Điều chỉnh Khung trình độ quốc gia Việt Nam phù hợp với chuẩn quốc tế

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Thứ 3, 11/06/2024 16:31

Việc điều chỉnh nhằm tạo điều kiện công nhận bằng cấp và hỗ trợ khả năng di chuyển quốc tế cho sinh viên, người lao động trong thời gian tới.

Tọa đàm xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam đã được diễn ra sáng nay (11/6).

Phát biểu mở đầu tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết theo Chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT được giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo Quyết định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

“Đây là cơ hội để chúng ta rà soát lại, đánh giá từ thực tiễn, từ các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là trong quy định của Luật, xem những gì còn bất cập cần sửa đổi cho phù hợp”, Thứ trưởng nhấn mạnh, đồng thời lưu ý việc sửa đổi phải bảo đảm tính liên thông trong hệ thống cũng như tương thích với các chuẩn khu vực và thế giới.

Báo cáo về sự cần thiết phải sửa đổi Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Khung trình độ quốc gia Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Thu Thủy phát biểu Quyết định số 1981 phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đang quy định về tiêu chuẩn đầu vào, thời gian học tập và cơ hội học tập tiếp tục của các cấp học và trình độ đào tạo thuộc giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục.

Giáo dục - Điều chỉnh Khung trình độ quốc gia Việt Nam phù hợp với chuẩn quốc tế

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Thu Thủy.

Tuy nhiên, một số thành tố trong Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay thiếu tính hội nhập, thiếu tính thống nhất, thiếu tính liên thông và chưa hỗ trợ được tốt cho việc phân luồng giáo dục sau THCS.

Bên cạnh đó, thiết kế Khung trình độ quốc gia Việt Nam cần phù hợp với các khung và tiêu chuẩn trình độ quốc tế nhằm tạo điều kiện công nhận bằng cấp và hỗ trợ khả năng di chuyển quốc tế cho sinh viên, người lao động; cần đảm bảo áp dụng nhất quán trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo khác nhau và đảm bảo sự tham gia các bên liên quan trong thúc đẩy các cơ chế bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Các cơ sở giáo dục đại học đều thực hiện tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam khi xây dựng các chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo, nhưng còn thiếu kết nối với đáp ứng kỹ năng làm việc từ thị trường lao động.

Các điều kiện bảo đảm chất lượng cũng cần rà soát, chuẩn hóa, và quản lý, giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giúp công nhận các trình độ đào tạo với các nước trong ASEAN.

Với khung trình độ quốc gia Việt Nam, Ban soạn thảo đề xuất phân loại, chuẩn hóa năng lực, khối lượng học tập tối thiểu và văn bằng, chứng chỉ phù hợp với các trình độ của hệ thống giáo dục quốc dân.

Đồng thời, thiết lập cơ chế kết nối hiệu quả giữa yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực của bên sử dụng lao động với hệ thống các trình độ đào tạo. Làm cơ sở để xây dựng chuẩn chương trình đào tạo, xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực. Tạo cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Cùng với đó, thiết lập mối quan hệ với tham chiếu khung trình độ quốc gia (NQFs) của các nước ASEAN thông qua các khung tham chiếu trình độ khu vực và quốc tế làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ.

Giáo dục - Điều chỉnh Khung trình độ quốc gia Việt Nam phù hợp với chuẩn quốc tế (Hình 2).

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại sự kiện.

Cảm ơn ý kiến, đóng góp của các chuyên gia, đại biểu tham dự buổi tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh đây là một việc làm khó và phức tạp, đòi hỏi sự thống nhất cao của các bên liên quan, cần có những bước đi ngắn hạn cũng như dài hạn để khắc phục những bất cập và hoàn thiện diện mạo mới của Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Thứ trưởng lưu ý, để thực hiện tốt hơn nữa, Ban soạn thảo cần có cách tiếp cận, xác định rõ mục đích của Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam, trên cơ sở đó đề ra những nguyên tắc, lắng nghe ý kiến của các Bộ ngành liên quan từ thực tiễn đã qua, xu thế tương lai, pháp luật, đối sánh quốc tế.

Cùng với đó yêu cầu ban soạn thảo tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý để trước mắt hoàn thành báo cáo đánh giá, từ đó xây dựng các dự thảo một cách chất lượng.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành họp các chuyên gia, ban soạn thảo, tổ biên tập cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo quyết định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và ký ban hành quyết định.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.