Giá cà phê rục rịch tăng: Cơ hội và thách thức với cà phê Việt Nam

Giá cà phê rục rịch tăng: Cơ hội và thách thức với cà phê Việt Nam

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Thứ 3, 25/04/2023 19:30

Bên cạnh những triển vọng tính cực, cà phê Việt Nam đối mặt với không ít thách thức. Ngành này cần chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và bền vững.

Giá cà phê tăng

Giá cà phê trong nước ngày 25/4 tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên tăng 100 đồng/kg. Cụ thể, giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng hiện ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà được thu mua với giá từ 50.400 – 50.500 đồng/kg. Giá cà phê tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum và tỉnh Đắk Nông, ở mức giá 50.900 đồng/kg. Giá cà phê hôm nay tại tỉnh Đắk Lắk đi ngang, tại huyện Cư M'gar giá cà phê hiện ở mức 50.900 đồng/kg. Còn tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 51.000 đồng/kg.

Thông tin trên Công Thương, đối với giá cà phê thế giới, giá cà phê Robusta trên sàn London ở phiên giao dịch gần nhất dao động từ 2.325 – 2.474 USD/tấn, tùy kỳ hạn giao hàng. Cụ thể, cà phê giao hàng kỳ hạn tháng 5/2023 đạt 2.474 USD/tấn. Đối với kỳ hạn giao tháng 7/2023 có giá 2.390 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 9/2023 đạt 2.360 USD/tấn và cà phê giao kỳ hạn tháng 11/2023 đạt 2.322 USD/tấn.

Đối với cà phê Arabica trên sàn New York, giá cà phê ở phiên giao dịch gần nhất dao động từ 185,85 – 191,79 cent/lb. Trong đó, giá cà phê giao tháng 7/2023 đạt 191,55 cent/lb; cà phê giao tháng 9/2023 đạt 188,6 cent/lb; cà phê giao tháng 12/2023 đạt 186,25 cent/lb. Sàn New York mở đơn nhận giao cà phê tháng 3/2024 với mức 185,79 cent/lb.

Theo các chuyên gia, ở tuần này, cần cẩn trọng với giá cà phê Robusta khi đã tăng liên tục và tăng mạnh trong nhiều tuần liên tiếp. Giá cà phê Arabica trong tuần này cũng đối mặt với áp lực để giữ giá ổn định khi tâm lý lo ngại về suy thoái kinh tế trên thế giới ngày một lớn hơn thể hiện qua sự thiếu ổn định của các sàn giao dịch chứng khoán, hàng hóa trong thời gian gần đây.

Dự báo tốc độ tăng giá cà phê thế giới sẽ chậm lại. Lo ngại lạm phát ở EU và lãi suất ở Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng khiến mức tiêu thụ cà phê sẽ không còn chắc chắn.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam có thể tận dụng tình hình giá cả đang ở mức cao, cùng hỗ trợ kép khi nhu cầu tăng trưởng ổn định trở lại và hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp đều có sản lượng thấp, để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. 

Kinh tế vĩ mô - Giá cà phê rục rịch tăng: Cơ hội và thách thức với cà phê Việt Nam

EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam. Ảnh minh họa.

Cà phê góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp

Theo Tổng cục Hải quan, trước đó, trong tháng 12/2022, xuất khẩu cà phê đạt 197.000 tấn, trị giá 425 triệu USD. Với kết quả này, cả năm 2022, xuất khẩu cà phê đạt 1,78 triệu tấn, trị giá 4,06 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và 32% về giá trị. Như vậy, 2022 là năm đầu tiên xuất khẩu cà phê vượt mốc 4 tỷ USD. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay, cho thấy mặt hàng cà phê có góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong năm nay.

Tháng 3/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 210,37 nghìn tấn, trị giá 482,43 triệu USD, tăng 5,2% về lượng và tăng 10,9% về trị giá so với tháng 2/2023; so với tháng 3/2022 giảm 0,3% về lượng nhưng tăng 1,7% về trị giá. Tính chung quý I/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 552,61 nghìn tấn, trị giá xấp xỉ 1,23 tỷ USD, giảm 5,0% về lượng và giảm 5,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Kết quả trên có được là nhờ giá cà phê tăng cao trên toàn cầu trong năm vừa qua. Bất chấp những tác động từ khủng hoảng năng lượng, lạm phát kinh tế…, nhu cầu nhập khẩu cà phê của các thị trường lớn vẫn tăng, có những thị trường tăng rất mạnh.

Trên đà thuận lợi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước tăng cường xuất khẩu cà phê chế biến, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu cà phê thô, mở ra triển vọng tính cực cho ngành cà phê. Tuy nhiên cùng với đó vẫn có những thách thức để cà phê Việt có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Thông tin trên VTV, trong năm 2022, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu. Tuy nhiên, thay vì sản xuất cà phê đại trà để lấy số lượng, hiện nay, nhiều người dân đã chuyển đổi sang sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn chất lượng cao, cà phê hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ có giá trị gia tăng cao.

Nâng giá trị cà phê Việt 

Người Lao Động dẫn nguồn tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), tiêu thụ cà phê toàn cầu giai đoạn 2023-2030 dự báo tăng từ 1%-2%/năm, trong khi ngành cà phê Việt Nam được Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor nhận định sẽ tăng trưởng ở mức gần 8% cho giai đoạn 2022-2027.

Theo nghiên cứu này, ngành cà phê Việt Nam có quy mô 10.845 tỷ đồng vào năm 2022 (khoảng 452 triệu USD) và sẽ tăng lên 15.837 tỷ đồng vào năm 2027. Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, dân số đông, dân số trẻ với văn hóa cà phê nở rộ là yếu tố thúc đẩy thị trường cà phê phát triển mạnh mẽ.

Thực tế tại Việt Nam, đặc biệt là các đô thị lớn, quán cà phê ở khắp mọi nơi, không chỉ trên đường phố, các ngõ hẻm mà tại các cao ốc văn phòng, chung cư cũng có quán cà phê với nhiều quy mô khác nhau. Nhiều chuỗi cà phê đã và đang hình thành và ngày càng chuyên nghiệp đóng vai trò quan trọng trong ngành dịch vụ ăn uống (F&B).

Các chuỗi cà phê trong nước có thể kể đến: Highlands Coffee, The Coffee House, Trung Nguyên Legend, Ông Bầu, Napoli, Phúc Long, Cộng, Katinat, Passio… Ngoài ra, các thương hiệu cà phê quốc tế cũng đổ bộ vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều như: Starbucks, Amazon, Wayne’s…

Theo số liệu của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), năm 2022, lượng cà phê nhân được sử dụng chế biến và tiêu thụ nội địa đạt khoảng 16% sản lượng toàn ngành. Đây là một con số khích lệ khi tỉ lệ tiêu thụ nội địa bình quân 10 năm qua của toàn ngành dưới mức 10%.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa, mục tiêu của Việt Nam là nâng tỉ lệ cà phê nội địa lên 25%-30%, tương đương với các nước sản xuất cà phê lớn trên thế giới là Brazil, Indonesia.

Theo khảo sát gần đây nhất, bình quân lượng cà phê tiêu thụ của Việt Nam là 2 kg/người/năm, thấp hơn nhiều so với các nước như: Mỹ 4,2 kg/người/năm, Brazil 5,8 kg/người/năm, Phần Lan 12 kg/người/năm… nên tiềm năng tăng trưởng còn lớn.

Vicofa dự báo sản lượng cà phê nhân chế biến nội địa dự kiến tiếp tục tăng trong những năm tới do sự ra đời của nhiều nhà máy chế biến cà phê, đặc biệt là cà phê hòa tan. Các quán, chuỗi cà phê trong nước có dấu hiệu phục hồi và mở rộng, nhất là các đô thị lớn. Ngoài cà phê rang xay thì cà phê hòa tan tiêu thụ nội địa cũng đang tăng trưởng tốt do các doanh nghiệp phát triển được kênh thương mại điện tử.

Theo chuyên gia về ngành cà phê Nguyễn Quang Bình, sự phát triển của các chuỗi cà phê trong nước những năm gần đây đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cà phê Việt.

"Để tạo được nét riêng cho sản phẩm, các chuỗi cà phê có tiếng trong nước thường có tiêu chuẩn thu mua cao hơn đi kèm giá cao hơn so với cà phê thương mại giao dịch trên sàn. Sự cạnh tranh thu mua đã góp phần tăng giá cà phê trong nước", ông Bình nhận xét.

Trúc Chi (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.