Anh nông dân làm giàu thành công nhắc đến ở đây là anh Trần Đình Kỹ (sinh năm 1990) ở Bắc Ninh. Nói về cơ duyên khởi nghiệp bằng nghề nông anh Kỹ cho biết, sau khi tốt nghiệp THPT, anh đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Ở xứ sở kim chi, anh có điều kiện tiếp cận nhiều mô hình làm nông nghiệp hiện đại. Đặc biệt, anh ấn tượng với một sản phẩm kẹo làm từ cây ngải cứu. Qua tìm hiểu, anh bất ngờ khi được biết loại cây ngải cứu để làm ra sản phẩm kẹo này lại có ở Việt Nam. “Bởi vậy, ngay từ những ngày còn lao động bên Hàn Quốc, tôi đã từng ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp trong nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm từ cây ngải cứu”, anh Kỹ chia sẻ với Tiền Phong.
Anh Kỹ về nước vào năm 2017, rồi bắt đầu mở cửa hàng bán quần áo. Mặc dù công việc thuận lợi và phát triển được 3 - 4 cửa hàng nhưng với đam mê làm nông nghiệp trong anh lại trỗi dậy và bắt tay vào làm.
Từ ngày còn đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc, anh Kỹ đã nhận thấy các sản phẩm thảo dược từ cây ngải cứu và quả bồ kết mang lại giá trị cao. Theo đó, mà anh luôn ấp ủ về quê hương thực hiện. Vì vậy, anh nông dân này khăn gói tìm đến các thầy thuốc đông y ở trong và ngoài tỉnh để học hỏi cách làm các sản phẩm thảo dược từ cây ngải cứu và quả bồ kết. Với quyết tâm làm giàu tại quê hương, anh Kỹ về quê thuê đất trồng ngải cứu. Anh mất hơn 1 năm làm thử nghiệm các sản phẩm từ cây ngải cứu và quả bồ kết.
“Tôi làm thử rất nhiều lần nhưng đều thất bại. Vài tấn ngải cứu và quả bồ kết đã phải bỏ đi vì sản phẩm làm ra không đạt yêu cầu. Tôi phải mất hơn 1 năm làm thử nghiệm mới ra được sản phẩm ưng ý”, anh Kỹ nói.
Nhờ sự chăm chỉ và quyết tâm làm bằng được đặc sản có "1-0-2" từ cây ngải cứu và quả bồ kết, sảm phẩm của anh Kỹ dần dần được nhiều người biết đến. Do đó, anh mở rộng quy mô sản xuất. Từ đó đến nay, các sản phẩm của anh được tiêu thụ ở nhiều phòng khám, hiệu thuốc đông y ở trong và ngoài tỉnh. Hiện, anh đang tập trung phát triển 4 - 5 dòng sản phẩm chính từ cây ngải cứu và quả bồ kết. Đó là dầu gội bồ kết, điếu hương bồ kết (dùng xông cho thơm nhà) và điếu ngải cứu (dùng trong đông y để châm cứu, bấm huyệt), nụ bồ kết, bột ngải cứu dùng ngâm chân. Tính ra, các sản phẩm thảo dược từ cây ngải cứu và quả bồ kết giúp anh thu về 2 - 3 tỷ đồng/năm.
Đáng chú ý về anh nông dân này là không chỉ làm giàu cho mình mà còn giúp đỡ bà con cùng phát triển. Cụ thể, mỗi năm anh còn tiêu thụ hàng chục tấn ngải cứu và quả bồ kết cho nhiều hộ dân trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh để làm nguyên liệu sản xuất. Ngoài ra, anh cung cấp hàng nghìn cây bồ kết giống để bà con trồng tạo vùng nguyên liệu.
Từ hiệu quả của mô hình xây dựng kinh tế tại quê hương, vừa qua, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh đã tuyên dương anh Trần Đình Kỹ là tấm gương tiêu biểu trong phong trào thanh niên khởi nghiệp năm 2023.
Trồng ngải cứu xuất khẩu không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Kỵ mà còn mở ra hướng đi mới cho người dân trong việc cải tạo đất bạc màu, phát triển kinh tế gia đình.
Lợi ích cây ngải cứu đối với sức khỏe
Ngải cứu tên khoa học là Ar temisia vulgaris L. Họ Cúc (Asteraceae), là loại cây cỏ sống lâu năm, thân có rãnh dọc. Lá mọc so le không cuống, màu 2 mặt lá khác nhau, mặt trên nhẵn, màu lục sẫm. Mặt dưới trắng tro, có nhiều lông nhỏ.
Thông tin trên Sức khỏe & Đời sống cây ngải cứu mọc hoang ở nhiều nơi trong cả nước, có thể trồng quanh nhà làm thuốc.
Đặc biệt, lá ngải cứu phơi khô vỏ cắt thành bột vụn rây lấy phần lông trắng và tơi gọi là ngải nhung. Dùng tươi, rửa sạch giã, lọc lấy nước uống.
Trong Đông y, ngải cứu vị đắng, cay, tính ấm, vào kinh tỳ, can, thận, có tác dụng ôn bào cung, cầm máu, an thai, khứ hàn, giảm đau.
Ngoài ra theo nghiên cứu của y học hiện đại, ngải cứu có nhiều thành phần dinh dưỡng và tinh dầu, một số hoạt chất trong ngải cứu có tác dụng thúc đẩy sự tuần hoàn của máu, nhờ đó có thể cải thiện quá trình trao đổi chất, giúp da được nuôi dưỡng tốt hơn và có đủ nước.
Bên cạnh đó, ngải cứu có tác dụng kích thích lên da non, làm liền các vết thương. Trong ngải cứu còn có một thành phần có ích đối với việc làm đẹp da, là chất tanin - có tác dụng ngăn ngừa sự xuất hiện các mụn nước nhỏ, chữa bệnh chàm (eczema), và một số loại viêm da khác.
Ngải cứu còn có tác dụng phân giải các chất mỡ, loại trừ các thứ cặn bẩn trên mặt da, có thể làm sạch da ở những người có da nhờn. Ngải cứu còn có tác dụng giữ độ ẩm, nên cũng có tác dụng bảo vệ tốt đối với cả những người da khô. Do đó, ngải cứu có thể sử dụng cho tất cả các loại da...
Trúc Chi (t/h)