Một chiếc lông vũ quý hiếm và được đánh giá cao từ loài chim huia đã tuyệt chủng ở New Zealand đã được bán với giá 46.521 đô la New Zealand (725 triệu đồng), khiến nó trở thành chiếc lông vũ đắt nhất thế giới từng được bán đấu giá cho đến nay.
Giá bán vượt xa ước tính ban đầu từ 2.000 đến 3.000 USD, và thổi bay giá của người giữ kỷ lục trước đó. Đợt bán kỷ lục trước đó là vào năm 2010, một chiếc lông huia được bán với giá 8.400 USD.
Theo số liệu mới nhất của Gold Broker, chiếc lông vũ này nặng khoảng 9 gram, khiến nó có giá trị hơn vàng rất nhiều.
Huia là loài chim lớn nhất trong số các loài chim chích ở New Zealand, được biết đến với giọng hót hay, bộ lông bóng loáng chủ yếu là màu đen và lông đuôi dài pha chút màu trắng. Lần nhìn thấy huia cuối cùng được xác nhận là vào năm 1907, mặc dù người ta tin rằng chúng vẫn còn sống cho đến những năm 1920.
Lông của chúng rất quan trọng đối với người Maori và thường được các tù trưởng và gia đình họ đội làm mũ đội đầu, đồng thời cũng được tặng hoặc trao đổi. Khi người châu Âu đến New Zealand, loài chim này vốn đã rất hiếm, nhưng cơn sốt lông vũ của người châu Âu sau đó đã khiến chúng bị tuyệt chủng.
Leah Morris, người đứng đầu bộ phận nghệ thuật trang trí tại nhà đấu giá Webb có trụ sở tại Auckland, nơi chiếc lông vũ được bán hôm thứ Hai, tin rằng tình trạng tuyệt vời của chiếc lông vũ đơn lẻ, những nỗ lực bảo vệ chiếc lông vũ bằng giấy lưu trữ và kính UV, cũng như câu chuyện về huia, đã đẩy giá thầu lên cao.
Cô nói với Guardian: "Huia là một loài chim mang tính biểu tượng và rất nhiều người thực sự có liên quan đến loài chim này theo một cách nào đó. Mẫu vật này là một trong những chiếc lông huia tốt nhất được tung ra thị trường. Bạn cũng sẽ thấy nó vẫn giữ được nhiều màu sắc… màu nâu đậm và óng ánh và không có dấu hiệu bị côn trùng phá hại".
Chiếc lông vũ đã được đăng ký là taonga tūturu (báu vật đích thực) với Bộ Văn hóa và Di sản, nghĩa là chỉ nhà sưu tập “taonga tūturu” đã đăng ký mới có thể mua chiếc lông vũ và chiếc lông vũ không thể rời khỏi New Zealand nếu không được phép.
Có rất ít thông tin chi tiết về nguồn gốc của chiếc lông vũ và Morris không thể tiết lộ thông tin về người bán hoặc người mua do các thỏa thuận bảo mật. Nhưng cô cho biết họ đều là những nhà sưu tập đã đăng ký và có trụ sở tại New Zealand. Không có đấu thầu quốc tế.
Khoảng 30 người có mặt tại cuộc đấu giá, tuy nhiên tất cả việc đấu giá đều được thực hiện qua điện thoại hoặc trực tuyến.
Hải Vân (Theo The Guardian)