Tính đến nay, trải qua gần 50 năm thăng trầm với công việc này, gia đình bà Vũ Thị Xinh tại Tân Dân (Nghi Sơn, Thanh Hóa) đã từng bước thoát nghèo nâng cao thu nhập.
Với gần 50 năm giữ lửa nghề làm bánh đa, bà Vũ Thị Xinh (năm nay 72 tuổi) cho hay, nhiều năm nay ngày nào bà cũng dậy từ 3 giờ sáng chuẩn bị xay bột, nhóm lửa, vào khuôn làm bánh. Trung bình mỗi ngày bà làm ra khoảng 500 cái bánh, trong khoảng thời gian hơn 7 tiếng đồng hồ.
Đặc sản bánh đa Nghi Sơn, Thanh Hóa
Bánh đa tại gia đình bà Xuân và các hộ dân nơi đây đều được làm với nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên từ gạo, vừng. Bởi theo những người làm bánh lâu năm, làm bánh theo phương thức thủ công "củi lửa" bằng bột gạo thì bánh đa sau khi quạt mới giữ được độ giòn và thơm lâu, vàng đều, không bị dai dù có để lâu. Đây là nét đặc trưng tạo nên sự khác biệt của bánh đa Nghi Sơn, Thanh Hóa.
Để làm ra chiếc bánh đạt chuẩn yêu cầu rất nhiều công đoạn
Theo chia sẻ của bà Xinh, để làm ra một chiếc bánh đa vừa giữ được độ thơm mùi vừng, vừa phải giòn đều, ngoài người tráng phải có kĩ thuật còn phải chọn gạo và canh đủ thời gian nắng. Nếu nắng chưa tới bánh sẽ bị dai, nắng to quá bánh bị răm, không giữ nguyên được độ ngon của bánh.
Bà Vũ Thị Xinh (năm nay 72 tuổi) - người có gần 50 năm gắn bó với nghề
“Với bánh truyền thống được làm theo phương thức thủ công "củi lửa" cần rất nhiều công đoạn, trong đó việc giữ bếp đều lửa cũng là công đoạn quan trọng không kém. Lửa cháy không được quá to, khi nước sôi đều, bánh được hấp qua nồi hơi chừng 1 tới 2 phút vừa đủ chín tới để giữ nguyên độ dai, giòn, ngon khi nướng”, bà Xinh cho biết.
Bà cho biết, bánh truyền thống được làm theo phương thức thủ công "củi lửa" cần rất nhiều công đoạn
Ngoài ra, để có những chiếc bánh đa ngon, phải sử dụng gạo không dẻo (thường được dùng gạo khang dân) để tráng bánh. Công đoạn tráng bánh khá quan trọng, bánh có 2 lớp, bột phải được dàn đều để có độ dày vừa phải và vừng được dàn đều, chín vừa phải khi lấy ra không bị dính vào khuôn phơi.
Để "ra lò" một chiếc bánh đa, phải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là chọn gạo, vừng. Tiếp đó, ngâm gạo, xay bột rồi tráng bánh. Sau khi tráng bánh cho lên khuôn phơi, mang phơi dưới trời nắng từ 4 - 6 giờ đồng hồ. Tiếp sau đó là thu bánh khô và quạt bánh. Để làm được cái bánh hoàn chỉnh thì công đoạn nào cũng tỉ mỉ và đòi hỏi kỹ thuật cao.
Sau khi tráng bánh cho lên khuôn phơi, sẽ cần mang phơi dưới trời nắng từ 4 - 6 giờ đồng hồ
Theo bà Xinh, công đoạn khó khăn nhất là quạt bánh. Người quạt bánh phải sử dụng than củi, quạt đều từ ngoài vào trong, do bánh giòn nên khi quạt phải uốn cạnh sao cho khuôn bánh chín đều cùng chiều nhau, khi đấy xếp bánh sẽ không bị vỡ.
Quây quần bên con cháu trong những ngày lạnh cận Tết, Bà Xinh nhớ lại: "Chồng thoát li từ khi con trai đầu mới 2 tuổi, cuộc sống gia đình vất vả nuôi 2 con trai ăn học. Trước đây không có nhiều vốn nên thu nhập không đáng là bao. Giờ nhìn lại chặng đường dài thấy con cháu có cuộc sống ổn định cũng nhờ nghề làm bánh đa".
Để làm được một chiếc bánh hoàn chỉnh thì công đoạn nào cũng tỉ mỉ và đòi hỏi kỹ thuật cao
Giá bánh đa bán ra thị trường phụ thuộc vào giá nông sản, các sản phẩm bán ra cũng rất đa dạng, có loại chỉ 6 - 7 nghìn đồng nhưng có loại 10 nghìn đồng/1 chiếc, như bánh gấc, bánh dừa, hành lá, hành khô, ….
Nhà bà Xinh chủ yếu bán sỉ, mỗi ngày sản xuất, bán ra khoảng 500 chiếc, thu nhập bình quân dao động 400 – 500 nghìn/ngày, đảm bảo đời sống cho cả gia đình.
Dịp cận tết, gia đình bà Xinh và các hộ làm bánh trong làng lại tất bật hơn ngày thường
"Ngoài 70 tuổi, tuy sức khỏe yếu nhưng tôi vẫn cố gắng làm vài năm nữa, hai con dâu và cháu nội tôi cũng biết làm bánh đa. Hi vọng sau này con cháu vẫn giữ được nghề", bà Xinh tâm sự.
Được biết, hằng năm, để kịp đáp ứng lượng lớn đơn đặt hàng cho dịp Tết nguyên đán, gia đình bà Xinh và các hộ làm bánh đa trong làng lại tất bật và tăng cường nhân lực từ đầu tháng 10 dương lịch.
Năm nay nắng ấm kéo dài đến giữa tháng 12 nên các hộ sản xuất tích trữ được rất nhiều bánh để bán cho mùa Tết nguyên đán 2024 đã cận kề.
Nghề làm bánh đa giúp giải quyết nhu cầu việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình tại làng quê này
Chia sẻ với phóng viên, ông Hồ Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Dân cho biết, trên toàn phường hiện nay có vài chục hộ giữ lửa nghề làm bánh đa, giúp giải quyết nhu cầu việc làm nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình, kết hợp với chăn nuôi, cùng địa phương tham gia xoá nghèo.
"Trước đây gia đình bà Vũ Thị Xinh thuộc diện khó khăn của tổ dân phố, nhờ nghề làm bánh đa giúp đảm bảo thu nhập và nâng cao mức sống cho cả gia đình", Phó Chủ tịch UBND phường Tân Dân cho hay.
Ông Thắng cũng mong muốn các hộ dân nhân rộng mô hình, cải tiến quy mô và hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình phát triển nghề làm bánh đa để hoàn thiện hồ sơ đưa sản phẩm vào "mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP".
Quỳnh Chi