Kho báu hồ Toplitz là một trong những bí ẩn lớn nhất liên quan đến Đức Quốc Xã.
Trong hàng chục năm, nhiều người đã đã lặn xuống hồ Toplitz để săn tìm kho báu và có không ít người đã vĩnh viễn không thể trở về. Điều này cũng thêu dệt câu chuyện về kho báu bí ẩn.
Hồ Toplitz nằm ở độ cao 760 mét so với mực nước biển và nằm trong một thung lũng hẹp, dốc được bao phủ bởi khu rừng rậm rạp. Chỉ có một con đường đất dài hàng km dẫn đến khu vực hồ nước.
Hồ dài gần 2.000m, có chiều rộng từ 150 - 300m. Ở một số nơi, hồ sâu tới 100 mét. Nhưng chỉ khoảng 18 mét tính từ mặt nước là nước ngọt. Dưới độ sâu này, hồ chứa toàn nước mặn và gần như không có oxy. Điều này có nghĩa là các sinh vật không thể sống sót ở độ sâu hơn 18 mét và bất cứ thứ gì rơi xuống hồ sẽ không bao giờ thối rữa hay bị phân hủy. Qua nhiều năm, cây cối và cành cây từ các sườn đồi xung quanh đã đổ xuống hồ, tạo thành một rào cản tự nhiên.
Trong giai đoạn năm 1944 - 1945, hải quân Đức đã thành lập một trạm thử nghiệm nhỏ ở khu vực bờ hồ. Ngư lôi và các loại vũ khí khác đã được thử nghiệm ở đó. Tuy nhiên, phải đến sau khi chiến tranh kết thúc, hồ này mới được biết đến rộng rãi.
Hồ Toplitz được cho là nơi Đức Quốc Xã cất giấu kho báu.
Các ngân hàng ở Áo bất ngờ khi có nhiều người dân địa phương tới đổi tiền giấy của Anh. Người dân nói họ vớt được tiền từ hồ Toplitz.
Cuộc điều tra của chính phủ Áo sau Thế chiến 2 đi đến kết luận, những tờ tiền này là tiền giả chất lượng cao, được Đức Quốc xã sản xuất hàng loạt trong Chiến dịch Bernhard. Mục đích nhằm bơm tiền giả vào thị trường, gây bất ổn cho nền kinh tế Vương quốc Anh.
Chiến dịch chưa bao giờ diễn ra nhưng một lượng lớn tiền giả bằng một cách nào đó đã xuất hiện ở hồ Toplitz. Tháng 1/1945, khi Thế chiến 2 đang ở giai đoạn cuối, trùm phát xít Adolf Hilter đã ra lệnh vận chuyển vàng bạc, trang sức, đá quý, các tác phẩm nghệ thuật và các hiện vật có giá trị ở nước ngoài tới nơi an toàn hơn. Việc phát hiện các tờ tiền giả dấy lên đồn đoán rằng có kho báu ẩn dưới đáy hồ Toplitz, theo War History Online.
Kết thúc chiến tranh, quân Đồng minh đã mở chiến dịch truy tìm kho báu, tài sản mà Đức Quốc xã che giấu sau. Ít nhất một phần kho báu được cho là nằm dưới đáy hồ Toplitz.
Một số người dân địa phương kể với quân Đồng minh rằng họ đã nhìn thấy các đoàn xe tải hạng nặng, được lực lượng SS của Đức Quốc xã hộ tống tới hồ Toplitz vào đầu năm 1945.
Năm 1947, một đội thợ lặn của Hải quân Mỹ đã được cử đến hồ. Cuộc tìm kiếm diễn ra rất khó khăn và nguy hiểm khiến một thợ lặn chết đuối và hải quân Mỹ cuối cùng từ bỏ nỗ lực.
Năm 1950, một kỹ sư người Đức tên Keller đến khu vực hồ với lý do để leo núi. Keller thuê một hướng dẫn viên địa phương tên Gert Gerens nhưng người này chết trong một tai nạn leo núi ngay sau đó. Gia đình Gerens điều tra và phát hiện ra Keller từng làm việc trong thời chiến tại trạm thử nghiệm ở hồ Toplitz.
Ảnh minh họa bhững thỏi vàng.
Năm 1959, tạp chí Der Stern ở Tây Đức đã tài trợ cho một cuộc thám hiểm đáy hồ Toplitz. Một nhóm thợ lặn Đức đã dành gần 5 tuần ở khu vực hồ và vớt được 15 hộp kim loại và hộp gỗ được tìm thấy chứa những tờ tiền giả của Anh với trị giá lên tới hàng triệu bảng.
Nhóm thợ lặn cũng tìm thấy các tài liệu từ Văn phòng An ninh của Đức Quốc xã, cơ quan từng nằm dưới sự kiểm soát của Heinrich Himmler trong Thế chiến 2. Có tin đồn rằng các thợ lặn đã nhìn thấy nhiều chiếc hộp khác nhưng đã được yêu cầu để yên tại chỗ.
Câu chuyện này đã một lần nữa làm dấy lên hi vọng về kho báu dưới đáy hồ Toplitz. Năm 1983, giáo sư Hans Fricke, nhà sinh vật học người Đức, được chính phủ Áo cho phép lặn xuống hồ. Ý định của ông là nghiên cứu hệ thực vật và động vật ở đó bằng tàu lặn.
Khi tàu lặn xuyên qua lớp cây cối rậm rạp, Fricke nhận thấy lòng hồ rải rác các mảnh vỡ vũ khí, gồm các bộ phận của ngư lôi, phần còn lại của thủy phi cơ và thậm chí cả tên lửa được thiết kế để phóng từ tàu ngầm U-boat. Fricke cũng tìm thấy một cuộn tiền lớn là tiền giả của Anh. Ông cũng thấy nhiều chiếc hộp dưới đáy hồ nhưng để nguyên mà không trục vớt.
Trong một chuyến thám hiểm của Giáo sư Hans Fricke năm 1985, camera ghi lại hình ảnh về một lối vào hầm ngầm dưới nước. Lối vào này chưa bao giờ được khám phá cho đến nay.
Cảnh sát Áo được cho là đã thẩm vấn một người đàn ông địa phương. Người này nói đã giúp phát xít Đức đưa những chiếc hộp vào một hệ thống hang động ngầm. Các tài liệu lịch sử chép về việc phát xít Đức từng rút nước tới 1,5 mét ở hồ Toplitz để đào đường hầm.
Giáo sư Fricke cũng tìm được một chiếc hộp có dòng chữ bằng tiếng Nga. Điều này dẫn đến đồn đoán rằng có kho báu giá trị của Liên Xô dưới hồ.
Số vàng được Đức Quốc Xã cất giấu ở mỏ muối Merkers, Đức.
Năm 2000, đài CBS của Mỹ đồng tài trợ chuyến thám hiểm hồ Toplitz của Oceaneering Technologies, công ty sau này từng trục vớt các hiện vật từ tàu Titanic.
Đoàn thám hiểm đã trải qua mùa hè năm 2000 và 2001 tại hồ với một tàu ngầm mini có khả năng hoạt động dưới nước trong 72 giờ. Những gì đoàn thám hiểm tìm thấy vẫn còn gây tranh cãi.
Theo thông tin chính thức, hai cuộc thám hiểm do CBS tài trợ không tìm thấy gì hơn những hòm chứa tiền giả và một chiếc hộp chứa đầy nắp chai bia cùng một tờ giấy ghi dòng chữ “Xin lỗi, không phải lần này”. Đây dường như là chiếc hộp do ai đó ném xuống hồ nhằm mục đích chơi khăm.
Tuy nhiên, có một số nhân chứng có mặt ở hồ khi đoàn thám tìm kiếm. Họ nói về việc nhìn thấy những chiếc hộp kim loại cỡ lớn được vớt lên từ đáy hồ và được đưa lên xe bọc thép với sự giám sát an ninh nghiêm ngặt.
Liệu thực sự có kho báu dưới hồ Toplitz hay không? Theo War History Online, việc có những hòm chứa tiền giả nằm dưới đáy hồ cho thấy phát xít Đức thực sự đã ném các đồ vật có giá trị xuống hồ.
Nhưng chưa từng có ai đăng hình ảnh về kho báu vớt lên từ dưới hồ. Nhiều người tin rằng, nếu có kho báu chứa vàng bạc ở hồ Toplitz thì nó đã bị âm thầm lấy đi từ lâu, theo War History Online.
__________________________________
Trong quá trình khám phá Nam Mỹ đầy hoang sơ và bí ẩn giai đoạn thế kỷ 16, người châu Âu từng truyền tai nhau về một vương quốc sở hữu kho báu khổng lồ và vị vua vương quốc này khi lên ngôi được phủ vàng kín người. Cuộc tìm kiếm kho báu diễn ra sao và liệu kho báu có được tìm thấy? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 3 xuất bản 10h ngày 13/2.
Đăng Nguyễn - Tổng hợp