Sáng 6/9, TAND Tp.Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Hoàng Văn Cường (SN 1960, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) là Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng thương mại Cường Thịnh về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Cường được xác định đã chiếm đoạt hơn 46 tỷ đồng qua hình thức “hợp đồng vay vốn”.
Theo cáo trạng, Công ty cổ phần sàn bất động sản Việt Nam thành lập từ tháng 4/2008 đến tháng 3/2009. Khi đó, Lê Hồng Bàng (SN 1976) là Tổng Giám đốc công ty và các cổ đông sáng lập đều không có vốn để góp hoạt động kinh doanh.
Công ty cổ phần sàn bất động sản Việt Nam không có hoạt động kinh doanh, không báo cáo tài chính. Từ khi thành lập đến tháng 3/2009, công ty không có tiền, không có tài sản.
Giống như Công ty cổ phần sàn bất động sản Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Hoàng Hà (viết tắt là Công ty Hoàng Hà) do Hà Tuấn Linh (SN 1966, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm giám đốc. Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng thương mại Cường Thịnh (viết tắt là Công ty Cường Thịnh) do bị cáo Hoàng Văn Cường làm giám đốc cũng không có khả năng tài chính, không có đủ điều kiện và đăng ký kinh doanh đầu tư tạo lập nhà, công trình xây dựng để kinh doanh như quy định.
Tuy nhiên, từ tháng 12/2008 đến tháng 7/2009, Lê Hồng Bàng, Hà Tuấn Linh và Hoàng Văn Cường đã ký 4 hợp đồng liên doanh đầu tư và kinh doanh các dự án nhà ở gồm: Dự án 683, Dự án Lộc Hòa, Dự án Cửu Long và Dự án Phương Đông, trên địa bàn xã Minh Khai, huyện Từ Liêm (cũ), nay là phường Minh Khai, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Cả 4 dự án trên đều chưa được UBND Tp.Hà Nội duyệt quy hoạch, chưa được chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở, chưa phê duyệt chủ đầu tư và chưa có quyết định phê duyệt giao đất làm dự án xây dựng nhà ở… Bốn dự án cũng chưa có cơ sở pháp lý để hình thành.
Lê Hồng Bàng, Hà Tuấn Linh và Hoàng Văn Cường đều biết rõ, cả ba công ty do họ đứng tên làm giám đốc đều không có chức năng kinh doanh dự án, không có khả năng về tài chính để đảm bảo thực hiện các dự án. Nhưng Lê Hồng Bàng, Hà Tuấn Linh và Hoàng Văn Cường đã dùng thủ đoạn gian dối, tạo dựng nên các hồ sơ pháp lý giả của các dự án và ký các hợp đồng liên doanh để tạo dựng tên của các dự án; thuê làm các bản vẽ thiết kế dự án để phân lô và ghi rõ chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần sàn bất động sản Việt Nam, Công ty Cường Thịnh, Công ty Hồng Hà với mục đích quảng bá, giới thiệu với mọi người.
Ngoài ra, Lê Hồng Bàng, Hà Tuấn Linh và Hoàng Văn Cường còn mua đất nông nghiệp của một số hộ dân rồi san lấp mặt bằng trái phép, để mọi người tin tưởng dự án là có thật và đang được triển khai thi công. Từ đó, những người có nhu cầu mua nhà đã nộp tiền dưới hình thức “hợp đồng vay vốn”, “đặt cọc” để đăng ký mua căn hộ mà thực chất là mua bán lô đất.
Với thủ đoạn trên, từ tháng 3 đến tháng 7/2009, Lê Hồng Bàng đã ký kết 758 hợp đồng vay vốn với 397 người có nhu cầu đăng ký mua căn hộ và chiếm đoạt được hơn 347 tỷ đồng. Tháng 8/2018, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên phạt Lê Hồng Bàng tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thời điểm đó, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với Hoàng Văn Cường và Hà Tuấn Linh về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm với Lê Hồng Bàng. Nhưng Hoàng Văn Cường và Hà Tuấn Linh đã bỏ trốn.
Tháng 10/2021, Hoàng Văn Cường đã đến Cơ quan điều tra Công an Tp.Hà Nội tự thú.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định, Hoàng Văn Cường đã cùng Lê Hồng Bàng tạo dựng hai dự án là Khu nhà ở 683 và Dự án Lộc Hòa. Hoàng Văn Cường biết rõ các dự án này không có thật, Công ty cổ phần sàn bất động sản Việt Nam và Công ty Cường Thịnh cũng chưa được giao đất mà chỉ là mua đất nông nghiệp, nhưng vẫn triển khai lập dự án và cùng Lê Hồng Bàng đưa ra thông tin không có thật để giới thiệu rồi thu tiền bán căn hộ dưới hình thức ký hợp đồng vay vốn. Sau đó, Lê Hồng Bàng đã chuyển cho Hoàng Văn Cường 2,5 tỷ đồng. Cường đã dùng số tiền này sử dụng vào hoạt động, chi phí của công ty.
Ngoài ra, từ tháng 6 đến tháng 7/2009, Hoàng Văn Cường với tư cách là Giám đốc Công ty Cường Thịnh đã ký 36 phiếu thu tiền của 25 khách hàng có nhu cầu mua đất qua hình thức “hợp đồng vay vốn”, sau đó chiếm đoạt với tổng số tiền là hơn 46 tỷ đồng.
Quá trình xét xử, do bị hại xuất trình thêm chứng cứ mới liên quan đến vụ án, Hội đồng xét xử nhận thấy, cần xem xét, đánh giá các chứng cứ mới nên quyết định hoãn phiên tòa.
Han (t/h từ Công an nhân dân, Pháp luật Tp.HCM)