Kỳ thi xét tuyển đại học đang tới gần, đối với những sĩ tử chọn tổ hợp khoa học xã hội, yêu thích ngoại ngữ thì nhóm ngành ngôn ngữ là một trong những lựa chọn phù hợp với các em học sinh.
Đặc biệt khi theo học, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội để làm việc tại môi trường kinh tế hội nhập với nhiều tổ chức, công ty có vốn đầu tư từ nước ngoài.
Ngành ngôn ngữ học gì và làm gì?
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho biết khi học ngôn ngữ là tiếng nước ngoài trong 4 năm ở các trường đại học, ngoài các môn đại cương, các em sẽ được học khối kiến thức ngành rèn luyện các kiến thức và kỹ năng thực hành ngôn ngữ như nghe, nói, đọc, viết, ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng để sinh viên làm chủ thực sự một ngôn ngữ ở trình độ bậc 5/6 (C1).
Cuối cùng là khối kiến thức chuyên ngành cung cấp cho các em kiến thức và kỹ năng một số nghề nghiệp rất cần thành thạo ngôn ngữ như biên-phiên dịch, sư phạm, du lịch, thông tin và truyền thông, đối ngoại, thương mại.
“Trên thực tế, chương trình đào tạo ngôn ngữ là tiếng nước ngoài của hầu hết các trường đại học ở Việt Nam đều đã có định hướng nghề nghiệp thể hiện qua khối kiến thức ngành hoặc chuyên ngành. Khi các em xem chương trình đào tạo, có thể nhận thấy định hướng nghề nghiệp này thể hiện qua tên các học phần, số lượng tín chỉ của các môn học định hướng nghề nghiệp (từ 20-30 tín chỉ/tổng số 130-150 tín chỉ) cũng phản ánh phần nào thời lượng mà các trường dành cho mỗi định hướng”, bà Phương chia sẻ.
Tại Trường Đại học Hà Nội các định hướng nghề nghiệp gắn với ngôn ngữ đang triển khai là biên-phiên dịch, du lịch, thương mại, phương pháp giảng dạy.
Theo cô Phương sinh viên tốt nghiệp ngành ngôn ngữ có thể làm việc ở tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần sử dụng đến ngoại ngữ. Nếu làm đúng ngành nghề, các em sẽ làm được các công việc như biên-phiên dịch, giảng viên, nhân viên đối ngoại/ngoại giao.
Trong lĩnh vực du lịch với các vị trí như hướng dẫn viên du lịch, nhân viên kinh doanh, điều hành tour. Ở lĩnh vực kinh doanh với nước ngoài như thư ký, trợ lý dự án, nhân viên kinh doanh, chăm sóc khách hàng.
Sau một thời gian tích luỹ kinh nghiệm trong một số lĩnh vực hoạt động, nhiều sinh viên có xuất phát điểm là bằng đại học ngành này đã thành công trong nhiều lĩnh vực vì ngoại ngữ đã là chìa khoá để các em mở rộng quan hệ đối tác và học hỏi nhanh chóng các tri thức của thế giới.
Đưa ra những yêu cầu của sinh viên của ngành học, bà Phương cho biết, ngôn ngữ đòi hỏi sinh viên phải cần cù, chăm chỉ vì học ngoại ngữ sẽ cần rèn luyện hằng ngày. Bên cạnh đó, người học ngoại ngữ cũng cần có sự năng động, tinh thần cởi mở khi tiếp thu giá trị tốt đẹp từ các nền văn hoá và tri thức mới.
"Ngoài ra cần hiểu và trân trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hoá Việt Nam để giới thiệu với các bạn bè, đối tác quốc tế. Mỗi người học ngoại ngữ đều là một sứ giả của đất nước mình khi giao tiếp với người của một quốc gia khác”, bà Phương nói.
Nhiều cơ hội sau khi ra trường
Là người đang trực tiếp giảng dạy ngành ngôn ngữ Anh, trao đổi với Người Đưa Tin, TS Nguyễn Thị Việt Nga – Trưởng khoa Ngoại ngữ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thông tin ngành ngôn ngữ Anh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đào tạo biên dịch liên quan đến báo chí, hướng cho các em sau khi ra trường sẽ làm phóng viên, biên tập viên mảng quốc tế, dịch thuật, cập nhật các thông tin nước ngoài, thế giới.
Đây cũng là sự khác biệt về chương trình đào tạo của nhà trường với các cơ sở đào tạo khác.
“Không chỉ dừng lại ở việc học ngôn ngữ, các em sẽ phải học các kiến thức liên quan đến biên dịch báo chí. Những em có trình độ tiếng Anh tốt, nhưng không được học về biên dịch, cũng khó có thể làm các công việc dịch thuật bởi đây là nghề cần kỹ năng, kiến thức nền,… Không thể đảm bảo việc học ngoại ngữ giỏi thì sẽ có thể dịch tốt”, bà Nga đánh giá.
Ngôn ngữ sẽ chỉ là nền tảng, ngoài ra các em khi theo học ngành ngôn ngữ Anh cũng sẽ được học rất nhiều nội dung như phân tích ngôn ngữ, so sánh và phân biệt sự khác nhau giữa tiếng Anh và tiếng Việt,…
Đối với sự phát triển công nghệ như hiện nay liên quan đến lĩnh vực biên dịch, bà Nga vẫn đánh giá rất khó máy móc có thể thay thế được con người. “Chúng ta nên tận dụng sự nhanh chóng của công nghệ giúp hỗ trợ công việc, hoạt động biên tập và xử lý nội dung vẫn cần con người thực hiện”, bà Nga cho biết.
Đánh giá về cơ hội nghề nghiệp sau khi học ngành ngôn ngữ Anh, bà Nga cho rằng trong thời gian tới ngành dịch thuật vẫn sẽ phát triển và nở rộ. Hiện nay, các em sau khi ra trường có kiến thức, năng lực về ngoại ngữ có rất nhiều cơ hội việc làm. Nhiều công việc cho các em lựa chọn như dịch thuật tại các công ty hoặc cơ quan báo chí, giáo viên, tham gia các hoạt động văn hoá, du lịch, quảng cáo với mức lương cao và ổn định.