Bánh tráng sao lại minh họa bằng hoa hồng?

Bánh tráng sao lại minh họa bằng hoa hồng?

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 3, 03/10/2017 06:37

Sự việc nhiều bao bì nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc bị chê vì thiết kế lòe loẹt, không phù hợp thị hiếu của người Hàn là một câu chuyện buồn đối với ngành công nghiệp phụ trợ nước nhà.

Tại Hội nghị “Xúc tiến thương mại – đưa nông sản Việt Nam vào chuỗi cung ứng Hàn Quốc” do bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tổ chức sáng 29/9 vừa qua ở TP.HCM, nhiều đối tác Hàn Quốc cho rằng Việt Nam là nước nhiệt đới có nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất và phát triển ngành nông nghiệp, tuy nhiên, đến nay xuất khẩu nông sản vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng phát triển đó.

Một trong những lý do chính là do mẫu mã bao bì của nông sản thực phẩm Việt đa phần bị chê là không đẹp và chuyên nghiệp bằng bao bì của hàng Thái Lan, Trung Quốc hay Mỹ.

Theo ông Yoon Byung Soo – Giám đốc Phòng chiến lược sản phẩm của Lotte Mart Việt Nam, trong khi bao bì quốc tế có xu hướng đơn giản hóa, màu sắc nhã nhặn thì phần đông các mặt hàng như kẹo dừa, mít sấy, bánh tráng, bún khô Việt được đưa vào hệ thống Lotte của Việt Nam có màu sắc rất sặc sỡ, không phù hợp với thị hiếu người Hàn Quốc. Thậm chí, một số mẫu mã được phiên dịch ra tiếng Hàn theo kiểu dịch tự động từng chữ khiến người Hàn đọc vừa không hiểu vừa thấy buồn cười.

Đem một mẫu thiết kế bao bì bánh tráng Việt Nam bị khách hàng Hàn Quốc chê đi hỏi một người có kinh nghiệm thiết kế bao bì sản phẩm nông nghiệp nhiều năm, tôi nhận được những nhận xét khá thực tế.

Tiêu dùng & Dư luận - Bánh tráng sao lại minh họa bằng hoa hồng?

Một mẫu bao bì bánh tráng được đánh giá là lòe loẹt, thiếu hấp dẫn, dịch ra tiếng Hàn còn ngô nghê.

Chị Trần Thị Ly – Giám đốc sáng tạo của công ty Quảng cáo Hali ở Hà Nội, người đã nhiều năm thiết kế bao bì cho các thương hiệu nông sản thực phẩm nổi tiếng như Dabaco, Hưng Cúc… chỉ ra rằng mẫu bao bì bánh tráng nói trên mắc một số lỗi cơ bản về thiết kế bao bì sản phẩm.

Cụ thể là thiết kế dàn trải, không có điểm nhấn, họa tiết không liên quan đến nội dung sản phẩm. Hình ảnh hoa hồng không có mối liên hệ gì với sản phẩm bánh tráng. Phù hợp hơn phải là hình ảnh bông lúa hay hạt gạo, hoặc một món ăn nào đó có sử dụng bánh tráng như các món cuốn chẳng hạn.

Ngoài ra, nhìn vào bao bì này người dùng không biết thương hiệu chính là gì, thương hiệu sản phẩm là gì. Thông tin trọng lượng của sản phẩm lại to bằng cả tên sản phẩm, trong khi đó là thông tin mà người tiêu dùng quan tâm sau cùng.

“Một điểm nữa là khi sản phẩm là những thứ có số lượng đếm được thì người tiêu dùng quan tâm đến số lượng đếm hơn là trọng lượng. Trong trường hợp này người tiêu dùng sẽ quan tâm là tập bánh tráng có bao nhiêu cái để định lượng cho việc sử dụng của mình, hơn là thông tin nó nặng bao nhiêu gram.

Ngoài ra, sản phẩm bánh tráng có màu trắng mà thiết kế bao bì phối màu xanh và đỏ cũng không phù hợp logic thiết kế lắm. Nên chăng sử dụng tông màu xanh phối với vàng hoặc trắng để thể hiện màu sắc của nông nghiệp sạch: Màu của lúa, gạo, mạ non thì sẽ đạt được hiệu quả về thị giác hơn” – bà Ly nói.

Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Về xuất khẩu, Hàn Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4.

Riêng về nông lâm thủy sản, năm 2016, hàng nông lâm thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc được hơn 1,4 tỷ USD, nhưng mới chiếm 4% nhu cầu nhập khẩu của nước này (mỗi năm, Hàn Quốc nhập khoảng 33 tỷ USD các sản phẩm nông lâm thuỷ sản). Điều này cho thấy tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc là rất lớn.

Ông Yoon Byung Soo cũng lưu ý rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần chăm chút cho bao bì hơn so với hiện tại và khẳng định vẫn sẽ mua sản phẩm nếu đầu tư vào bao bì khiến sản phẩm có giá cao hơn khoảng 10%.

Nhiều năm qua, văn hóa Hàn Quốc đã thâm nhập vào đời sống xã hội Việt Nam thông qua con đường điện ảnh, thời trang, thực phẩm… Việc nắm bắt thị hiếu người Hàn không phải quá khó. Vậy phải chăng bao bì sản phẩm xấu là do nhiều doanh nghiệp Việt hiện nay thiếu định hướng, thiếu đầu tư và chưa đánh giá đúng vai trò của công nghiệp phụ trợ - ở đây là khâu thiết kế, sản xuất bao bì, để sản phẩm của mình hấp dận, cạnh tranh hơn khi xuất khẩu ra bên ngoài?

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.