Khánh Hòa: Tán sỏi san hô qua da bằng đường hầm nhỏ cho 2 bệnh nhân

Khánh Hòa: Tán sỏi san hô qua da bằng đường hầm nhỏ cho 2 bệnh nhân

Nguyễn Thị Hoà

Nguyễn Thị Hoà

Thứ 2, 17/04/2023 19:54

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vừa thực hiện thành công tán sỏi san hô qua da bằng đường hầm nhỏ cho 2 bệnh nhân.

Ngày 17/4, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết các bác sĩ thuộc Đơn nguyên Ngoại tiết niệu, Khoa Ngoại Tổng quát của bệnh viện vừa thực hiện thành công tán sỏi san hô qua da bằng đường hầm nhỏ cho 2 bệnh nhân.

Trường hợp thứ nhất là một bệnh nhân nữ, 38 tuổi, có sỏi san hô nguyên phát bên trái kích thước 60 x 40 x 25 mm. Bệnh nhân được lấy sạch sỏi hoàn toàn trong một lần tán sỏi chỉ với một đường mổ khoảng 0,5 cm.

Trường hợp thứ 2 là sỏi san hô thứ phát trên bệnh nhân nữ, 78 tuổi. Do bệnh nhân quên không đi rút sonde niệu quản theo lịch bác sĩ hẹn từ lần tán sỏi 2 năm trước đó, sỏi bám từ bàng quang kéo dài lên niệu quản, đài bể thận. Trường hợp này, nếu mổ hở cần thực hiện tối thiểu 2 đường mổ dài. Qua hội chẩn các bác sĩ quyết định chia tán sỏi làm 3 chặng: Nội soi tán sỏi bàng quang, sỏi niệu quản và cuối cùng dùng phương pháp tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ để tán sỏi thận.

Sau can thiệp tán sỏi, các bệnh nhân ít đau, hồi phục sớm, xuất viện chỉ sau 3 ngày can thiệp.

Sức khỏe - Khánh Hòa: Tán sỏi san hô qua da bằng đường hầm nhỏ cho 2 bệnh nhân

Hình ảnh trước và sau khi tán sỏi của bệnh nhân bị sỏi san hô. (Ảnh: BV).

Theo các bác sĩ, từ lâu, sỏi san hô được biết đến là một trong những loại sỏi đường tiết niệu lớn nhất và can thiệp phức tạp nhất. Sỏi thường đúc khuôn dính chặt vào đài bể thận, có nhiều cành, nhiều nhánh như san hô.

Nguy hiểm hơn là loại sỏi này thường không có triệu chứng rõ ràng, lúc phát hiện thì sỏi có thể gây biến chứng như giảm chức năng thận, teo thận.

Bác sĩ chuyên khoa II Tôn Thất Minh Thuyết, Phó Trưởng khoa Ngoại Tổng quát, Trưởng Đơn nguyên Ngoại tiết niệu cho biết đây chỉ là 2 trong số hàng trăm bệnh nhân được thực hiện tán sỏi thận mỗi năm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Trước đây, để can thiệp sỏi cần được tiến hành bằng đường mổ lớn. Sau mổ bệnh nhân đau rất nhiều, thời gian bình phục kéo dài, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống về sau. Thậm chí, có những bệnh nhân vì sợ mổ mà để quá lâu, thận teo, thận mất chức năng dẫn đến phải cắt thận.

Hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa phối hợp giữa siêu âm và X-quang màn hình tăng sáng giúp định vị chính xác và giảm tối đa sót sỏi cho bệnh nhân; đường hầm qua da chỉ xấp xỉ 0,5cm sẽ giúp bệnh nhân giảm đau, giảm biến chứng sau mổ. Bên cạnh đó, máy tán năng lượng Holmium lazer mạnh mẽ, giảm thời gian và số lần can thiệp sỏi, việc giải quyết các sỏi lớn, sỏi cứng, sỏi phức tạp như san hô trở nên đơn giản hơn nhiều.

Theo bác sĩ Thuyết, việc áp dụng phương pháp tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ giúp bệnh nhân mau hồi phục, giảm thời gian nằm viện và sớm trở lại với sinh hoạt bình thường.

Châu Tường

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.