Căn cứ đình chỉ vụ án của tử tù 4 lần bị tuyên án tử Hàn Đức Long

Căn cứ đình chỉ vụ án của tử tù 4 lần bị tuyên án tử Hàn Đức Long

Thứ 4, 21/12/2016 | 10:03
0
Do đã hết thời hạn điều tra nhưng không chứng minh được hành vi phạm tội nên mới đây VKSND tỉnh Bắc Giang vừa ra quyết định đình chỉ vụ án "Giết người", "Hiếp dâm trẻ em" đối với ông Hàn Đức Long.

Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, ông Hàn Đức Long đã được trả tự do về với gia đình sau quá trình kêu oan và đấu tranh tích cực, bảo vệ công lý của các luật sư bào chữa.

Trước đó ông Long 4 lần bị xác định là hung thủ và kết án tử liên quan đến vụ án hiếp dâm trẻ em, giết người xảy ra vào năm 2005 tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử, bị cáo một mực kêu oan, không nhận tội đồng thời khai báo bị ép cung, bức cung, dùng nhục hình trong quá trình hỏi cung.

Năm 2014, vụ án đã được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm lần hai, tuyên hủy các bản án trước đó để điều tra lại theo thủ tục chung.

Quá trình điều tra lại, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang vẫn giữ nguyên đề nghị truy tố đối với ông Long về tội "Giết người", "Hiếp dâm trẻ em", tuy nhiên, VKSND tỉnh Bắc Giang đều trả hồ sơ. Và mới đây, ông Hàn Đức Long đã được Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Giang - ông Nguyễn Xuân Hùng ký quyết định đình chỉ vụ án.

Tư vấn - Căn cứ đình chỉ vụ án của tử tù 4 lần bị tuyên án tử Hàn Đức Long

 Tử tù Hàn Đức Long.

Liên quan đến việc đình chỉ vụ án, PV đã cùng trao đổi với luật sư Tạ Quốc Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội để tìm hiểu về các quy định của pháp luật cũng như hậu quả pháp lý liên quan đến vấn đề này. 

Luật sư Cường phân tích: Đình chỉ vụ án là một quyết định chấm dứt mọi hoạt động tố tụng đối với vụ án. Vụ án đã có quyết định đình chỉ thì không được phục hồi điều tra, truy tố hoặc xét xử. Trường hợp quyết định đình chỉ vụ án bị phát hiện là trái pháp luật thì sẽ bị huỷ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003.

Thẩm quyền ra quyết định đình chỉ vụ án trong thời hạn chuẩn bị truy tố thuộc VKSND có thẩm quyền, trong thời hạn chuẩn bị xét xử, thẩm quyền này thuộc Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa (Điều 166, Điều 176 Bộ luật Tố tụng hình sự).

Theo đó, VKSND có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ vụ án hình sự trong các trường hợp sau (Điều 169, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003):

- Người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm (đối với vụ án chỉ khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại), trừ trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức;

- Không có sự việc phạm tội;

- Hành vi không cấu thành tội phạm;

- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;

- Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;

- Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Tội phạm đã được đại xá;

- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;

- Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội (Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này);

- Trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 25, Điều 69 BLHS;

Đối với thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án hình sự trong các trường hợp sau (Điều 180 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003):

- Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên toà;

- Người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm (đối với vụ án chỉ khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại), trừ trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức;

- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;

- Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;

- Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Tội phạm đã được đại xá;

- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.

Như vậy, trên đây là các căn cứ để đình chỉ một vụ án hình sự. Cụ thể với trường hợp của ông Hàn Đức Long, cơ quan CSĐT công an tỉnh Bắc Giang đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được tội phạm thì phải ra quyết định đình chỉ điều tra.

Dương Nhung