Đột phá nhờ thương mại điện tử
Nhờ đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến, khép kín và lựa chọn nguồn nguyên liệu chất lượng cao, sản phẩm ngũ cốc của công ty chị Trần Thị Thu Hằng (SN 1990), trú xóm 1, xã Nghi Mỹ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An được đánh giá đạt chuẩn sản phẩm OCOP với mức đạt 4 sao.
Điều đáng nói, đơn vị của chị Hằng chỉ mới thành lập vào năm 2021, đây cũng là thời điểm Covid-19 bùng phát thành đại dịch. Với nhiều hộ kinh doanh, dịch là thảm họa khi hàng không bán được, sản xuất bị ngưng trệ, nhưng với cơ sở của chị Hằng thì đây trở thành cơ hội lớn.
Chỉ trong gần 2 năm thành lập công ty, các sản phẩm tung ra thị trường đều có doanh số bán tăng vọt. Thậm chí có thời điểm làm không kịp để bán, các công nhân phải thay ca liên tục đóng gói để kịp giao hàng.
"Thời điểm dịch thì phải thực hiện việc giãn cách xã hội, tức là mọi người ở nhà và sử dụng điện thoại nhiều hơn. Trong khi đó, các sản phẩm của tôi chưa thể bán trên thị trường, mà chỉ mới quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội. Vô tình điều đó đã giúp tiến cận với người tiêu dùng nên số lượng người mua cũng nhiều hơn", chị Hằng kể.
Chị Hằng đã tuyển các cộng tác viên tiềm năng để lập các "nhóm" bán hàng trên mạng xã hội như Facebook, zalo… Bên cạnh đó, chị còn dành ra một khoản kinh phí để duy trì và đưa sản phẩm giới thiệu trên các trang thương mại điện tử lớn với lượng theo dõi đông như Lazada, Shopee…
Cũng chính vì vậy, sản phẩm bột ngũ cốc đã phủ sóng thị trường toàn quốc, điều mà chị không thể nghĩ đến. Hiện nay, ngoài hệ thống các chuỗi cửa hàng phân phối ở các huyện, thị trong tỉnh, chị Hằng chủ yếu đẩy mạnh việc bán hàng online và livestream lên các trang mạng xã hội. Đến thời điểm này, các sản phẩm của công ty đã có chỗ đứng khá vững chãi trên sàn thương mại điện tử.
Còn tại huyện Nam Đàn có hẳn làng trồng sen nức tiếng bao đời nay, thế nhưng người dân chủ yếu trồng nhỏ lẻ nên không thể phát triển được các sản phẩm về sen.
Chỉ đến năm 2019, hợp tác xã Sen quê Bác được thành lập mới chính thức tiếp quản và trồng liên kết mở rộng được hơn 80 ha sen trên diện tích ao hồ trên địa bàn toàn huyện, đồng thời đưa 25 giống sen về nhân giống để trồng, phấn đấu thực hiện nhân được 50 giống nhằm bảo tồn quỹ gen.
Anh Phạm Kim Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã Sen quê Bác cho biết, ngoài nhiệm vụ trồng, chăm sóc, bảo tồn các giống sen quý trên địa bàn xã Kim Liên cũng như huyện Nam Đàn, đơn vị còn thu mua nguyên liệu, sản phẩm từ sen cho người dân, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động tại địa phương.
Mục tiêu lâu dài của hợp tác xã là cung cấp giống sen cho cả nước, xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm từ sen đạt OCOP từ 3 – 5 sao. Hợp tác xã hiện đã có 9/12 sản phẩm đạt OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao (Trà tâm sen, trà ướp bông sen, hạt sen sấy bơ, trà liên tu), 5 sản phẩm đạt 3 sao (trà lá sen, bánh cà hạt sen, hạt sen sấy khô, Trà bạch liên nữ vương, trà ướp gạo sen).
Ngoài ra, đơn vị còn có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp huyện đang chờ cấp tỉnh phê duyệt gồm Tinh bột củ sen và trà sen vàng Kim Liên. Đơn vị còn phấn đấu có 2 sản phẩm đạt 5 sao là trà ướp bông sen và trà tâm sen.
"Từ khi thành lập, hợp tác xã Sen quê Bác có nhiều giải pháp khai thác tiềm năng và kết nối tiêu thụ sản phẩm từ sen. Đó là xây dựng các tour du lịch trải nghiệm, kết hợp tham quan Làng Sen với các hoạt động trải nghiệm về cánh đồng sen, chế biến sản phẩm từ sen như làm bánh, làm trà; tạo các điểm bán hàng lưu niệm tại các điểm du lịch, sân bay, nhà ga để quảng bá, giới thiệu đến với khách hàng…", anh Tiến nói.
Đặc biệt, hợp tác xã còn quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội, website và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, qua tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, sản phẩm của hợp tác xã đã được nhiều doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận mở rộng, phát triển các kênh phân phối, hợp tác với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Thay đổi tư duy để tiếp cận thị trường
Ông Phạm Văn Hoá, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An nhấn mạnh, hai yêu cầu để sản phẩm OCOP "ra biển lớn" là phải chuẩn hóa về tiêu chuẩn sản phẩm và tiêu chuẩn thương mại. Sản phẩm OCOP chưa phải là thương hiệu – đây chỉ là cơ sở, tiền đề để xây dựng thương hiệu sản phẩm.
"Vấn đề quan trọng nhất là đánh giá của thị trường, có những sản phẩm không "sao" nhưng vẫn được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ rất tốt. Điều đó cho thấy, vấn đề quan trọng là xây dựng thương hiệu, phát triển thương hiệu của sản phẩm nông sản", ông Hoá phân tích.
Vì vậy, Nghệ An đã có những kế hoạch đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đưa các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị và sàn thương mại điện tử.
"Thời gian qua, Sở Công Thương Nghệ An đã thực hiện các chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối sản phẩm OCOP Nghệ An trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử, trên các kênh thông tin truyền thông đa phương tiện phù hợp với xu thế thời đại 4.0", ông Hoá cho biết thêm.
Tính đến nay Nghệ An đã có 175 sản phẩm được đưa vào các siêu thị, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream). Không chỉ có thế, các chủ thể đã được tham gia trưng bày sản phẩm tại 51 hội chợ, 20 hội nghị kết nối cung cầu, chưa kể một số chương trình chuyên ngành khác.
Hướng tới xu thế hiện đại, văn minh trong buôn bán, kinh doanh, đại diện Sở Công thương Nghệ An cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong mọi khâu kết nối, tiêu thụ sản phẩm với các sàn thương mại điện tử lớn.
Đặc biệt là phát huy vai trò làm "cầu nối" với Cục Thương mại điện tử, Kinh tế số (Bộ Công Thương) và các sàn thương mại điện tử lớn trong nước, nhằm kết nối giao thương, góp phần tiêu thụ các sản phẩm của Nghệ An tốt hơn nữa.
Về việc này, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Nghệ An sẽ tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP qua các kênh thương mại điện tử.
"Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới giúp các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn. Đồng thời, phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và dịch vụ công", Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.
Đến hết tháng 5/2024, toàn tỉnh Nghệ An có 266.373 hộ sản xuất nông nghiệp được đưa lên các sàn thương mại điện tử; 300.047 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng; 8.836 sản phẩm được đưa lên sàn, xếp thứ 5 cả nước về số sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn.
Hành trình xây dựng thương hiệu OCOP Nghệ An – Kỳ 3: Đưa "hương quê" vươn ra thế giới