Nhiều bậc cha mẹ đặt câu hỏi, sự trưởng thành và thành công của trẻ phụ thuộc vào sự tự nhận thức hay sự giám sát?
Cao Jun – một nhà tâm lý học và giáo dục người Trung Quốc, có 2 đứa con trai đậu vào Đai học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh trả lời rằng: “Một học sinh giỏi nhất định phải bị cha mẹ kiểm soát”.
Ông thẳng thắn nói rằng, việc học của 2 đứa con đều do chính ông giám sát, trẻ con không thể trở nên giỏi giang nếu chỉ dựa vào sự tự giác. Ông cho rằng, ở trường học nếu một đứa trẻ không được cha mẹ kiểm soát sẽ sớm bị loại.
Tuy nhiên, một số cha mẹ lại nghĩ việc học của trẻ phụ thuộc vào tài năng, sự tự nhận thức, kỷ luật là vô ích.
Thậm chí có những bậc cha mẹ theo đuổi hạnh phúc lại có mong muốn để con cái tự do phát triển theo ý mình, miễn là chúng cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.
Nhưng thực tế phũ phàng cho chúng ta biết rằng, tuổi thơ hạnh phúc chỉ kéo dài được 10 năm, còn thời gian đau khổ kéo dài suốt nửa sau cuộc đời.
Để con cái thành tài, cha mẹ phải biết giám sát, kỷ luật, không thể để con ngồi yên làm gì thì làm.
2 điều cha mẹ phải làm nếu muốn con thành tài
1. Trẻ phải được hình thành tính kỷ luật
Có một kiểu người mẹ không gây áp lực gì cho con cái, cho phép chúng được tự do, không quan tâm tới điểm số hay việc học của con. Nếu con có bị điểm kém cũng không thành vấn đề, miễn chúng luôn vui vẻ hạnh phúc là được.
Họ cho rằng, việc học chủ yếu phụ thuộc vào tài năng, cha mẹ có kiểm soát bao nhiêu cũng vô ích. Con cái chỉ có một tuổi thơ, vì vậy cứ để con được là chính mình.
Nhưng chỉ trong vòng vài năm, tình trạng của đứa trẻ trở nên báo động, học hành đứng cuối lớp, nghiện game, ngày nào cũng đi muộn và tự ý nghỉ học. Lúc này, người mẹ bắt đầu có cảm giác khủng hoảng.
Người mẹ không hiểu tại sao mọi thứ lại trở nên xấu đi. Điều người mẹ không biết rằng, tự do không có nghĩa là buông thả, rất ít đứa trẻ có thể tự lập khỏi cha mẹ.
Đằng sau những đứa trẻ xuất sắc thường là những bậc cha mẹ giám sát ngày đêm không dám buông tay.
Có một người mẹ ở Trung Quốc tốt nghiệp từ một trường đại học danh giá, dù bận rộn như thế nào cũng luôn dành thời gian đọc sách với con vào buổi sáng.
Bắt đầu từ khi con học lớp 3, người mẹ thức dậy lúc 6h50, cùng con đọc những bài báo hay, giải thích và yêu cầu con nhận xét từng trích đoạn, quá trình này kéo dài 20 phút mỗi ngày.
Người mẹ này đã kiên trì suốt 2 năm, cùng con đọc 730 bài báo, đọc gần 12 triệu từ, điểm tiếng Trung của con cô không dưới 97/100 điểm trong 2 năm liên tiếp.
Con cô không chỉ có thói quen học tập tốt mà thành tích luôn đứng top trong lớp.
Hãy tưởng tượng liệu con bạn có sẵn sàng dậy sớm đọc sách không? Câu trả lời chắc chắn là không, điều này không thể tách rời sự kiên trì của người mẹ.
Nếu một đứa trẻ được mẹ thả tự do làm điều mình thích, chúng sẽ sớm mất đi ý thức học tập.
2. Không để con tự do quá mức
Trong cuốn sách "Học giả Thanh Hoa dạy con" có viết: “Cha mẹ cần hiểu rằng, khi trẻ còn nhỏ, chúng thiếu tự chủ. Lúc gặp khó khăn như học tập, việc không chủ động là điều bình thường”.
Trẻ em không có sự giám sát của cha mẹ giống như con tàu đang ra khơi, sẽ mất phương hướng khi gió mạnh ập đến.
Trên trang Zhihu, có một bà mẹ từng học Đại học Bắc Kinh đã chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con của mình.
Cô nói rằng, tình yêu và sự tin tưởng là cách giáo dục tốt nhất nhưng không phải là tất cả. Trước đây, để dành trọn vẹn tình yêu thương và sự tin tưởng cho các con, cô đã cho con mình sống trong một môi trường vô cùng thoải mái, tự do.
Chẳng hạn, trước khi đi làm, cô dặn con “hãy học nghiêm túc, đừng mê chơi”. Sau này cô phát hiện ra rằng, ngay khi mình rời đi, bọn trẻ chỉ chơi hoặc nghiện các thiết bị điện tử mà không hề làm bài tập về nhà.
Điểm số của con tụt dốc và ngày càng ít hứng thú với việc học. Cô nhận ra rằng, đừng mong đợi trẻ có tính tự kỷ luật, việc tự kỷ luật là do cha mẹ kiểm soát.
Để giám sát các con, hằng ngày cô cùng các con ngồi học, cùng làm bài tập và dạy chúng từng chút một, để con dần dần hình thành thói quen học tập. Trẻ nhỏ chưa có tính tự giác, việc có cha mẹ giám sát, thúc giục con là điều nên làm.
Muốn con có thói quen học tập tốt, cha mẹ cần làm gì?
- Trước khi học, tập thể dục nửa giờ
Tập thể dục có thể tạo ra những kích thích, khiến não hưng phấn và minh mẫn hơn.
Cha mẹ có thể cho trẻ tập thể dục hoặc vận động nửa giờ trước khi sẵn sàng ngồi vào học, điều này có thể nâng cao hiệu quả học tập lên rất nhiều.
- Nói chuyện với con nhiều hơn về những khó khăn trong học tập của con
Cha mẹ giải quyết kịp thời sự chán nản trong học tập, giúp con có động lực học tập. Trẻ có thể chán học vì nhiều lý do như bị bạn bè ghét, bị bắt nạt trong lớp, bài tập khó…
Sau khi giải quyết được những khó khăn của trẻ, chúng đã điều chỉnh lại tâm lý và bắt đầu chăm chỉ học tập.
- Thiết lập hệ thống thưởng phạt để khuyến khích trẻ hình thành thói quen tự giác
Tùy theo từng gia đình sẽ có những quy định thưởng phạt khác nhau, nếu làm tốt trẻ có thể nhận được tiền hoặc món đồ mình thích, ngược lại cũng sẽ có mức phạt tương ứng.
Giáo dục với những hình thức khen thưởng và trừng phạt rõ ràng có thể giúp trẻ hình thành thói quen tự giác, tự giác và có động lực cho việc học tập.
Phan Hằng (Theo 163)