Chứng nhận giáo viên: Là chứng chỉ hay giấy phép hành nghề?

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Chủ nhật, 28/01/2024 16:22

Theo chuyên gia cần làm rõ về mục đích, ý nghĩa của giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo, tránh việc chồng chéo gây khó khăn.

Hiện nay, theo thống kê có gần 200 văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới nhà giáo, nhưng lại chưa có một luật chuyên ngành về nhà giáo. Với tính chất quan trọng và sự cần thiết, Luật Nhà giáo hiện nay đang được lấy ý kiến, thảo luận để xây dựng một bộ luật có đủ căn cứ pháp lý để phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Một trong những nội dung được quan tâm trong dự thảo đó là đề xuất nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp miễn phí.

Tuy nhiên, trao đổi với Người Đưa Tin, TS Lê Đông Phương - Chuyên gia giáo dục đại học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết Bộ GD&ĐT cần phải làm rõ chứng nhận nghề nghiệp giáo viên có mục đích, vai trò như thế nào?

Theo chuyên gia, các chứng chỉ dùng để chỉ xác nhận một cá nhân đã hoàn thành một khoá học, một chương trình đào tạo nhưng không có kết quả kèm theo (giống như chứng chỉ tập huấn).

Cụ thể, chứng chỉ (certificate) xác nhận ai đó đã hoàn thành một học phần hay một khóa học của một đơn vị đào tạo thực hiện. Giấy phép hành nghề (license) là sự xác nhận của cơ quan nhà nước rằng một người có khả năng và được phép thực hiện một công việc chuyên môn cụ thể trong một không gian cụ thể, ví dụ như một tỉnh/bang nào đó.

Giáo dục - Chứng nhận giáo viên: Là chứng chỉ hay giấy phép hành nghề?

TS Lê Đông Phương - Chuyên gia giáo dục đại học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.

Ở Mỹ, mỗi bang đều có một giấy phép hành nghề riêng cho nghề giáo. “Ai học gì, ở đâu không quan trọng và phải thi đỗ kỳ thi theo yêu cầu của hiệp hội giáo dục của bang để xác nhận người đó có đầy đủ năng lực đi dạy và chỉ khi có chứng chỉ này mới được đăng ký hành nghề giáo viên. Ở đây cũng có thể hiểu là giấy phép hành nghề giáo viên”, TS Lê Đông Phương thông tin.

Như nước Đức để làm giáo viên, người học phải theo học ngành sư phạm và sẽ không được cấp bằng cử nhân hay thạc sĩ mà phải trải qua 2 kỳ thi quốc gia. Kỳ thi đầu tiên là xác nhận sơ bộ, kỳ thi thứ 2 thì chứng nhận họ đủ điều kiện để đi dạy học.

Ông Đông Phương cho biết một số nước khác vẫn có quy định giữa giấy phép hành nghề cụ thể và chứng nhận quá trình đào tạo nhưng gắn chặt với mục tiêu để đi dạy. Tuy nhiên, với đề xuất giấy chứng nhận giáo viên như hiện nay của chúng ta vẫn chưa thể hiện rõ là với mục đích và ý nghĩa như thế nào.

Giáo dục - Chứng nhận giáo viên: Là chứng chỉ hay giấy phép hành nghề? (Hình 2).

Cần làm rõ những quy định mới trong dự thảo Luật Nhà giáo (Ảnh: Hữu Thắng).

“Hiện nay giáo viên chúng ta có rất nhiều thủ tục như chức danh nghề nghiệp giáo viên, thi thăng hạng viên chức,…, nếu có thêm giấy chứng nhận thì sẽ đội thêm rất nhiều giấy tờ”, chuyên gia bày tỏ.

TS Lê Đông Phương cho rằng nếu thay thế hết tất cả giấy chứng nhận hiện hành bằng một loại chứng nhận thì có thể phù hợp chứ không nên thêm một loại giấy khác sẽ rất bất cập.

Cùng với đó, theo chuyên gia, ở các nước giấy phép hành nghề dạy học chỉ áp dụng cho bậc phổ thông, quy định về giảng viên đại học sẽ do yêu cầu của từng trường cụ thể, “việc đề xuất áp dụng giấy chứng nhận cho toàn bộ giáo viên khiến tôi băn khăn về sự cần thiết”, ông Phương cho hay.

TS Lê Đông Phương đề xuất cần làm rõ ý nghĩa, mục đích của giấy chứng nhận là một giấy phép hành nghề hay chỉ là giấy chứng nhận đã học qua một chương trình bồi dưỡng thực tế dạy học.

Cùng với đó, nếu đây chỉ là bổ sung thêm cho những giấy tờ đang đó thì sẽ rất thừa, lãng phí không cần thiết, nên chăng thì thay đổi có duy nhất một loại chứng nhận để giảm bớt gánh nặng cho giáo viên.

Giáo dục - Chứng nhận giáo viên: Là chứng chỉ hay giấy phép hành nghề? (Hình 3).

Ông Vũ Minh Đức thông tin về những đề xuất mới trong Luật Nhà giáo.

Trước đó, tại tổ chức hội thảo tham vấn chuyên môn về xây dựng Luật Nhà giáo. Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết thay vì sử dụng đồng thời quy định chuẩn nghề nghiệp và tiêu chuẩn chức danh giáo viên/giảng viên như hiện hành, quy định mới chỉ sử dụng thống nhất quy định về tiêu chuẩn nhà giáo và gọi chung là chuẩn nghề nghiệp nhà giáo với nhiều tiêu chí.

Người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp. Giấy chứng nhận này thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.

Những trường hợp được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp: người đã hoàn thành chế độ tập sự, người hiện đang là nhà giáo đạt chuẩn nghề nghiệp, nhà giáo đã nghỉ hưu, nhà giáo nước ngoài.

Giấy chứng nhận nghề nghiệp là giấy xác nhận một người có đủ điều kiện để hành nghề giáo viên. Giấy này có giá trị toàn quốc nên khi chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ trường công ra trường tư, giáo viên chỉ cần xuất trình giấy chứng nhận này mà không phải trải qua tập sự. Tuy nhiên, tùy cơ sở giáo dục, họ có thể sẽ có thêm kiểm tra, đánh giá.

Nhiều nước cũng thực hiện cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho giáo viên. Do đó khi Việt Nam thực hiện cấp giấy chứng nhận này, giáo viên có thể sẽ được công nhận hành nghề ở các nước có thỏa thuận hợp tác với Việt Nam.

Khung cấu trúc dự kiến Luật Nhà giáo với 8 chương, 67 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng… Các chính sách đề xuất bao gồm định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.