Anh Lâm Se ở Tp.Sóc Trăng xuất thân trong gia đình người Khmer nghèo. Do kinh tế khó khăn, không có điều kiện học hành lên cao, anh chăm chỉ làm bạn với đồng ruộng và công việc lao động chân tay.
Thuở đầu ban đầu mới lấy vợ ra lập nghiệp kinh tế gia đình anh không dư dả, đến khi các con ra đời khiến kinh tế gia đình anh ngày càng lao đao. Để vợ con bớt khổ anh Lâm Se tranh thủ chạy xe ôm để phục vụ sinh hoạt hàng ngày, cho con ăn học.
Vào năm 1987 hai vợ chồng anh nông dân này chỉ có vài công đất ruộng được gia đình hai bên chia cho. Chăm chỉ làm ăn phần lãi từ đồng ruộng, hai vợ chồng bàn nhau tích lũy. Cho đến khi được số vốn kha khá, anh dùng tiền đó mua thêm ruộng, mở rộng sản xuất.
Với ý chí vươn lên thoát nghèo cùng sự chăm chỉ đến nay anh nông dân này đã có 11 ha đất trồng lúa để phát triển kinh tế gia đình.
"Trời không phụ công" những năm gần đây, nhờ sản xuất lúa cao sản, lúa chất lượng cao nên mỗi vụ anh Lâm Se đều thu về lợi nhuận trên dưới 300 triệu đồng.
Đáng chú ý ngoài làm ruộng, anh nông dân này còn tìm tòi hướng đi, mô hình mới để thoát nghèo. Nhờ phương tiện truyền thông, qua các buổi tập huấn về nông nghiệp và tham quan thực thế, nhận thấy tiềm năng của mô hình chăn nuôi bò sữa anh Lâm Se đầu tư mua thêm 2 con bê về nuôi, áp dụng phương pháp khoa học, hiện đại. Sau 2 năm, gia đình anh Lâm Se phát triển đàn lên 7 con. Đàn bò sữa đã mang lại thu nhập cho anh khoảng 20 triệu đồng/tháng.
Cũng nhờ làm nông nghiệp mà gia đình anh lại tìm được một hướng làm ăn nữa mang lại hiệu quả kinh tế cao nữa đó là cuốn rơm bán cho nông dân. Nhận thấy nhiều nơi sau khi thu hoạch lúa, người dân thường bỏ lại rơm ngoài đồng hoặc bán cho các thương lái nơi khác. Năm 2017, anh gặp thương lái người Trà Vinh sang Sóc Trăng thu mua rơm với giá 30.000 đồng/cuộn. Thương lái cho biết, họ thu mua không giới hạn để làm nguyên liệu trồng nấm, thức ăn cho gia súc và bón cây. Anh tìm đến một doanh nghiệp ở Trà Vinh để học hỏi về cách thức thu mua, số lượng, giá tiền.
Nhận thấy "thứ vứt đầy đồng" này đầy tiềm năng, anh Lâm Se đã mạnh dạn vay 300 triệu đồng vốn ưu đãi, 100% không lãi suất theo Nghị định 68 của Chính phủ để đầu tư máy cuốn rơm. Đây cũng là chiếc máy cuốn rơm đầu tiên của tỉnh.
Không chỉ vậy, anh còn đi vận động người dân sau khi thu hoạch lúa, không đốt rơm mà bán lại cho mình với giá cao. Với cách làm có "1-0-2" này của anh Lâm Se vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, lại tạo ra nguồn thu nhập ổn định.
“Năm 2019, tôi mua thêm 3 chiếc máy cuốn rơm nữa để phục vụ thị trường Sóc Trăng. Đến nay, gia đình tôi đã có tổng cộng 6 chiếc máy với trị giá gần 2 tỷ đồng. Với 6 chiếc máy này, mỗi ngày thu gom khoảng 3.000 cuộn rơm trên toàn tỉnh Sóc Trăng. Giá bán hiện tại khoảng 25.000 đồng – 28.000 đồng/cuộn, tôi thu lời tới 50%/cuộn", anh Lâm Se chia sẻ với Dân Trí.
Nhờ chăm chỉ và chịu khó tìm tòi trong ngành nông nghiệp, anh Lâm Se tiếp tục đầu tư mua 2 máy cày làm dịch vụ xới đất và mới đây là máy gặt đập liên hợp.
Cụ thể, với 8 ha ruộng, anh làm từ 2 tới 3 vụ lúa/năm. Ông cho biết: “Mỗi năm, tôi thu trên 300 triệu đồng nếu làm 3 vụ, trên 200 triệu đồng nếu làm 2 vụ. Riêng 2 máy gặt đập liên hợp làm dịch vụ cho bà con địa phương, gia đình thu tôi về 400 – 500 triệu đồng/năm. Mỗi máy làm 1.000 công/vụ. Tổng thu nhập gia đình dao động từ 800 triệu đồng - 1 tỷ đồng".
Từ các dịch vụ sản xuất nông nghiệp này, bên cạnh thu nhập, phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, với anh Se còn giải quyết việc làm thường xuyên cho bà con lao động địa phương với thu nhập ổn định, dao động từ 7 – 10 triệu đồng/tháng.
Trong thời gian dài với sự nỗ lực phát triển kinh tế, anh Lâm Se được Trung ương và tỉnh Sóc Trăng tặng nhiều bằng khen.
Thông thường sau mỗi mùa thu hoạch lúa, nông dân thường đốt rơm rạ ngay tại cánh đồng gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đây là nguồn nguyên liệu rất có giá trị, có thể mang lại lợi nhuận cao nếu biết tận dụng làm nấm, phân bón hay mang bán. Chúng ta cũng có thể sử dụng rơm làm sản phẩm thủ công. Phương pháp này sử dụng rơm rạ để tạo các sản phẩm thủ công như mũ rơm, chổi rơm, thảm rơm, giấy...
Rơm rạ đã gắn liền với nông thôn Việt Nam bằng việc sử dụng cho sinh hoạt đun nấu và sản xuất nông nghiệp. Khi biết cách tận dụng rơm rạ sẽ làm gia tăng giá trị của cây rơm trong nông nghiệp. Các giải pháp này có thể áp dụng đa dạng từ quy mô lớn cho doanh nghiệp, hợp tác xã cho đến cả các nông hộ nhỏ lẻ.
Rơm rạ có tác dụng tạo độ phì nhiêu cho đất. Một số nơi bắt đầu sử dụng máy gặt đập liên hợp thế hệ mới, rơm rạ được máy cắt nhỏ và rải trộn ngay trên ruộng đồng, xử lý vi sinh sau một thời gian ngắn sẽ mục nát trở thành nguồn phân hữu cơ...
Thời gian gần đây việc thu mua rơm rạ vừa khắc phục tình trạng đốt bỏ lãng phí, ô nhiễm môi trường vừa mang về thu nhập ổn định.
Trúc Chi (t/h)