Hàn Quốc: Bên trong cuộc chạy đua trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí số một thế giới

Ctv Ban Biên tập

Ctv Ban Biên tập

Thứ 3, 30/05/2023 15:53

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, doanh thu từ xuất khẩu vũ khí của quốc gia này đã nhảy vọt từ mức 7,25 tỷ USD trong năm 2021 lên mức hơn 17 tỷ USD trong năm 2022.

Hàn Quốc đang tận dụng hợp đồng vũ khí trị giá 13,7 tỷ USD với Ba Lan, một hợp đồng vũ khí có giá trị lớn nhất mà Hàn Quốc từng ký kết, nhằm đề ra nền móng cho một ngành công nghiệp quân sự khổng lồ được kỳ vọng sẽ thỏa mãn những nhu cầu về vũ khí của châu Âu trong tương lai bởi những công ty quốc phòng của hai quốc gia này.

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, doanh thu từ xuất khẩu vũ khí của quốc gia này đã nhảy vọt từ 7,25 tỷ USD năm 2021 lên hơn 17 tỷ USD năm 2022, trong tình hình các quốc gia phương Tây đang tìm mọi cách cung cấp trang thiết bị cho Ukraine và căng thẳng tiếp tục leo thang tại các điểm nóng.

Hợp đồng vũ khí mà Hàn Quốc ký kết trong năm vừa rồi với Ba Lan, một quốc gia thành viên chủ chốt trong của NATO, bao gồm hàng trăm bệ phóng tên lửa Chunmoo, xe tăng K2, pháo tự hành K9 và máy bay chiến đấu FA-50. Hợp đồng này là đáng chú ý ngay cả trong nhóm các quốc gia có lực lượng quốc phòng lớn nhất thế giới nhờ vào giá trị cũng như số lượng vũ khí của nó.

Các quan chức của Hàn Quốc và Ba Lan cho biết, quan hệ hợp tác hai nước sẽ giúp họ thống trị thị trường vũ khí châu Âu hậu chiến sự Ukraine. Trong đó, chính quyền Seoul đảm nhiệm vai trò cung cấp các vũ khí chất lượng cao với tốc độ nhanh hơn mọi quốc gia khác và Ba Lan mang lại khả năng sản xuất cũng như đường dẫn thương mại vào châu Âu.

Reuters đã thảo luận với 13 nhân viên cấp cao của các công ty và quan chức, bao gồm những người trực tiếp liên quan tới hợp đồng này và họ cho biết, thỏa thuận này sẽ mang lại một bản thảo về cách tận dụng quan hệ hợp tác và các tập đoàn công-tư quốc tế để mở rộng tầm ảnh hưởng của Hàn Quốc cũng như thỏa mãn mong muốn trở thành quốc gia cung cấp vũ khí số một thế giới của nước này.

Ông Oh Kyeahwan, giám đốc tại Hanwha Aerospace, một trong những công ty liên quan tới hợp đồng quân sự với Ba Lan, cho biết: “Cộng hòa Czech, Romania, Slovakia, Phần Lan, Estonia, Latvia, Lithuania và các quốc gia khác đều từng chỉ quan tâm tới việc mua các sản phẩm quốc phòng từ châu Âu, nhưng giờ đây các quốc gia này đều biết rằng họ có thể mua các sản phẩm tương tự ở giá thành thấp hơn và tốc độ chuyển giao nhanh hơn từ các công ty Hàn Quốc”.

Các công ty Hàn Quốc không đưa ra mức giá cho các vũ khí của họ. Những vũ khí này cũng thường được bán kèm với các phương tiện hỗ trợ và các bộ phận phụ tùng.

Hanwha Aerospace đã chiếm 55% thị phần trong thị trường lựu pháo quốc tế và theo NH Researches & Securities, hợp đồng vũ khí với Ba Lan sẽ đẩy con số này lên khoảng mức 68%.

Theo ông Lukasz Komorek, Giám đốc Văn phòng các Dự án Xuất khẩu tại Công ty quốc gia Polish Armaments Group (PGZ) của Ba Lan, thỏa thuận này đã thành lập nên một số tập đoàn bao gồm các công ty Hàn Quốc và Ba Lan với vai trò sản xuất vũ khí, bảo trì máy bay chiến đấu và đề ra các khuôn khổ nhằm cung cấp vũ khí cho các quốc gia châu Âu khác.

Theo các quan chức của chính quyền Seoul và Warsaw, thỏa thuận này sẽ bao gồm cấp phép sản xuất vũ khí của Hàn Quốc ngay tại Ba Lan. Hai nước dự kiến sản xuất 500 trong tổng số 820 xe tăng và 300 trong tổng số 672 lựu pháo tại các nhà xưởng ở Ba Lan, bắt đầu từ năm 2026.

Ông Komorek cho biết: “Chúng tôi không muốn chỉ đóng vai trò nhà thầu phụ, nhà cung cấp công nghệ chuyển giao và nhà đầu tư. Chúng tôi có thể đề ra hợp tác cũng như tận dụng kinh nghiệm của mình để thống trị thị trường tại châu Âu”.

Sash Tusa, một nhà phân tích quốc phòng và hàng không tại Agency Partners của Anh, cho biết mặc dù hai quốc gia đều có nền công nghiệp quốc phòng vững mạnh nhưng những kế hoạch lâu dài của họ sẽ gặp nhiều trở ngại. Tình hình chính trị có thể thay đổi, làm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các vũ khí như lựu pháo và xe tăng.

Ngay cả khi nhu cầu và nguồn cung khớp với nhau, các quốc gia châu Âu có thể sẽ muốn ký kết hợp đồng của riêng họ với Hàn Quốc tương tự như hợp đồng của Ba Lan - theo ông Tusa, những thỏa thuận hợp tác sản xuất như vậy có thể tạo việc làm và kích thích tăng trưởng ngành công nghiệp của họ.

Khi bình luận về việc Hàn Quốc có thể xuất khẩu vũ khí của họ thông qua trung gian là Ba Lan, cũng như các trở ngại mà thỏa thuận giữa hai nước có thể gặp phải, ông cho biết thêm: “Việc xuất khẩu thông qua Ba Lan có thể sẽ hiệu quả tại một số quốc gia ở khối lượng xuất khẩu rất thấp”.

Thế giới - Hàn Quốc: Bên trong cuộc chạy đua trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí số một thế giới

Lựu pháo K9 khai hỏa trong một buổi tập trận tổ chức tại làng Wierzbiny, ven thị trấn Orzysz, Ba Lan ngày 30/3/2023. (Ảnh: REUTERS/Kacper Pempel/File Photo)

Chuyển giao nhanh chóng

Tại nhà máy của Hanwha Aerospace, miền Nam Hàn Quốc, 6 robot tự động cùng với hơn 150 công nhân hoạt động không ngừng nghỉ để sản xuất các lựu pháo K9 nặng 47 tấn nhằm xuất khẩu tới Ba Lan.

Những pháo tự hành này sử dụng đạn pháo 155mm tiêu chuẩn NATO, tận dụng hệ thống điều khiển hỏa lực bằng máy tính, được thiết kế để có thể dễ dàng tích hợp vào các mạng lưới chỉ huy và kiểm soát, mang lại hiệu năng tương đương các lựa chọn vũ khí đắt đỏ hơn từ các quốc gia phương Tây. Nhiều cường quốc như Australia và Ấn Độ đang sử dụng chúng trong quân đội của mình.

Trong một chuyến tham quan gần đây, giám đốc sản xuất Cha Yong-Su cho biết, để đạt được nhu cầu tiêu thụ, công ty này dự kiến sẽ tuyển thêm 50 công nhân và đặt nhiều dây chuyền sản xuất hơn. Theo ông cho biết, các robot tự động đảm nhiệm khoảng 70% số lượng công việc liên quan đến hàn trong quy trình sản xuất lựu pháo K9 và chúng đóng vai trò chủ chốt trong quá trình mở rộng khả năng sản xuất. Các robot này hoạt động khoảng 8 giờ mỗi ngày nhưng có thể làm việc không ngừng nghỉ nếu cần thiết.

Ông Cha cho biết: “Nói một cách đơn giản, chúng tôi có thể thỏa mãn bất cứ khối lượng đặt hàng nào”.

Theo các quan chức Ba Lan, việc Hàn Quốc có thể cung cấp vũ khí nhanh hơn bất cứ quốc gia nào là điểm cân nhắc quan trọng. Lô hàng đầu tiên gồm 10 xe tăng K2 và 24 lựu pháo K9 đã được chuyển giao tại Ba Lan trong tháng 12 vừa rồi, chỉ vài tháng sau khi hợp đồng được ký kết, và kể từ thời điểm đó, ít nhất 5 xe tăng và 12 lựu pháo đã được chuyển giao thêm.

Ngược lại, theo như ông Oskar Pietrewicz, nhà phân tích cấp cao tại Viện Ngoại giao Ba Lan cho biết, Đức - một quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn khác - vẫn chưa chuyển giao chiếc xe tăng Leopard nào trong tổng số 44 xe tăng mà Hungary đã đặt hàng năm 2018.

Ông cho biết: “Các quốc gia chắc chắn sẽ ngày càng quan tâm tới những mặt hàng của Hàn Quốc khi cân nhắc về khả năng sản xuất có hạn của ngành công nghiệp quốc phòng Đức, một quốc gia cung cấp vũ khí lớn trong khu vực”.

Các nhân viên cấp cao trong ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của Hàn Quốc cho biết, đó sẽ là điểm thu hút khách hàng trong tương lai.

Theo các quan chức, việc quân đội Hàn Quốc có quan hệ mật thiết với ngành công nghiệp vũ khí của quốc gia này cho phép họ thay đổi các đơn hàng trong nước để thỏa mãn khả năng sản xuất cho các đơn hàng xuất khẩu và mở rộng khả năng sản xuất tại các cơ sở sản xuất công nghiệp hóa cao của họ.

Một giám đốc trong ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu yêu cầu giữ kín danh tính vì lý do vấn đề nhạy cảm, đã cho biết: “Họ có thể sản xuất những thứ mà chúng tôi sản xuất trong vài năm, và họ chỉ cần vài tuần hoặc vài tháng”.

Theo Cho Woorae, Phó Giám đốc kinh doanh và chiến lược quốc tế tại Korea Aerospace Industries, việc căng thẳng với Triều Tiên liên tục leo thang khiến các dây chuyền sản xuất quân sự của Hàn Quốc liên tục được vận hành, và các vũ khí của họ được thiết kế, thử nghiệm, nâng cấp trong điều kiện áp lực cao.

Theo Kim Hyoung Cheol, Phó Giám đốc tại Văn phòng Quản lý Chương trình Thu mua Quốc phòng (DAPA), Hàn Quốc đã quảng bá các sản phẩm của mình tới Ba Lan từ trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, nhưng việc Nga đưa quân tới Ukraine đã đẩy cao mức quan tâm của Ba Lan.

Ông Kim cho biết, sau khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan viếng thăm vào tháng 5/2022 nhằm quan sát các vũ khí của Hàn Quốc, và ông Yoon Suk Yeol gặp mặt với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda bên thềm hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 6/2022, nền móng đã được đề ra dẫn tới ký kết hợp đồng khổng lồ trong tháng sau đó.

Các vũ khí của Hàn Quốc được thiết kế nhằm phù hợp với tiêu chuẩn của Mỹ và NATO, một điểm thu hút quan trọng. Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu vì Hòa bình Quốc tế tại Stockholm, Hàn Quốc là quốc gia cung cấp vũ khí lớn thứ ba cho NATO và các quốc gia thành viên, chiếm 4,9% tổng số vũ khí tiêu thụ bởi các quốc gia này.

Đây là mức thua xa con số 65% của Mỹ và 8.6% của Pháp.

Hợp tác sản xuất

Các quan chức của chính quyền Seoul trước Reuters đã cho biết, họ đề nghị sản xuất vũ khí Hàn Quốc ngay tại Ba Lan với chính phủ nước này nhằm đơn giản hóa quy trình xuất khẩu vũ khí tới các quốc gia châu Âu.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc trong một phát biểu đã cho biết: “Chính phủ Hàn Quốc đang thúc đẩy ngoại giao quân sự và hợp tác quốc phòng để quan hệ với quốc gia nhập khẩu có thể phát triển thành các quan hệ hợp tác vượt qua quan hệ giữa người mua và người bán”.

Bộ Quốc phòng Ba Lan đã không phản hồi trước các yêu cầu bình luận.

Ông Oh cho biết, Hanwha Aerospace đã thực hiện thành công nhiều thỏa thuận chia sẻ công nghệ với Ấn Độ, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông cho biết: “Vì vậy, tôi không nghĩ có nhiều vấn đề đáng lo liên quan tới khả năng sản xuất”.

Theo ông cho biết, hợp đồng quân sự năm 2022 được bắt đầu sau khi các công ty Hàn Quốc ký kết một thỏa thuận khuôn khổ với chính phủ Ba Lan. Các công ty này đã thành lập ra một tập đoàn với PGZ và các công ty con của họ. Tập đoàn này đã ký kết hợp đồng sau cùng với chính phủ Ba Lan.

“Kế hoạch kéo dài cả thập kỷ”

Trong năm vừa qua, Hàn Quốc đã phóng thành công tên lửa không gian sản xuất trong nước đầu tiên, chứng kiến chuyến bay đầu tiên thành công của máy bay chiến đấu KFX được sản xuất trong nước và tuyên bố các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD.

Một thành viên tại một công ty quốc phòng châu Âu đã yêu cầu giữ kín danh tính vì lý do vấn đề nhạy cảm cho biết: “Đối với phần lớn các quốc gia khác, đây là một kế hoạch kéo dài cả thập kỷ. Chúng ta lâu nay đã đánh giá thấp Hàn Quốc”.

Trong tháng vừa rồi, ông Yoon chia sẻ với Reuters, Hàn Quốc có thể sẽ mở rộng khả năng hỗ trợ chính quyền Kyiv vượt ra ngoài khuôn khổ hỗ trợ kinh tế và nhân đạo nếu như Ukraine hứng chịu một cuộc tấn công lên thường dân trên quy mô lớn.

Kể từ thời điểm đó, chính quyền Seoul đã chấp thuận một số bộ phận vũ khí Hàn Quốc được sử dụng tại Ukraine.

Doanh thu vũ khí của Hàn Quốc tại khu vực châu Á chiếm 63% tổng số doanh thu quốc phòng của quốc gia này trong các năm 2018 tới 2022, theo số liệu từ SIPRI.  

Hàn Quốc đang hợp tác thiết kế máy bay chiến đấu KFX với Indonesia, và các lãnh đạo Ba Lan đã đưa ra tín hiệu quan tâm tới dự án này. Malaysia trong năm 2023 đã đặt mua một số máy bay FA-50 với tổng trị giá gần 1 tỷ USD. Chính quyền Seoul cũng đang tham gia cuộc đua giành hợp đồng cung cấp phương tiện chiến đấu bộ binh tương lai cho Australia với trị giá 12 tỷ USD.

Một nhà ngoại giao tại Seoul cho biết: “Các quốc gia châu Á nhìn nhận chúng tôi là đối tác lý tưởng trong các hợp đồng quốc phòng, vì chúng tôi đều muốn đề phòng trước các căng thẳng leo thang. Chúng tôi là đồng minh của Mỹ, nhưng chúng tôi không phải là Mỹ”.

Nguyễn Quang Minh (Theo Reuters)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.