàn lợn đã xuất chuồng, thức ăn của đàn lợn đã bị dịch cho đàn lợn mới. Bao bì, dụng cụ đựng thức ăn của đàn lợn bị dịch bệnh phải được tiêu độc, khử trùng.
+ Nước dùng cho lợn uống phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Thành phần vô cơ (Asen, xianua, chì và thủy ngân), vi sinh vật (vi khuẩn hiếu khí và coliform tổng số) dưới mức cho phép.
+ Nên bố trí máng ăn đủ cho số lợn trong đàn để hạn chế mức ăn không đồng đều và nên cho ăn nhiều lần trong ngày để tăng hiệu quả sử dụng thức ăn. Tập cho heo có phản xạ ăn theo giờ để tăng khả năng tiêu hóa. Trong khi cho ăn nên theo dõi tình trạng sức khỏe và khả năng ăn vào của từng con trong chuồng. Ngoài ra, cần chú ý đến chất lượng thức ăn phải đủ dưỡng chất và không bị nhiễm độc tố nấm mốc.
- Nước uống: nước uống cho lợn cần phải sạch và đầy đủ, cần bố trí vòi uống tự động để heo tự do uống.
Để lợn nhanh lớn cần định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, các chuồng nuôi ít nhất 2 tuần/1 lần; phun thuốc sát trùng lối đi trong khu chăn nuôi và các dãy chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần khi không có dịch bệnh, và ít nhất 1 lần/ngày khi có dịch bệnh; phun thuốc sát trùng trên lợn 1 lần/tuần khi có dịch bệnh bằng các dung dịch sát trùng thích hợp theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Trúc Chi (t/h)