Tiếp tục thực hiện Phiên họp thứ 25, ngày 25/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng có ưu điểm bảo đảm sự rõ ràng, dễ theo dõi, dễ áp dụng.
Tuy nhiên, việc liệt kê quá cụ thể, chi tiết các dự án, công trình thu hồi đất có nhược điểm khó bảo đảm bao quát, đầy đủ.
Trong quá trình thảo luận, có ý kiến cho rằng cách tiếp cận theo hướng liệt kê các trường hợp như hiện nay chưa làm rõ được sự cần thiết của các dự án, công trình này theo tinh thần của Điều 54 Hiến pháp.
Đặc biệt, về tiêu chí thu hồi và đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, ông Thanh cho hay, về trường hợp thu hồi đất, ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị khoanh định các trường hợp dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng (trừ công viên, vườn hoa, bãi tắm và các khu vực dành cho vui chơi giải trí công cộng khác không thu phí của người dân) thuộc diện thu hồi là dự án trọng điểm do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, định hướng chỉnh sửa như phương án của Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất chưa làm rõ được tính chất “để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” của việc thu hồi đất thực hiện dự án, chưa bảo đảm rõ ràng về tiêu chí, điều kiện thu hồi đất theo yêu cầu tại Thông báo số 1493 của Tổng Thư ký Quốc hội về kết luận của UBTVQH về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 về bảo đảm tinh thần của Nghị quyết số 18 và tuân thủ Hiến pháp năm 2013.
Quy định như vậy cũng chưa rõ ràng về các trường hợp được thực hiện dự án loại này theo hình thức thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất. Hiện nay, pháp luật về đầu tư chưa có quy định xác định về tiêu chí dự án trọng điểm thuộc thẩm quyền Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị đối với dự án nhà ở thương mại chỉ thực hiện theo cơ chế thỏa thuận mà Nhà nước không thu hồi đất.
Có ý kiến đề nghị xác định mức quy mô cụ thể của dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng là trường hợp thu hồi đất, thực hiện đấu thầu; dưới mức quy mô lớn không sử dụng đất ở là trường hợp thu hồi đất, thực hiện đấu giá, trừ trường hợp nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất đề xuất thực hiện dự án.
Về trường hợp thu hồi đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, có hai loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất, giữ như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, quy định tiêu chí phân định theo quy mô về diện tích dự án, dự án có quy mô từ 10 hecta trở lên tại khu vực nông thôn và 5 hecta trở lên tại khu vực đô thị là trường hợp đấu thầu, dưới mức này là trường hợp đấu giá, trừ trường hợp nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất quy định tại khoản 6 Điều 127.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, quy định theo hướng này có ưu điểm xác định rõ ràng ngay tại Luật các trường hợp đấu thầu, đấu giá, thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có. Theo Báo cáo số 277 của Chính phủ, mức quy mô này là phù hợp với khả năng sẵn có của quỹ đất tại các địa phương trong bối cảnh hiện nay.
Trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị quy định mức quy mô 20 hecta tương ứng với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị. Có ý kiến đề nghị quy định theo hướng xác định mức quy mô dưới 02 hecta để khoanh vùng các dự án thuộc diện đấu giá quyền sử đụng đất.
Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là quy mô diện tích này có thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương này nhưng không phù hợp với địa phương khác.
Loại ý kiến thứ hai, Bộ Tài nguyên Môi trường đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội theo hướng: Chỉnh sửa quy định tại khoản 1 Điều 126, giao Hội đồng nhân dân quyết định dự án thực hiện đấu thầu dựa trên các nguyên tắc: Bảo đảm hiệu quả sử dụng đất; khả năng bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quỹ đất hiện có tại địa phương nhằm tạo điều kiện cho địa phương tự quyết định phù hợp với đặc điểm từng địa phương. Trường hợp còn lại thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, các nguyên tắc xác định dự án thuộc diện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư như trên còn định tính, chưa bảo đảm rõ ràng. Việc thiếu quy định định lượng có thể gây lúng túng cho địa phương trong tổ chức thực hiện. Quy định này cũng dẫn đến việc thực hiện giữa các địa phương rất khác nhau, không thống nhất trong phạm vi cả nước, dẫn đến khó khăn cho nhà đầu tư thực hiện dự án tại các địa phương khác nhau.