Đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp vẫn khó khăn
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 29/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024; và nhiều nội dung quan trọng khác. Tại phiên thảo luận, các đại biểu dành nhiều ý kiến quan tâm đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới, ĐBQH Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, sau một thời gian triển khai chương trình, giáo viên và học sinh đánh giá đây là một chương trình có nhiều tính ưu việt so với chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Các giáo viên đều cho rằng, chương trình giáo dục lần này đã thể hiện được tính toàn diện, cơ bản, thiết thực, hiện đại, đảm bảo giáo dục đức, thể, mỹ, chú trọng thực hành và vận dụng kiến thức vào cuộc sống, phát huy vai trò chủ động và tiềm năng của học sinh.
Tuy nhiên, ông Gia cho biết, sau một thời gian thực hiện, chương trình vẫn còn một số bất cập về trang thiết bị, cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học. Quá trình triển khai chương trình này, ngân sách Trung ương không bố trí mua sắm, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, mà giao cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, ngân sách địa phương rất khó khăn, cùng với những vướng mắc trong thủ tục đấu thầu, mua sắm đầu tư công.
Cho đến nay, nhiều thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn chưa được đầu tư thỏa đáng, ảnh hưởng đến chất lượng của chương trình.
Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên còn nhiều khó khăn. Cho dù ngành giáo dục đã nỗ lực rất lớn trong việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên khi triển khai chương trình, tuy nhiên, đối với các môn giáo dục tích hợp và giáo dục tự chọn, nội dung này còn rất khó khăn.
Đối với giáo viên hiện có, khó khăn trước hết về thời gian, kinh phí cũng như không đủ năng lực để tiếp nhận một lượng kiến thức mới và rộng để chỉ trong một thời gian ngắn mà đủ điều kiện dạy các chương trình này.
"Đối với các cơ sở đào tạo sư phạm, đến nay, đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp vẫn khó khăn. Cho nên, cơ bản các cơ sở giáo dục vẫn chia lẻ môn tích hợp để dạy riêng như chương trình 2006. Đối với các môn tự chọn, môn năng khiếu... có những môn nhiều học sinh lựa chọn nhưng lại không có giáo viên hoặc ít giáo viên, không đủ để giảng dạy hoặc có những môn có giáo viên nhưng không có học sinh đăng ký”, ông Gia nêu những khó khăn, bất cập.
Thêm một vấn đề được đại biểu đề cập đó là ở bậc tiểu học: “Thời gian gần đây, số lượng học sinh vào tiểu học rất lớn, cùng với việc biên chế một lớp học ở khối tiểu học chỉ 35 học sinh/lớp, trong khi khối trung học cơ sở và trung học phổ thông là 45 học sinh/lớp. Trong khi việc tuyển dụng rất khó khăn, đặc biệt là giáo viên môn Tin học và Ngoại ngữ, đây cũng là một khó khăn trong giáo dục tiểu học ở nhiều địa phương”.
Ngoài ra, ông cũng nêu quan điểm đối với việc quản lý dạy thêm, học thêm. Theo ông, việc dạy thêm, học thêm cũng là một nhu cầu khách quan của xã hội, nếu được quản lý, hướng dẫn tổ chức một cách có hiệu quả.
Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn, quản lý, tổ chức dạy thêm, học thêm, đặc biệt là dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường hiện nay còn rất hạn chế. Do đó, vẫn còn một số trường hợp lạm dụng, dẫn đến ảnh hưởng đến uy tín của ngành.
"Tôi nghĩ rằng, đối với vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường”, ông Gia nêu ý kiến.
Vị đại biểu cho biết, những nội dung này đã được phản ánh trong Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa khắc phục hoặc khắc phục còn rất hạn chế. Do vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ và cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng với ngành giáo dục cần phải vào cuộc để khắc phục những vấn đề này.
Đề nghị bổ sung dự án Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng Luật
Tham gia nêu ý kiến, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) cho biết, hệ thống giáo dục nghề nghiệp với sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, góp phần tăng năng suất lao động, thúc đẩy tiến trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp giữ vai trò nòng cốt, có tính chất đột phá quyết định sự thành công của sự nghiệp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, được nhấn mạnh tại văn kiện đại hội Đảng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng vẫn còn nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; chưa chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực để đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút đội ngũ những người có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề cao.
Bà Dung cho rằng bất cập nêu trên đang làm ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và thị trường lao động.
Đại biểu đề nghị Quốc hội đồng ý cho xây dựng Luật Nhà giáo và bổ sung dự án Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024. Trong đó, quy định đầy đủ các nội dung nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp trong thời kỳ mới.
Đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Chỉ thị 21 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chiến lược, Quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển đội ngũ và triển khai các bộ công cụ, chỉ số đo lường, đánh giá chất lượng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp phục vụ thống kê, dự báo nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng.
Bố trí và sử dụng hợp lý, hiệu quả đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp và quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp.