Với vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp đặc hữu, hệ thống giao thông liên vùng, giàu tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa độc đáo...; tất cả đã tạo nên những tiềm năng, lợi thế để Lào Cai thu hút đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.
Tạo động lực mạnh mẽ cho kinh tế vùng biên
Tận dụng những lợi thế đó, Lào Cai nỗ lực phát triển kinh tế vùng biên, thu hút đầu tư và tăng cường năng lực cạnh tranh. Đặt mục tiêu trở thành một trong tám khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của cả nước, phấn đấu giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 10 tỷ USD vào năm 2025, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư, đưa Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành trung tâm logistics lớn và quan trọng hàng đầu của cả nước, phát triển đa ngành, lĩnh vực.
Những năm qua, Lào Cai đã dành nhiều nguồn lực để xây dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, lấy kinh tế thương mại qua các cửa khẩu biên giới làm nòng cốt, đưa kinh tế cửa khẩu thực sự là mũi nhọn, động lực để phát triển kinh tế địa phương. Cụ thể, tỉnh tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng biên giới; quy hoạch, bố trí các cơ sở công nghiệp, cơ sở kinh tế phù hợp; tiếp tục xây dựng và nâng cao hiệu quả khu kinh tế cửa khẩu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện; triển khai hoạt động giao lưu hữu nghị giữa các cơ quan trong nước và nước ngoài; tích cực thúc đẩy xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại biên giới Việt - Trung được Chính phủ hai nước ký kết; thúc đẩy mở mới, nâng cấp các cặp cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt - Trung, triển khai xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới, mậu dịch tự do; đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư…
Đặc biệt, Lào Cai chú trọng mở rộng và tăng cường đối ngoại. Riêng năm 2023, tỉnh tổ chức đón tiếp trên 10 đoàn đại sứ các nước đến thăm và làm việc; tăng cường hợp tác, triển khai các thỏa thuận hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); triển khai thực hiện biên bản ghi nhớ hợp tác theo hai nhóm tỉnh và riêng lẻ với bảy địa phương trong nước.
Nỗ lực phát triển kinh tế vùng biên đã tạo động lực cho tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai những năm qua đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Ông Phùng Đắc Hưng, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Lào Cai cho biết, Tổng cục Thống kê đã có thông báo số liệu GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) ước tính quý IV và cả năm 2023.
Theo đó, GRDP quý IV/2023 của Lào Cai tăng 6,81%, kéo theo GRDP cả năm 2023 tăng 5,11%.
Như vậy, khu vực lâm, nông nghiệp và thủy sản quý 4 tăng 4,67% và cả năm tăng 3,22%; khu vực công nghiệp và xây dựng quý IV tăng 3,93% và cả năm tăng 1,55%; khu vực dịch vụ quý IV tăng 11,07% và cả năm tăng 9,27%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm quý IV tăng 6,54% và cả năm tăng 5,18%.
Năm 2023, cơ cấu kinh tế Lào Cai tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Về sản xuất nông nghiệp, các loại cây trồng chủ lực theo Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tiếp tục phát triển mở rộng về quy mô, diện tích và có sự liên kết sản xuất.
Các lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng, thương mại, tài chính, ngân hàng, lao động việc làm, trật tự an toàn xã hội duy trì ổn định.
Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Lào Cai vào tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: Lào Cai - nơi sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh, ở trung tâm vùng, có cửa khẩu lớn, văn hóa các dân tộc đa dạng, giàu bản sắc; danh lam thắng cảnh, khoáng sản phong phú. Với nhiều tiềm năng khác biệt, Lào Cai hội tụ đủ các điều kiện “riêng có” để phát triển trở thành một cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam của Trung Quốc.
Đến thời điểm này, tỉnh Lào Cai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh Lào Cai đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đang được xem xét phê duyệt Đề án “Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam, Trung Quốc”.
Để sớm đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam, Trung Quốc; là “cầu nối” các dòng hàng hóa 2 chiều từ Trung Quốc sang ASEAN và khu vực châu Á khác; tỉnh Lào Cai đã chủ động xây dựng các nghị quyết, đề án, chương trình. Trong đó, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng biên giới; quy hoạch, bố trí các cơ sở công nghiệp, cơ sở kinh tế phù hợp; tiếp tục xây dựng và nâng cao hiệu quả khu kinh tế cửa khẩu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất - nhập cảnh, xuất - nhập khẩu; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện; triển khai hoạt động giao lưu hữu nghị giữa các cơ quan hai bên; tích cực thúc đẩy xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại biên giới Việt - Trung đã được Chính phủ hai nước ký kết; thúc đẩy mở mới, nâng cấp các cặp cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt - Trung, triển khai xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới, mậu dịch tự do; đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư, phát huy hiệu quả vị trí vai trò cầu nối của hai bên…
Tại Hội nghị phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Lào Cai do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức vào đầu tháng 11/2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng, Lào Cai là địa phương có vị trí địa kinh tế - chính trị chiến lược của cả nước và khu vực, được đánh giá là “cửa ngõ” và “cầu nối” quan trọng về giao thương, giao lưu văn hóa không chỉ giữa Việt Nam với Trung Quốc mà cả các nước ASEAN; là trung tâm trung chuyển và dịch vụ logistics quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, một kết nối quan trọng của hành lang Bắc - Nam trong hợp tác các nước Tiểu vùng sông Mê Kông.
Lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá, cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) đóng vai trò "cửa ngõ" giao thương trong cung đường vận chuyển ngắn nhất từ Côn Minh ra biển Đông (Cảng Hải Phòng) với đầy đủ các loại hình giao thông kết nối.
Tạo lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 3 khu công nghiệp với kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ (Đông Phố Mới, Bắc Duyên Hải và Tằng Loỏng) với tổng diện tích theo quy hoạch 1.285 ha, trong đó đất công nghiệp 868,68 ha.
Các khu công nghiệp của tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư, đến nay đã cho thuê 661,94 ha, tỷ lệ lấp đầy là 76,2% đất công nghiệp; thu hút 161 dự án đầu tư, sản xuất - kinh doanh (138 dự án đưa vào hoạt động, 23 dự án đang đầu tư xây dựng) với tổng vốn đăng ký 25.637 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp trong các khu công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn (trên 60% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh), thu nộp ngân sách gần 1.000 tỷ đồng/năm.
Theo Sở Công Thương, đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản được lấp đầy, trong khi có một số dự án lớn như tổ hợp hóa chất để sản xuất các sản phẩm phân bón MPA, SA, lân nung chảy, NPK chất lượng cao, sản xuất phốt pho đỏ, sản xuất vật liệu xây dựng từ chất thải rắn trong khu công nghiệp, chế biến đất hiếm, tuyển quặng sắt, cán kéo thép, dây cáp đồng, chế biến nông sản, dệt may, sản xuất hàng tiêu dùng... đang nghiên cứu lập dự án đầu tư, không thể bố trí được trong các khu công nghiệp hiện có.
Đối với các cụm công nghiệp, theo quy hoạch đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh quy hoạch 18 cụm công nghiệp, tổng diện tích 231,81 ha, nhưng đến nay mới có 3/18 cụm công nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đưa vào hoạt động, gồm cụm công nghiệp: Đông Phố Mới, Bắc Duyên Hải, Sơn Mãn. 3 cụm công nghiệp này sắp xếp cho 146 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh (cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải 103 cơ sở, cụm công nghiệp Đông Phố Mới 16 cơ sở, cụm công nghiệp Sơn Mãn 27 cơ sở); tỷ lệ lấp đầy 100%.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, trong 3 khu công nghiệp của tỉnh thì Khu Công nghiệp Bắc Duyên Hải đã lấp đầy 100%, Khu Công nghiệp Đông Phố Mới chỉ còn 7 ha đất chưa giao nhưng đang chờ quy hoạch ga Lào Cai nên chưa có phương án sử dụng cụ thể; Khu Công nghiệp Tằng Loỏng hiện còn 1 lô khoảng 19 ha đang được giới thiệu cho 1 doanh nghiệp Nhật Bản nghiên cứu đầu tư dự án điện sinh khối.
Ông Vương Trinh Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh thông tin: Từng có 1 doanh nghiệp FDI Trung Quốc đến Lào Cai khảo sát đầu tư 1 nhà máy sản xuất dù bạt. Doanh nghiệp này đưa điều kiện đầu tư 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 thuê khoảng 5.000 m2 nhà xưởng lắp ráp lều bạt du lịch; giai đoạn 2 khi xuất khẩu được sản phẩm sẽ đầu tư nhà máy, đưa dây chuyền công nghệ sang, tiếp đến khi vào thị trường sẽ mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, Lào Cai chưa có khu công nghiệp đáp ứng điều kiện của họ nên doanh nghiệp này tính toán chuyển sang địa phương khác.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển khu - cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tỉnh sẽ hình thành 3 khu công nghiệp mới: Cốc Mỳ - Trịnh Tường (Bát Xát), Võ Lao (Văn Bàn) và Cam Cọn (Bảo Yên).
Khu Công nghiệp Cốc Mỳ - Trịnh Tường với quy mô 1.100 ha sẽ tạo điều kiện để Lào Cai thu hút đầu tư, tạo đột phá trong phát triển công nghiệp giai đoạn tới. Tỉnh đang thực hiện các quy trình thủ tục để xin ý kiến các bộ, ngành điều chỉnh, bổ sung khu công nghiệp này vào quy hoạch chung Khu Kinh tế cửa khẩu, làm cơ sở triển khai thu hút đầu tư.
Đối với Khu Công nghiệp Võ Lao (Văn Bàn), mới đây địa phương này đã công bố quy hoạch chung xây dựng đô thị Võ Lao. Ban Quản lý Khu kinh tế cùng các ngành giao danh mục quy hoạch chung và đề xuất danh mục kêu gọi đầu tư.
Khu Công nghiệp Cam Cọn (Bảo Yên) cũng đang trong giai đoạn thực hiện các bước xác định ranh giới phạm vi trong quy hoạch phân khu dọc sông Hồng.
Ông Vương Trinh Quốc cho biết, trong khi chờ các khu công nghiệp tập trung hình thành, cần có chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư. Ban đã tham mưu cho tỉnh nghiên cứu các chính sách mà một số tỉnh, thành áp dụng hiệu quả, như nhà nước giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng khung như trục giao thông chính, hạ tầng điện, nước sạch, hệ thống xử lý nước thải; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian từ khi được cấp chủ trương đầu tư đến khởi công dự án. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá tiềm năng, lợi thế của Lào Cai để mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư.
Cũng theo ông Vương Trinh Quốc, các lợi thế cạnh tranh của Lào Cai trong giai đoạn trước đã không còn thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, vì vậy cần có cách làm mới và quan trọng nhất là chính quyền, các ngành chức năng phải thực sự đồng hành với doanh nghiệp.
T.M