Thời gian qua, cơ quan Hải quan đã chủ động đấu tranh, ngăn chặn nhiều thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại tinh vi, phức tạp, qua đó khẳng định vai trò "chốt chặn", góp phần quan trọng để bảo vệ an ninh, an toàn cộng đồng.
Phát hiện nhiều thủ đoạn buôn lậu tinh vi, phức tạp
Theo Tổng cục Hải quan, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong thời gian qua vẫn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, cơ quan Hải quan đã phát hiện các vụ việc vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, tập trung vào một số hành vi như: không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng nhằm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, ma túy, động vật hoang dã, tiền tệ qua biên giới, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, trong đó nổi lên một số mặt hàng trọng điểm với phương thức thủ đoạn tinh vi như:
Trong tháng 10/2023, tình hình vận chuyển trái phép pháo nổ có chiều hướng gia tăng; các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ chủ yếu lợi dụng phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, gia cố hầm hàng, khoang, thùng để cất giấu pháo nổ nhằm qua mắt các lực lượng chức năng.
Các vụ việc vi phạm liên quan đến vận chuyển trái phép pháo nổ nổi lên tại một số địa phương như Quảng Trị, Nghệ An, Lạng Sơn..., trong đó có vụ việc vận chuyển lên đến 700 kg pháo nổ. Bên cạnh đó, các mặt hàng tiêu dùng, thiết yếu như đường kính, thuốc lá, bia, mỹ phẩm, thực phẩm đông lạnh... cũng là các mặt hàng được các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới hướng tới, tập trung tại các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị, Lào Cai, Cao Bằng... Trong đó, tập trung vào một số hành vi như: không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng nhằm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm như pháo nổ, ma túy, động vật hoang dã; lâm sản, thuốc lá, đường kính, dầu D/O...
Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vẫn diễn ra hết sức phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức vận chuyển, không theo quy luật với thủ đoạn ngày càng tinh vi (thông qua thủ đoạn cất giấu, ngụy trang ma tuý thành hàng hóa, hành lý thông thường), liều lĩnh và manh động (mang theo người). Đối với tuyến đường bộ tập trung chủ yếu tại các các cửa khẩu biên giới giáp với Lào (như Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Trị), các cửa khẩu tuyến biên giới giáp với Campuchia (Tây Ninh, Bình Phước, An Giang) và các cửa khẩu tuyến biên giới giáp với Trung Quốc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh).
Đặc biệt, địa bàn “nóng” trong thời gian gần đây là tuyến hàng không, chuyển phát nhanh. Đây là địa bàn trọng điểm về các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu các loại ma túy từ nước ngoài về Việt Nam và ngược lại. Trong điều kiện các cảng hàng không ở Việt Nam được đầu tư mở rộng, đồng thời lợi dụng chính sách đơn giản hóa thủ tục hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và các chính sách quản lý liên quan, các đối tượng đã sử dụng phương thức ngụy trang cất giấu, trà trộn ma túy trong hàng hóa là hàng ký gửi, chuyển phát nhanh, quà biếu phi mậu dịch, vận chuyển theo đường hàng gửi từ các quốc gia thuộc châu Âu (Đức, Hà Lan, Tiệp Khắc, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ), Canada..., châu Á (Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông…), châu Mỹ và châu Úc… về Việt Nam, tiếp đó tiêu thụ trong nội địa hoặc trung truyển đi nước thứ ba hoặc ngược lại.
Chủ động ngăn chặn, đấu tranh quyết liệt
Trước tình hình trên, với vai trò Cơ quan tham mưu, giúp việc cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo cho các Cục Hải quan tỉnh thành phố, hướng dẫn thực hiện công tác công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, như cảnh báo về hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ, xây dựng và trình Bộ Tài chính dự thảo Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại trong giai đoạn trước, trong và sau Tết nguyên đán Giáp Thìn như: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng thiết bị điện tử viễn thông, điện thoại Iphone nhập lậu trên tuyến hàng không; Cảnh báo về thủ đoạn vận chuyển tiền chất ma tuý qua đường hàng không và chuyển phát nhanh; Hướng dẫn nghiệp vụ trong việc sử dụng máy phát hiện ma tuý; Hướng dẫn, chấn chỉnh công tác báo cáo về ma túy...
Nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trên "mặt trận" chống buôn lậu, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã tham dự chuyến công tác theo lời mời của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và Thuế Hồng Kông tại Hồng Kông nhằm tăng cường hợp tác trong phòng chống buôn lậu, phòng chống các vị phạm hải quan, đặc biệt là phòng chống ma túy, trao đổi thông tin nghiệp vụ hải quan, hình thành hệ thống đầu mối liên lạc trao đổi thông tin.
Tổng cục Hải quan cũng đã theo dõi, triển khai, thực hiện chuyển thông tin về các nghi vấn buôn lậu thuốc lá theo nội dung Dự án Cá Sấu thuộc điều phối của RILO/AP. Đồng thời, tiếp tục theo dõi Chiến dịch DEMETER IX do WCO điều phối về kiểm soát và chống vận chuyển chất thải nguy hại đến môi trường; Chiến dịch Con rồng Mê Kông V; Triển khai Chiến dịch Thunder 2023 về phòng, chống tội phạm và buôn bán bất hợp pháp các loài động, thực vật hoang dã.
Trong năm 2023, Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp triển khai chiến dịch Con rồng Mê Kông giai đoạn 5 trong chuỗi Chiến dịch Con rồng Mê Kông, là chương trình hành động chung giữa các cơ quan Hải quan và các cơ quan thực thi pháp luật khác của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về chống buôn bán bất hợp pháp ma tuý, động vật, thực vật hoang dã và các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã thuộc danh mục CITES trên các tuyến đường vận chuyển do Hải quan Việt Nam, Hải quan Trung Quốc đồng sáng kiến, khởi động từ năm 2018 với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan phòng chống ma túy Liên hợp quốc (UNODC), Văn phòng liên lạc tình báo khu vực châu Á Thái Bình Dương (RILO AP). Hải quan Việt Nam đã tham gia xây dựng và phổ biến 17 cảnh báo và 01 báo cáo tổng kết đánh giá hoạt động triển khai các giai đoạn của chiến dịch cho toàn bộ các thành viên. Chiến dịch Con Rồng Mê Kông V được triển khai từ ngày 15/4/2023 đến ngày 16/11/2023 với sự tham gia của 25 cơ quan Hải quan, các cơ quan thực thi pháp luật và tổ chức quốc tế. Tổng số vụ bắt giữ được các nước thành viên báo cáo trong giai đoạn V là 1.715 vụ, tăng 111% so với Chiến dịch giai đoạn IV.
Nhờ những giải pháp đấu tranh quyết liệt, trong năm 2023 toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý: 14.589 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 11.521 tỷ đồng (số vụ vi phạm giảm 9,44%; so với cùng kỳ năm 2022; Trị giá hàng hóa vi phạm tăng trên 98% so với cùng kỳ năm 2022); Cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 166 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước: 474,258 tỷ đồng;
Riêng trong công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý, cơ quan Hải quan chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phòng, chống tội phạm về ma túy bắt giữ: 244 vụ/284 đối tượng. Trong đó, lực lượng Hải quan chủ trì 112 vụ Tang vật thu được khoảng 2,8 tấn ma túy các loại.
Có thể nói, thời gian qua, ngành Hải quan đã khẳng định vai trò “chốt chặn” quan trọng trong công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu và gian lận thương mại.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới đã và đang diễn biến hết sức phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường. Cùng với tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, ngành Hải quan sẽ tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, chủ động đấu tranh, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần quan trọng để bảo vệ an ninh, an toàn cộng đồng.
Thanh Tâm