Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được thảo luận tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 4 dự kiến diễn ra từ ngày 28 đến ngày 30/8/2023. Cùng với đó, dự kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ thông qua dự thảo Luật này.
Trước những vấn đề còn ý kiến khác nhau, trao đổi với Người Đưa Tin ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, bên cạnh những nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý sửa đổi đến thời điểm này, Luật Đất đai sửa đổi vẫn còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau như: Giá đất, thu hồi đất, chuyển đổi mục đích thu hồi đất, tái định cư…
Về vấn đề giá đất, đại biểu Hòa cho hay, đây là vấn đề rất quan trọng, trọng tâm là giá đất tính theo giá thị trường. “Giá đất theo giá thị trường là phù hợp nhưng tính thế nào cho hợp lý mới là điều quan trọng. Tôi cho rằng, cần phải có hướng dẫn, Nghị định cụ thể sau khi định giá đất theo giá thị trường”, đại biểu đoàn Đồng Tháp chia sẻ.
Thêm một vấn đề đại biểu quan tâm tại dự án Luật này đó là tích tụ ruộng đất cho những người không trực tiếp lao động, trực tiếp sản xuất làm nông nghiệp. Theo ông Hòa, đây cũng là vấn đề cần quan tâm, nhất là những người không trực tiếp sản xuất được mua đất để cho thuê, mướn gây khó khăn trong sản xuất, cần phải xem xét lại.
Ngoài ra, trong việc chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Hòa cũng đề nghị quan tâm đến vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa…
Về tái định cư cho người dân, theo ông Hòa, nơi tái định cư phải bảo đảm như trong quy định, hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đồng bộ theo quy hoạch chi tiết và có cấp thẩm quyền phê duyệt, quy định như vậy sẽ phù hợp.
Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ mục đích quốc phòng - an ninh, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Ông Hòa cho rằng đây là vấn đề cần thiết nhưng đề nghị cần tách bạch rõ ràng việc thu hồi đất phục vụ quốc phòng - an ninh, phục vụ an sinh xã hội, công cộng với thu hồi đất các dự án thương mại, khu đô thị mới.
Với các dự án này, nhà đầu tư phải có sự thỏa thuận với người dân sao cho phù hợp. Nhà nước không nên thu hồi đất với các dự án nhà ở thương mại. Đồng thời, cần có quy định cụ thể để xác định các trường hợp thu hồi đất sao cho rõ ràng.
Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần rà soát các quy định để tránh trùng lặp, chồng chéo với các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh những vấn đề còn băn khoăn nêu trên, ông Hòa cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai lần này đã tương đối hoàn chỉnh, ông kỳ vọng dự thảo Luật sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Trước đó, ngày 21/6, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, làm rõ, minh bạch nguyên tắc thị trường để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và người nhà đầu tư.
Về phương pháp định giá đất, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị tiếp tục đánh giá để quy định cho hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất vì hiện nay trong 4 phương pháp theo quy định hiện hành có vướng mắc, khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện.
Cùng phát biểu ý kiến về nguyên tắc xác định giá đất, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho biết, quy định trong dự thảo luật chưa đủ điều kiện để thực hiện xác định giá đất trong đời sống thực tế. Cơ sở để xác định giá đất tiệm cận với giá thị trường vẫn là điều mơ hồ.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất theo giá thị trường, bảo đảm rõ ràng, thể chế hóa đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của Nghị quyết 18.
56 đại biểu phát biểu và 6 đại biểu tranh luận
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội dành cả ngày làm việc tại hội trường, thảo luận về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận đã có 56 đại biểu phát biểu, 6 đại biểu tranh luận, trong đó đa số các ý kiến đại biểu đánh giá việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tổ chức chu đáo, hiệu quả; cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, tổng hợp, tiếp thu, giải trình nghiêm túc; các đại biểu cũng cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: tính khả thi của các quy định nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý, sử dụng đất, nhất là 8 nhóm vấn đề trọng tâm đặt ra trong Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; tính đồng bộ, thống nhất với các luật khác;
Tính phù hợp, khả thi của các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; cơ chế xác định giá đất; cơ chế, chính sách tài chính về đất đai; cơ chế, chính sách thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.….