Kiểm tra bài cũ cần vì sự tiến bộ của học sinh chứ không phải "bắt bí"

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Thứ 6, 22/09/2023 08:38

Chuyên gia cho rằng giáo viên cần linh hoạt, sáng tạo thay đổi cách kiểm tra kiến thức, phù hợp với chương trình mới thay vì đi theo lối mòn.

Một trong những vấn đề được quan tâm trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018 đó là hoạt động kiểm tra, đánh giá học sinh. Giờ đây, chúng ta cần thay đổi quan niệm kiểm tra chỉ để lấy điểm số mà cần phù hợp theo hướng phát triển năng lực của học sinh. Điều này đặt ra băn khoăn liệu hỏi bài cũ học sinh theo kiểu "kêu bất chợt, hỏi bất chợt" có còn phù hợp?

Kiểm tra để giúp học sinh tiến bộ

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Mạnh Tùng – Giáo viên Toán tại Hà Nội cho rằng cần hiểu đúng về đề nghị không kiểm tra đầu giờ theo kiểu “hỏi bất chợt, gọi bất chợt”.

Theo thầy giáo, truyền thống kiểm tra kiến thức đầu giờ cũng có cơ sở khoa học, việc học sinh học bài ở nhà như học lý thuyết, học công thức, làm bài tập hay làm dự án,… là cần thiết để củng cố, khắc sâu kiến thức, rèn luyện kỹ năng và tránh bị lãng quên.

“Nhưng quan trọng là cách chúng ta kiểm tra kiến thức, cần đa dạng hoá cách làm, không nên đặt nặng vấn đề kiểm tra kiến thức hay gây căng thẳng áp lực cho học sinh. Căng thẳng ở đây do cách làm chứ không phải có kiểm tra bài cũ đầu giờ hay không. Cách làm truyền thống là làm cho học sinh thấy sợ mà học, cách làm này đã lỗi thời và không hiệu quả. Chúng ta cần hướng đến làm sao cho học sinh thấy thích mà học”, ông Mạnh Tùng chia sẻ.

Ông Tùng cũng phân tích thêm kiểm tra đầu giờ là một trong những phương pháp kiểm tra giáo dục nói chung. Và trên thực tế hoạt động kiểm tra đánh giá là một công việc làm rất khó, nó là một thành phần quan trọng và tác động trở lại hoạt động dạy và học. Sử dụng đánh giá sai có thể phản tác dụng.

Giáo dục - Kiểm tra bài cũ cần vì sự tiến bộ của học sinh chứ không phải 'bắt bí'

ông Trần Mạnh Tùng – Giáo viên Toán tại Hà Nội.

“Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 22 năm 2021 có nội dung cụ thể về kiểm tra, đánh giá. Việc kiểm tra đầu giờ (nằm trong đánh giá thường xuyên) diễn ra trong suốt quá trình dạy học, mục đích để ghi nhận thông tin phản hồi từ học sinh, giúp học sinh tiến bộ.

Mục đích này tuy đơn giản nhưng ít người biết, chính vì thế đánh giá thường xuyên chủ yếu đang mang ý nghĩa là lấy điểm cho vào sổ”, ông Tùng cho hay.

Với mục đích như vậy, Bộ GD&ĐT đã có thông tin rất rõ, có rất nhiều cách làm khác nhau, đưa ra một vài phương pháp ông Tùng cho biết: “Tôi cũng áp dụng nhiều cách làm như cho học sinh được thuyết trình, cho học sinh được làm dự án, làm việc nhóm và không nhất thiết phải làm những hoạt động đó vào đầu giờ của buổi hôm sau mà có thể kiểm tra ngay trong quá trình học”.

Bởi ông Tùng cho rằng có nhiều cách để thu nhận thông tin từ học sinh, điều quan trọng cần tạo điều kiện, cơ hội cho học sinh  tiến bộ chứ không phải là đánh giá ngay bằng một số điểm mà giáo viên cần hướng dẫn giúp các em có phương pháp học tập cho những lần kiểm tra sau.

Ví dụ: Nếu học sinh không đạt yêu cầu, giáo viên cần tìm hiểu nguyên nhân và đồng hành cùng học sinh, cùng gia đình học sinh tìm các biện pháp khắc phục. Kết quả cao nhất quả tiến trình này có thể lấy cho vào sổ.

Với những cách làm như vậy chắc chắn sẽ không tạo ra áp lực cho học sinh mà vẫn đạt yêu cầu của môn học và giúp học sinh tiến bộ.

Giáo dục - Kiểm tra bài cũ cần vì sự tiến bộ của học sinh chứ không phải 'bắt bí' (Hình 2).

Cần đa dạng cách kiểm tra đánh giá, học sinh (Ảnh: Hữu Thắng).

“Việc hiểu và thực hiện Thông tư 22 hiện nay còn thiếu đồng bộ, thống nhất. Chúng ta còn đang kiểm tra, đánh giá chủ yếu theo cách truyền thống (kiểm tra kiến thức, không kiểm tra được kỹ năng, không đánh giá được năng lực học sinh). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc đổi mới kiểm tra, đánh giá chưa được triển khai hiệu quả bởi do chưa có đầy đủ cơ sở khoa học, chưa có kỹ năng, phương pháp, không đủ thời gian hay bị rang buộc bởi rất nhiều các kỳ thi chung.

Giáo viên cần mạnh dạn thay đổi cách kiểm tra đánh giá theo hướng đúng, đủ và hiệu quả. Bộ GD&ĐT cũng cần có nghiên cứu sâu, toàn diện về kiểm tra, đánh giá và triển khai đến các nhà trường, bên cạnh đó, đổi mới các kỹ thi chung (thi vào 10, thi TN THPT, tuyển sinh Đại học…) là việc cần làm ngay để định hướng đổi mới cho các nhà trường”, ông Tùng chia sẻ.

Sáng tạo trong đánh giá kiến thức học sinh

Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng có nhiều cách khác nhau để kiểm tra đầu giờ giúp giảm bớt áp lực cho học sinh.

Nói về ý nghĩa của kiểm tra đầu giờ, chuyên gia cho hay khi học phương pháp dạy học ở trường sư phạm, các sinh viên đều được dạy về quy trình lên lớp ứng với cách dạy học khác nhau.

“Dù các cách dạy khác nhau, thì đều có một điểm chung giống nhau, đó là giáo viên cần thấu hiểu học trò của mình đang như thế nào, có đủ điều kiện để sẵn sàng cho bài học mới hay không. Vì thế, thông thường, bất kì phương pháp dạy học nào cũng có chức năng đảm bảo trình độ xuất phát.

Cụ thể hóa việc đó, theo thói quen, giáo viên cứ kiểm tra bài cũ vì nhận thức rằng, bài cũ là tiền đề cho bài mới, có nắm được bài cũ mới có thể học được bài mới). Ngoài ra, việc kiểm tra bài cũ thường sẽ rèn thói quen học, chuẩn bị bài ở nhà”, bà Chu Cẩm Thơ phân tích.

Giáo dục - Kiểm tra bài cũ cần vì sự tiến bộ của học sinh chứ không phải 'bắt bí' (Hình 3).

PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.

Chuyên gia cũng bày tỏ không đồng tình với việc kiểm tra theo kiểu đọc thuộc lòng, kiểm tra nhớ công thức, định lý, …mà thay vào đó có thể là học sinh giơ tay phát biểu trả lời các câu hỏi trong giờ bởi cách thúc các em làm bài ở nhà, chuẩn bị bài là không hiệu quả.

Ngoài ra, cũng có nhiều phương pháp khác như học sinh có thể đóng vai giáo viên đặt câu hỏi. “Hoạt động này sẽ khiến học sinh thích thú đặc biệt khi đặt được câu hỏi tốt có giá trị không kém với việc kiểm tra bài cũ. Khi yêu cầu học sinh chuẩn bị câu hỏi để hỏi khiến các em chủ động, các em cũng tiến hành các tư duy bậc cao như phân tích, xem xét hết các trường hợp, tổng hợp, nêu vấn đề”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ bày tỏ.

Tuy nhiên, theo chuyên gia để làm việc này giáo viên phải dám trả lời, giải quyết các câu hỏi từ học sinh và hạn chế thói quen giảng dạy một chiều.

Ngoài ra, giáo viên có thể xây dựng học tập kết hợp (Blended learning) bằng cách học sinh có thể tự học trên hệ thống online, phía thầy cô có thể  biết điểm xuất phát trước mỗi giờ học. Khi đến lớp sẽ là những hoạt động trao đổi, thảo luận, mở rộng kiến thức.

“Về cách đặt câu hỏi, có muôn vàn kiểu câu hỏi kiểm tra đầu giờ. Chúng ta có thể tự xem lại các câu hỏi của chính mình thuộc dạng câu hỏi đóng, không rõ mục đích hỏi thậm chí là bắt bí học sinh hay không.

Vấn còn có tình trạng rất nhiều câu hỏi trong giờ học của giáo viên nhưng chẳng có mấy giá trị sư phạm. Rèn kỹ năng đặt câu hỏi là việc làm hàng ngày, mỗi khi xem, chỉnh, soạn giáo án”, chuyên gia bày tỏ.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.