Chưa đầy 1 tuần nữa, các thí sinh trên cả nước sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, đây cũng là năm cuối cùng nội dung thi theo Chương trình GDPT 2006. Việc áp lực là không tránh khỏi những các em cần có kỹ năng chuẩn bị phù hợp để có tinh thần tốt nhất bước vào cuộc thi.
Đưa ra lời khuyên cho sĩ tử, thầy Đoàn Mạnh Linh – Giáo viên Trường THPT FPT cho hay, giai đoạn này các em nên học rà soát lại kiến thức hơn là học tủ. Ngoài ra, việc học nhồi nhét chuyên sâu cũng không nên, mà nên học bằng sơ đồ tư duy, nên luyện phản xạ với đề, tìm những đề của các tỉnh, các địa phương để tập hướng giải.
“Vì không còn nhiều thời gian các em cần thay đổi lại thói quen sinh hoạt, nên tập dậy sớm học hơn là thức khuya học, đặc biệt với môn Văn. Việc các em thức quá khuya học tập, gây tác hại vào sáng mai các em thiếu tỉnh táo, uể oải, chắc chắn làm bài sẽ không như mong muốn”, thầy Linh bày tỏ.
Đặc biệt, để làm tốt câu nghị luận xã hội thầy giáo cho rằng thí sinh hãy tìm hiểu những vấn đề đương đại, những phẩm chất của một công dân toàn cầu, trí tuệ nhân tạo, những tấm gương người tốt việc tốt… sẽ làm giàu cho kiến thức xã hội, từ đó làm tốt phần liên hệ trong bài thi môn Văn.
Thầy giáo cũng cho biết không nên tạo áp lực về việc phải đỗ đại học gây ảnh hưởng đến kết quả bài thi.
“Sau khi biết điểm tốt nghiệp THPT thí sinh có thời gian dài để đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng. Có thể nói, thế hệ các em so với thế hệ trước kia, câu chuyện cánh cửa đại học đã rộng mở hơn, đã nhiều lựa chọn hơn.
Ngoài ra, việc thành công không chỉ phụ thuộc vào ngôi trường mình đang học mà còn cần nỗ lực của cả quá trình. Các em không nên vì lo lắng quá, áp lực về việc phải đổ vào một ngành, một trường cụ thể rồi để nó trở thành nỗi sợ hãi, học không tập trung, giấc ngủ cũng chập chờn, điều đó chỉ có hại”, thầy Linh cho hay.
Còn theo thầy Trần Mạnh Tùng – Giáo viên môn Toán tại Hà Nội nhấn mạnh, thời điểm hiện tại các em cần chú trọng tự học các phương pháp, lý thuyết cơ bản để củng cố kiến thức.
“Môn Toán sẽ phù hợp hơn nếu học theo bài, theo các vấn đề bằng cách học kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa rồi làm bài tập liên quan đến kiến thức đó theo hướng từ dễ trở lên. Cùng với đó là làm các đề để ghi nhớ kiến thức”, thầy Tùng chia sẻ.
Bên cạnh việc nắm chắc kiến, học sinh cùng cần ôn lại kỹ năng xử lý câu hỏi trắc nghiệm nhanh, hiệu quả. Tìm các phương pháp giải gián tiếp bằng cách thử đáp án, loại trừ hoặc nhờ sự hỗ trợ của máy tínhđể cải thiện được tốc độ làm bài.
Để các em có tâm lý tốt nhất trước khi bước vào phòng thi, thầy Trần Mạnh Tùng khuyên thí sinh cần chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng cần thiết, mang đeo đồng hồ theo quy định của quy chế để kiểm soát thời gian. Nên đến điểm thi sớm để tạo tâm lý thoải mái. Việc có công tác chuẩn bị tốt sẽ càng tạo tậm trạng vững vàng cho các em
“Khi nhận đề thi, cần lướt nhanh đọc đề và lên chiến lược làm bài. Các câu dễ làm trước, khó hơn làm sau. Ghi ra nháp các câu chưa làm, chưa chắc để phân bố thời gian giải quyết và không bị bỏ sót. Nếu cảm thấy hồi hộp, lo lắng, thí sinh có thể dừng lại hít thở, nghỉ ngơi khoảng 1 phút và điều hướng suy nghĩ tích cực”, thầy Trần Mạnh Tùng chia sẻ.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học THPT năm 2024 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023. Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương.
Theo đó, các Hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày 26, 27, 28 và 29/6/2024; chấm thi từ ngày 29/6/2024; công bố kết quả thi vào 8h ngày 17/7/2024, xét công nhận tốt nghiệp THPT ngày 19/7/2024.
Năm nay, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.071.393 (tăng hơn 45.000 thí sinh so với kỳ thi năm 2023).
Thí sinh tự do: 46.978 chiếm 4,38% tổng số thí sinh; Thí sinh đăng ký trực tuyến: 1.014.020 chiếm 94,66% tổng số thí sinh.
Tổng số thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ: 66.927 thí sinh chiếm 6,25% tổng số thí sinh (Trong đó, Hà Nội có: 21.554 thí sinh; Tp.HCM có: 13.076 thí sinh).
Tổng số điểm thi: 2.323 (tăng 51 điểm thi so với kỳ thi năm 2023). Tổng số phòng thi: 45.149.