Không mở ồ ạt các chương trình đào tạo liên kết quốc tế

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Thứ 6, 25/11/2022 18:08

Các chương trình đào tạo liên kết ở bậc đại học cần được quan tâm về chất lượng, đảm bảo yếu tố đào tạo, tránh việc sính ngoại trong giáo dục.

Theo học các chương trình đào tạo liên kết đại học đang là xu hướng của nhiều sinh viên hiện nay, đặc biệt sau đại dịch Covid-19 việc đi lại trở nên hạn chế hơn. Giờ đây, các em có thể được học tập những chương trình đảm bảo chất lượng quốc tế với chi phí hợp lý ngay tại Việt Nam.

Tại toạ đàm “Liên kết đào tạo đại học với nước ngoài tại Việt Nam - thực trạng và định hướng phát triển” diễn ra chiều 25/11, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng các chương trình đạo tạo hiện nay đang phát triển về chất lượng, không mở rộng ồ ạt về số lượng.

Ở đây, con số cụ thể được đại diện Bộ GD&ĐT đưa ra cho đến nay năm 2022, chúng ta có hơn 300 chương trình đào tạo đại học liên kết nước ngoài đang tuyển sinh với trên 25.000 sinh viên đang theo học.

Bà Nguyễn Thu Thuỷ cho biết: “Hiện nay xu hướng mở khối ngành đang chuyển dịch sang lĩnh vực khoa học công nghệ, khoa học kỹ thuật, công nghệ cao.

Trong tỉ trọng giữa các ngành, chúng tôi nhìn thấy nhiều nhất là vẫn là khối ngành kinh tế và quản lý chiếm 60% chương trình liên kết. 25% trong lĩnh vực khoa học công nghệ, chưa đến 10% lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn”.

Tuy nhiên, con số này vẫn chỉ tập trung tại trình độ đại học và rất hiếm chương trình đào tạo liên kết ở bậc độ thạc sĩ, tiến sĩ.

“Bậc sau đại học cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, bởi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn mới đang là yếu tố cần thiết, vì vậy cần đặc biệt chú trọng”, bà Thuỷ đánh giá.

Việc đa dạng các ngành nghề như trên là do các quốc gia rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, các sinh viên có năng lực rất tốt, nhanh nhạy tiếp cận với công nghệ mới và các chương trình nước ngoài.

Giáo dục - Không mở ồ ạt các chương trình đào tạo liên kết quốc tế

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ khẳng định không mở rộng ồ ạt các ngành đào tạo liên kết nước ngoài.

Theo số liệu, quốc gia có số lượng nhiều chương trình đào tạo liên kết tại Việt Nam thuộc về Anh, Mỹ, Pháp, Úc. Nhóm tiếp là Hàn Quốc, Đài Loan, New Zealand, Đức. Đây cũng là những nước rất quan tâm đến phát triển giáo dục tại Việt Nam.

Trước câu hỏi Bộ GD&ĐT đã quản lý chất lượng những chương trình liên kết này như thế nào, bà Thuỷ cho biết: “Với những chương trình đào tạo được mở ra đều thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về việc đảm bảo yêu cầu về kiểm định về cơ sở, kiểm định chất lượng. Kể cả các trường tự chủ thực hiện liên kết đào tạo cũng phải đảm bảo những quy định này”.

Bà Thuỷ cũng bày tỏ rằng, chúng ta cũng nên tránh hiểu liên kết đào tạo quốc tế là không tốt bằng đào tạo chính quy trong nước, vì trên thực tế các chỉ tiêu đầu vào rất nghiêm ngặt.

Cùng với đó, trong năm 2023, Bộ GD&ĐT sẽ có những thông tư để quản lý trực tiếp tuyển sinh, đào tạo các chương trình đạo tạo liên kết nước ngoài. Việc kiểm tra, rà soát như vậy nhằm đánh giá những kết quả đạt được và chỉ ra những tồn tại hạn chế.

Cũng tại toạ đàm, Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá rằng vấn đề quốc tế hóa giáo dục đại học đại học là một thực tiễn, là xu hướng và thực sự đang tạo ra những thay đổi rất lớn cho giáo dục đại học Việt Nam.

“Việc liên kết đào tạo với các nước sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Du nhập các chương trình tiên tiến của các nước giúp cho các trường đại học được tiệm cần dần với các chương trình tiên tiến. Đây là cơ hội để giáo dục đại học nước ta rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực và thế giới”, bà Hoa bày tỏ.

Đưa ra ví dụ, bà Hoa cho rằng các cơ sở giáo dục đại học thông qua chương trình liên kết đào tạo có cơ hội khẳng định mình rõ hơn, thầy cô giáo có cơ hội giao lưu, mở mang trình độ.

Giáo dục - Không mở ồ ạt các chương trình đào tạo liên kết quốc tế (Hình 2).

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Còn người học được học chương trình quốc tế, trao bằng quốc tế, học tại chỗ ít tốn kém chi phí hơn, có điều kiện gần gia đình. Khi có bằng quốc tế, cơ hội tìm việc làm, điều kiện làm việc sẽ tốt hơn. Các bên liên quan đều có lợi, đó là ý nghĩa quan trọng.

Về xu hướng đi du học trước đây nay đã bão hòa, và chuyển dần sang xu hướng chuyển giao chương trình đào tạo cho các nước sở tại có đông sinh viên học, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết: “Các nước có nền đại học đang trong xu hướng phát triển cũng đang tiếp cận xu hướng này, tức là thông qua chương trình liên kết đào tạo để giữ chân sinh viên ở trong nước. Tôi nghĩ hai xu hướng này đang có chiều hướng gặp nhau, chúng ta phải chớp xu hướng này”.

Cùng với đó, việc liên kết đào tạo này vừa là cơ hội vừa là thách thức. Liên kết đào tạo có nhiều cái lợi nếu chớp được cơ hội, trong quá trình tiếp cận các nội dung liên kết đào tạo, đối tác đào tạo đúng sẽ nâng tầm giáo dục đại học, người học của chúng ta có lợi. Nhưng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nếu lựa chọn không chuẩn xác, đối tác liên kết không đúng tầm, sẽ là bất lợi. Đây là những điều cần lưu ý trong quá trình thực hiện.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.