Khởi tố mới nhiều bị can trong vụ án tham nhũng lớn
Sáng 6/11, trước khi bắt đầu chất vấn các thành viên Chính phủ, Quốc hội đã nghe Báo cáo về việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.
Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 82 ngày 14/6/2019, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao Lê Minh Trí cho biết, Viện kiểm sát các cấp đã quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị của Đảng, Nhà nước và các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật để phát hiện, xử lý các hành vi phạm tội liên quan đến việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
Tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan tư pháp khác để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của Ngành trong công tác đấu tranh, xử lý tội phạm liên quan đến việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện kiểm sát các cấp đã ban hành 14 kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa vi phạm và tội phạm trong hoạt động quản lý liên quan đến đất đai.
Đối với kết quả thực hiện Nghị quyết số 121 ngày 19/6/2020, VKSND tối cao đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan ký ban hành Thông tư liên tịch về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.
VKSND các cấp đã thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em, phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra ngay từ khi có tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về vụ việc xâm hại trẻ em để kịp thời thu thập chứng cứ, bảo vệ, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân, đẩy nhanh tiến độ giải quyết và chống bỏ lọt tội phạm; bảo đảm truy tố đúng thời hạn đạt tỉ lệ 100%, vượt 10% và truy tố bị can đúng tội danh đạt tỉ lệ 99,99%, vượt 4,99% so với chỉ tiêu của Quốc hội.
Về thực hiện 134 ngày 17/11/2020, công tác thực hành quyền công tố kiểm sát các hoạt động tư pháp có nhiều kết quả tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều vượt so với yêu cầu trong Nghị quyết số 96 của Quốc hội.
Trong đó, tỉ lệ người bị bắt, tạm giữ sau đó chuyển xử lý hình sự đạt 99%; số vụ án Viện kiểm sát truy tố đúng thời hạn đạt tỉ lệ 100% và số bị can Viện kiểm sát truy tố đúng tội danh đạt tỉ lệ 99,99%. Viện kiểm sát kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật và đã ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và phòng ngừa tội phạm, tỉ lệ chấp nhận đạt 98,6%; tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm án hình sự được Hội đồng xét xử chấp nhận vượt so với yêu cầu trong Nghị quyết số 96 của Quốc hội.
Đối với kết quả thực hiện Nghị quyết số 74 ngày 15/11/2022, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý tài chính, tài sản công trong Ngành Kiểm sát nhân dân;
Chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực trong ngành Kiểm sát nhân dân để toàn ngành thực hiện; chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung vào việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí được cấp, các dự án đầu tư công, việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà lưu trú công vụ, việc mua sắm trang thiết bị.
Chủ động phối hợp các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, quyết liệt đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, phức tạp, có tính hệ thống, có tổ chức, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân.
Thực hiện các biện pháp để bảo đảm thu hồi tài sản đạt đều đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Lê Minh Trí cũng chỉ ra một số khó khăn, thách thức và để thực hiện tốt hơn nữa công tác giám sát trong thời gian tới, ông Trí kiến nghị Quốc hội chỉ đạo rà soát và kịp thời ban hành, bổ sung điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước, đáp ứng các yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất.
Từ đó, tạo hành lang pháp lý an toàn và điều kiện cho cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ nhằm xây dựng, phát triển đất nước.
Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung;
Đồng thời, phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục
Cùng với đó, tăng cường sự chỉ đạo, giám sát đối với các bộ, ngành hữu quan trong việc xây dựng pháp luật, giải thích, hướng dẫn áp dụng thống nhất những quy định pháp luật còn vướng mắc trong nhận thức giữa các cơ quan, đơn vị trong thực thi pháp luật, thực hiện nhiệm vụ.
Xem xét tăng số lượng Kiểm sát viên trong biên chế được giao của ngành Kiểm sát nhân dân để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nhất là những nhiệm vụ mới được giao; có cơ chế chính sách đãi ngộ về tiền lương, phụ cấp phù hợp với tính chất lao động đặc thù của ngành....