Cô gái 8x khởi nghiệp từ loại cây rừng mọc dại, hái lá tươi bán giá 10 triệu đồng/kg

Chủ nhật, 24/09/2023 13:40

Chị Thương đã quyết định khởi nghiệp với loại cây này vì ngoài giá trị kinh tế khi lá tươi có giá bán lên tới 10 triệu đồng/kg, hạt của loại cây này còn có giá khoảng hơn 300 triệu đồng/kg thì còn có mục đích bảo tồn loại cây dược liệu quý.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại huyện Thăng Bình (Quảng Nam), từ nhỏ, chị Nguyễn Thị Hồng Thương (SN 1985) đã cùng cha mẹ rong ruổi mang đồ lên núi bán.

Lớn lên, do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, chị phải nghỉ học giữa chừng để đi làm giúp việc gia đình rồi làm công nhân tại các khu công nghiệp để lấy tiền kiếm sống.

Tuy nhiên, với số tiền lương công nhân ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống và giúp đỡ gia đình trở nên khá giả, chị Thương quyết định lên vùng núi thuộc xã Trà Cang, huyện Nam Trà My để mở một tiệm tạp hóa nhỏ, bán cho người dân địa phương.

img

Ngoài bán tạp hoá, chị Thương còn thu mua các sản vật, dược liệu do bà con khai thác ở vùng núi Ngọc Linh để bán. 

Giữa thời gian này, chị thấy người dân lên núi tìm gốc sâm Ngọc Linh cùng những sản vật, dược liệu rừng quý hiếm để bán lấy tiền. Chị Thương bắt tay vào tìm hiểu công dụng của sâm Ngọc Linh và nhận thấy đây là một trong 5 loại nhân sâm tốt nhất thế giới có hàm lượng saponin cao nhất trong các loại nhân sâm.

“Là loại sâm ngọc dại dưới tán rừng nhưng nếu cứ khai thác mà không trồng mới, bảo tồn thì sẽ ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, tôi quyết định trồng sâm Ngọc Linh”, chị Thương nói.

img

Chị Thương cùng một số người dân địa phương đi khảo sát vùng trồng sâm Ngọc Linh.

Để có vùng đất phù hợp trồng sâm Ngọc Linh, chị Thương cùng một số người dân trèo đèo, lội suối vào tận rừng sâu để tìm. Cuối cùng, chị chọn được mảnh đất cách nơi chị ở khoảng 4 tiếng đi bộ.

Năm 2012, bằng số vốn ít ỏi tích cóp được, chị Thương tìm mua 50 cây sâm Ngọc Linh giống về trồng. Tuy nhiên, chỉ sau một đêm, toàn bộ số cây trị giá hàng chục triệu đồng bị dế ăn trụi lủi.

Không những thế, suốt 6 năm ròng rã, tiền làm được bao nhiêu chị mang toàn bộ để mua sâm Ngọc Linh trồng thử nghiệm. Tuy nhiên, hàng nghìn gốc sâm bị chết.

img

Hơn 10 năm khởi nghiệp với cây sâm Ngọc Linh, chị Thương đã gặp muôn vàn khó khăn.

“Cây thì thối rễ, cây bị chuột ăn, dế gặm, cây lại bị sâu bệnh mà chết vì cây sâm Ngọc Linh chỉ được trồng theo cách truyền thống, trồng không phải tưới nước, không bón phân, nếu không rễ sẽ thối. Bao nhiêu tiền, mồ hôi, công sức đều nhận về là con số 0”, chị Thương thở dài.

Không chịu khuất phục, chị Thương đầu tư thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng về độ ẩm của khu đất trồng, cách chọn cây giống cũng như tiến hành làm lưới bảo vệ cho từng cây.

Ngoài học từ sách vở, chị Thương còn tìm đến những người có kinh nghiệm thực tế để tìm hiểu. Đồng thời, đúc rút kinh nghiệm từ chính quá trình thực tế mình làm. Năm 2019, chị quyết định vay 100 triệu tiền vốn để mở rộng thêm diện tích, mua thêm cây giống về trồng.

img

Những cây sâm Ngọc Linh đã ra hoa, đậu quả và cho thu hoạch những "hạt vàng" đầu tiên.

Đến nay, sau hơn 10 năm, ăn với sâm, ngủ với sâm, chị Thương đã có cho mình gần 4.000 gốc sâm Ngọc Linh. Trong đó, khoảng trên 500 gốc đã ra hoa, đậu quả và hơn 3.000 gốc sâm nhỏ.

Chị Thương cho biết, từ thân rễ, thân củ, lá và cọng thân đều có giá trị kinh tế cao. Ngoài sâm tươi có giá từ 65-220 triệu đồng/kg thì lá sâm tươi cũng có giá từ 10-12 triệu đồng/kg, hạt sâm có giá từ 80-150 nghìn đồng/hạt.

img

Năm nay, chị Thương thu hoạch được 4 lon hạt, trị giá hơn 400 triệu đồng.

“Hạt sâm Ngọc Linh trồng tại vùng núi Ngọc Linh thường bán theo lon. Mỗi lon khoảng 1.000 hạt, giá từ 80-120 triệu đồng/lon. Khoảng 3 lon sẽ nặng 1kg, tính ra mỗi cân hạt sẽ có giá trên 300 triệu đồng”, chị Thương phân tích.

Năm nay, chị Thương dự tính thu hoạch được khoảng 4 lon hạt và 5kg lá sâm tươi. Hạt sâm chị Thương không bán mà để lại toàn bộ để ươm giống, nhân rộng diện tích trồng và bảo tồn sâm Ngọc Linh. Lá tươi được chị bán với giá 10 triệu đồng/kg.

img

Ngoài hơn 4.000 gốc sâm Ngọc Linh, chị Thương còn có vườn ươm cây giống để mở rộng diện tích.

Theo chị Thương, chị hạn chế cắt lá sâm vì để cho cây quang hợp tốt và khỏe. Ngoài ra, chị còn trồng thêm nhiều loại cây dược liệu khác như thất diệp nhất chi hoa, sâm 7 lá, giảo cổ lam…

Đồng thời, hàng ngày chị vẫn thu mua các loại sản vật núi rừng và dược liệu do bà con trồng hoặc đi rừng khai thác được như sâm Ngọc Linh, mật ong rừng, nấm linh chi, sâm 7 lá, măng rừng, sâm dây… nhằm phát triển kinh tế, giúp bà con tại địa phương bán được sản phẩm với giá cao và giúp người tiêu dùng chọn mua được sản phẩm có chất lượng tốt nhất.

Hồng Cảnh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.