Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, khu vực và thế giới
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam, 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam ước đạt 7,75 triệu tấn về sản lượng và 4,41 tỷ USD về giá trị, tăng tương ứng 16,2% và 36,3% so với cùng kỳ năm 2022, ước đến cuối năm 2023 đạt 5 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng ước đạt 568 USD/tấn, tăng 17,3% so với cùng kỳ.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, đối với Việt Nam, lúa gạo ngoài việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia còn có vai trò đảm bảo an ninh lương thực cho khu vực và thế giới.
“Thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế đã và đang mang lại nguồn thu giúp cải thiện đời sống của người nông dân Việt Nam, góp phần vào an sinh, ổn định xã hội", ông Nam nói.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường - cho biết, thị trường số 1 của Việt Nam tiếp tục là Philippines, hiện chiếm khoảng 35% thị phần gạo Việt Nam xuất khẩu. Trong 11 tháng đầu năm 2023, lượng gạo xuất khẩu sang quốc gia này đạt 2,63 triệu tấn, tương ứng 1,41 tỷ USD. Xếp sau là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi, thông tin trên Lao Động.
Sau khoảng một tuần đi ngang, hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trở lại
Báo Hà Nội Mới dẫn nguồn Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Ngày 20/12, gạo 5% tấm được điều chỉnh tăng 5 USD/tấn, lên 663 USD/tấn sau khi giảm vào tuần trước. Các loại gạo 25% tấm và 100% tấm vẫn giữ vững giá ở mức cao.
Chia sẻ về giá gạo xuất khẩu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hà Nam cho hay, những năm qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam diễn biến tương đối phức tạp song theo chiều hướng tích cực. Cụ thể, đầu năm 2021, giá gạo đạt ngưỡng 550 USD/tấn, đến khoảng giữa năm 2022, con số này giảm xuống sát 460 USD/tấn, sau đó tăng cao đột biến trong năm 2023.
Cụ thể, tháng 10/2023, giá xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 640 USD/tấn, trở thành con số lịch sử; đến ngày 19-12, giá xuất khẩu gạo 5% tấm lại lập kỷ lục khi đạt mức 663 USD/tấn.
Nguyên nhân về giá gạo xuất khẩu tăng được các chuyên gia nhận định là do nhu cầu lương thực tăng mạnh bởi xung đột giữa một số quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, nhiều quốc gia xuất khẩu gạo lớn cũng ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nên lượng xuất khẩu giảm. Điều này thúc đẩy giá gạo Việt Nam lên cao.
Theo các chuyên gia Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), gạo là nguồn lương thực chính đối với hơn 3,5 tỷ người và cung cấp khoảng 20% nguồn cung năng lượng trong bữa ăn toàn cầu.
Thời gian qua, tình hình thế giới biến động mạnh mẽ với những xung đột chính trị cùng biến đổi khí hậu... khiến nguồn cung mặt hàng này bị ảnh hưởng. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo cuối năm 2023 và 2024 được dự báo tiếp tục tăng.
Theo số liệu trên báo Hà Nội Mới, khảo sát cụ thể tại châu Á, thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo nhiều nhất hiện nay là Indonesia, Philippines, Malaysia. Trong bối cảnh Ấn Độ chưa nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thông dụng đến hết năm 2024 thì thị trường trước mùa Giáng sinh và trước tháng Ramadan (tháng chay của người Hồi giáo) sẽ thúc đẩy nhu cầu về gạo ở các nước châu Á.
Trong khi đó tại châu Âu, dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều quốc gia cũng gia tăng lớn thời gian tới. Ngoài ra, thị trường châu Phi cũng dự báo sẽ tăng vào cuối năm 2023, nửa đầu năm 2024.
Lúa gạo đang đón "làn sóng" mới về tăng trưởng
Nhận định từ nay đến năm 2024, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, ngành lúa gạo đang đón "làn sóng" mới về tăng trưởng, tuy nhiên, cơ hội luôn đi cùng thách thức. Để duy trì tăng trưởng bền vững, ngành lúa gạo cần tiếp tục cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị; bảo đảm gia tăng về giá trị hơn số lượng.
Cùng với quy hoạch vùng, giám sát trong sản xuất thì các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân cần đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại... nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030.
Đặc biệt về thị trường, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, tham tán, đại sứ quán các nước để nghiên cứu, chia sẻ thông tin thị trường; đưa ra đánh giá, dự báo dài hạn về nhu cầu, thị hiếu để có định hướng sản xuất. Về nguồn vốn, Bộ cùng các bộ, ngành đề nghị Ngân hàng Nhà nước bảo đảm nguồn tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, giúp các chuỗi liên kết phát triển bền vững...
Để gạo Việt Nam đứng trước thời cơ lớn, trước đó nước ta đề xuất thí điểm thành lập liên đoàn lúa gạo vùng ĐBSCL, thành lập Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã cho thấy những nỗ lực của các bên trong hành trình tiến tới chuẩn hóa và chuyên nghiệp hóa chuỗi giá trị lúa gạo, để đón đầu cơ hội năm 2024. Bộ NN&PTNT cũng dự kiến thành lập Ban chỉ đạo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp ngay trong tháng này.
Đầu tháng 1 năm sau, Bộ sẽ triển khai hướng dẫn 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về kỹ thuật, chủ trương đầu tư cho đề án phù hợp với từng địa phương; tập trung các nhiệm vụ trước mắt như nghiên cứu thí điểm mua bán tín chỉ carbon từ lúa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông, logistics phục vụ đề án, đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu và thấy được lợi ích đề án mang lại.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp tham gia đề án.
Theo tính toán, mỗi năm Việt Nam còn dư khoảng 13 - 14 triệu tấn lúa, tương đương hơn 7 triệu tấn gạo. Do đó, ngành nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các quốc gia để ký các bản ghi nhớ về cung cấp lúa gạo trong thời gian dài. Việc đặt hàng trước bằng biên bản ghi nhớ sẽ giúp Việt Nam có thêm động lực để xây dựng những vùng nguyên liệu chuyên canh phục vụ xuất khẩu.
Trúc Chi (t/h)