Năm siêu bầu cử ở châu Á: Hơn 1 tỷ cử tri định hình chính trị toàn cầu

Năm siêu bầu cử ở châu Á: Hơn 1 tỷ cử tri định hình chính trị toàn cầu

Thứ 5, 08/02/2024 | 08:00
0
Châu Á đóng vai trò quan trọng trong trật tự thế giới đa cực tương lai, và là “sân khấu” chính cho sự cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường là Mỹ và Trung Quốc.

Các cuộc bầu cử quan trọng đang chờ đợi không chỉ ở Mỹ và châu Âu mà còn với nhiều quốc gia khác trên toàn cầu, trong đó có các nước châu Á. Hơn một tỷ cử tri đã đăng ký trên khắp khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ tham gia bỏ phiếu trong một loạt cuộc bầu cử vào năm 2024, quyết định quỹ đạo kinh tế và ngoại giao của khu vực trong nhiều năm tới.

Thời gian không chờ đợi ai, ngay lúc này, các cuộc bầu cử ở Đài Loan (Trung Quốc) và Bangladesh đã ngã ngũ. Hòn đảo với 23 triệu dân nằm ở trung tâm của cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc đã tìm được người sẽ lãnh đạo mình trong 4 năm tới. Người kế nhiệm bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) là ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te hay còn gọi là William Lai) của Đảng Dân tiến (DPP) cầm quyền.

Ở quốc gia Nam Á, không có bất ngờ nào xảy ra khi Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 và tiếp tục dẫn dắt đất nước với 170 triệu dân trong 5 năm tới.

Về mặt kinh tế, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn là trung tâm hấp dẫn của thế giới, với gần 60% dân số và tổng sản phẩm quốc nội thế giới, cùng 2/3 mức tăng trưởng.

Về mặt chính trị, châu Á cũng đóng một vai trò quan trọng trong trật tự thế giới đa cực tương lai, và là “sân khấu” chính cho sự cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường là Mỹ và Trung Quốc. Tương lai của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, sự thịnh vượng kinh tế, hòa bình và an ninh sẽ được định hình mang tính quyết định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Về mặt địa chính trị, những thách thức mà các chính phủ và xã hội ở châu Á phải đối mặt cũng tương tự như ở châu Âu: Làm thế nào họ có thể bảo vệ và củng cố nền độc lập của mình trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn? Những thay đổi địa chính trị và địa kinh tế mang tính địa chấn của thời đại có tác động gì đến con đường phát triển quốc gia, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và mới nổi? Làm thế nào có thể giảm bớt sự phụ thuộc một chiều và đa dạng hóa quan hệ đối tác?

Thế giới - Năm siêu bầu cử ở châu Á: Hơn 1 tỷ cử tri định hình chính trị toàn cầu

Bà Thái Anh Văn (phải) và ông Lại Thanh Đức ở Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc), ngày 21/10/2023. Ông Lại đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 13/1/2024 và trở thành lãnh đạo tiếp theo của hòn đảo, kế nhiệm bà Thái. Ảnh: Focus Taiwan

Đây đều là những câu hỏi quan trọng, nhưng không phải tất cả đều là trọng tâm của các chiến dịch bầu cử. Giống như những nơi khác, các cuộc bầu cử ở châu Á chủ yếu được đặc trưng bởi các vấn đề trong nước, bao gồm tình trạng thất nghiệp ở thanh niên, khủng hoảng kinh tế…

Sau đây là một số cuộc bầu cử quan trọng sắp diễn ra, mà kết quả của chúng sẽ góp phần định hình nền chính trị toàn cầu trong những năm tới.

Indonesia (ngày 14/2)

Hơn 204 triệu người đủ điều kiện bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ở Indonesia vào ngày 14/2, khiến đây trở thành cuộc bầu cử Tổng thống trực tiếp lớn nhất thế giới.

Tại hơn 820.000 điểm bỏ phiếu ở 38 tỉnh, cử tri Indonesia cũng sẽ bỏ phiếu bầu một phó Tổng thống mới, các nhà lập pháp cho Quốc hội lưỡng viện, còn gọi là Hội đồng Hiệp thương Nhân dân, cũng như các thành viên của các cơ quan lập pháp cấp tỉnh.

Indonesia, quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi lớn nhất thế giới với khoảng 274 triệu dân, sẽ chứng kiến ít nhất 18 chính đảng và 6 đảng khu vực đang tham gia tranh cử. Do giới hạn nhiệm kỳ, đương kim Tổng thống Joko Widodo, hay còn gọi là “Jokowi” đối với người Indonesia, không thể tái tranh cử.

Thế giới - Năm siêu bầu cử ở châu Á: Hơn 1 tỷ cử tri định hình chính trị toàn cầu (Hình 2).

Ứng cử viên Tổng thống hàng đầu của Indonesia, Prabowo Subianto (phải), và người tranh cử cùng ông, Gibran Rakabuming Raka, con trai cả của Tổng thống Joko Widodo. Ảnh: Nikkei Asia

Cuộc bầu cử sẽ là cuộc đua tam mã giữa 3 ứng cử viên để thay thế nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy, bao gồm đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto, cựu Thống đốc Trung Java Ganjar Pranowo, và cựu Thống đốc Jakarta Anies Baswedan. Các ứng cử viên phần lớn ủng hộ việc tiếp tục các chính sách kinh tế của ông Jokowi.

Quốc gia thuộc nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) đã được hưởng lợi từ nhu cầu hàng hóa toàn cầu ngày càng tăng, đặc biệt là các kim loại như Niken, thành phần chính cho sản xuất xe điện và pin xe điện. Chính quyền Jokowi đã cố gắng tập trung vào “hạ nguồn” hoặc khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng như luyện kim và tinh chế.

Ví dụ, Indonesia đã cấm xuất khẩu quặng niken vào tháng 1/2020, khuyến khích đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc và các nơi khác chảy vào các nhà máy luyện kim trong nước.

Tuy nhiên, một di sản khác của ông Jokowi có thể tỏ ra khó thực hiện hơn một chút. Tổng thống Indonesia đã đặt ra một kế hoạch táo bạo nhằm di dời thủ đô của đất nước từ Jakarta, trên đảo Java, đến Nusantara, một thành phố hoàn toàn mới trên đảo Borneo vẫn đang được xây dựng.

Các quan chức Indonesia cho rằng dân số quá đông, giao thông và mối đe dọa lũ lụt do biến đổi khí hậu là lý do dẫn đến động thái này. Nhưng việc di chuyển vốn đi kèm với một mức giá dự kiến khổng lồ là khoảng 30 tỷ USD.

Chính quyền Jokowi hy vọng đầu tư nước ngoài có thể trang trải 80% chi phí, tuy nhiên các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa bị thuyết phục. Ông Jokowi đã đặt ra thời hạn hoàn thành dự án Nusantara là năm 2045, nhưng ít nhất một trong những người đang chạy đua để kế nhiệm ông có thể không hào hứng với động thái này. Ông Anies Baswedan đã chỉ trích dự án.

Thế giới - Năm siêu bầu cử ở châu Á: Hơn 1 tỷ cử tri định hình chính trị toàn cầu (Hình 3).

Nhìn từ trên cao công trường xây dựng Nusantara, thủ đô mới của Indonesia trên đảo Borneo, tháng 12/2023. Ảnh: Nikkei Asia

Trong một cuộc thăm dò do Indikator Politik Indonesia thực hiện từ ngày 23/11 đến ngày 1/12 năm ngoái, 44,9% số người được hỏi cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên Prabowo, trong khi 24,7% ủng hộ ứng cử viên Ganjar của đảng cầm quyền. Ứng cử viên Anies đứng ở vị trí thứ ba với 22,6%.

Một cuộc bỏ phiếu vòng 2 (runoff) dự kiến diễn ra vào tháng 6, nếu vòng đầu tiên chưa tìm ra người chiến thắng tuyệt đối (giành được hơn 50% phiếu bầu), trong khi Tổng thống tiếp theo của quốc gia Đông Nam Á sẽ nhậm chức vào tháng 10.

Hàn Quốc (ngày 10/4)

Người dân Hàn Quốc sẽ bỏ phiếu bầu cơ quan lập pháp của đất nước vào ngày 10/4. Đây sẽ giống như một cuộc “trưng cầu dân ý” đối với nhiệm kỳ của Tổng thống Yoon Suk Yeol. Ông Yoon, thuộc Đảng Quyền lực Nhân dân bảo thủ, đã đắc cử Tổng thống vào năm 2022 sau một trong những cuộc bầu cử sít sao nhất trong lịch sử Hàn Quốc.

Tổng thống Yoon đã theo đuổi chương trình nghị sự ủng hộ doanh nghiệp hơn so với người tiền nhiệm Moon Jae-in của Đảng Dân chủ đối lập. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Yoon đã tìm cách cải thiện quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản về cả thương mại và an ninh. Ngoài ra, ông còn nỗ lực thiết lập đường dây nóng an ninh 3 bên, giữa Seoul, Tokyo và Washington.

Ông Yoon đã ân xá cho Chủ tịch điều hành Samsung Lee Jae-yong, từng được biết đến với danh xưng “Thái tử Samsung”, vì các tội danh bao gồm hối lộ. Bộ Tư pháp Hàn Quốc lập luận rằng việc ân xá là cần thiết để giúp Hàn Quốc vượt qua “cuộc khủng hoảng kinh tế quốc gia”.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng đang thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí của đất nước, đặc biệt là khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang nhanh chóng cạn kiệt kho đạn dược và khí tài quân sự do viện trợ cho Ukraine. Quốc gia châu Á này đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 9 thế giới vào năm 2022.

Về mặt chính trị, kể từ khi nhậm chức vào năm 2022, ông Yoon đã không thể thông qua luật do Đảng Dân chủ đối lập đang chiếm đa số trong Quốc hội Hàn Quốc, với 167/298 ghế. Do đó, có thể nói cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 4 tới sẽ quyết định số phận của chính quyền ông Yoon.

Thế giới - Năm siêu bầu cử ở châu Á: Hơn 1 tỷ cử tri định hình chính trị toàn cầu (Hình 4).

Cuộc bầu cử lập pháp vào ngày 10/4/2024 được coi như cuộc “trưng cầu dân ý” đối với nhiệm kỳ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. Ảnh: Getty Images

“Đảng Dân chủ đối lập muốn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này vì họ muốn làm suy yếu quyền lực của ông Yoon với tư cách Tổng thống. Trong khi đó, Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền biết rằng họ không thể theo đuổi chương trình nghị sự trong nước nếu thua”, ông Mason Richey, giáo sư chính trị tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk ở Seoul, nói với Nikkei Asia.

Nếu phe bảo thủ cầm quyền giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 4, ông Yoon sẽ có thể thông qua luật và bổ nhiệm các vị trí quan trọng mà không cần dựa vào sự hợp tác từ các đảng khác.

Người Hàn Quốc đã mệt mỏi với tình hình chính trị trong nước, với “chế độ phủ quyết”, cô Eunjung Lim, phó giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Quốc gia Kongju, cho biết.

“Tổng thống của chúng tôi sử dụng quyền phủ quyết của mình và đảng đối lập cũng vậy, và người dân Hàn Quốc rất thất vọng với tình trạng chính trị bị phủ quyết quá mức này”, cô Lim nói. Tuy nhiên, vị chuyên gia dự đoán rằng khó có bên nào có thể giành được chiến thắng vang dội.

Chính trị Hàn Quốc có xu hướng chuyển biến nhanh chóng và nhiều điều có thể thay đổi từ nay đến tháng 4, nhưng những dấu hiệu ban đầu không mấy khả quan đối với đảng của ông Yoon. Tỉ lệ tán thành dành cho ông đã bị đình trệ ở mức khoảng 35% trong suốt từ đầu nhiệm kỳ tới giờ, và ông thiếu một thành tích nổi bật để thu hút nhiều sự ủng hộ hơn từ cử tri.

Ấn Độ (tháng 4-tháng 5)

Cuộc tổng tuyển cử ở quốc gia đông dân nhất thế giới và có nền dân chủ lớn nhất thế giới sẽ diễn ra trong vài tuần, vào tháng 4 và tháng 5. Thủ tướng Narendra Modi và Đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông sẽ tìm kiếm nhiệm kỳ 5 năm thứ 3 liên tiếp.

Quốc gia Nam Á với 1,4 tỷ dân này có tới 950 triệu cử tri đã đăng ký đi bỏ phiếu. Ông Modi, hiện đã 73 tuổi, vẫn được nhiều người trong số họ yêu mến, trong khi phe đối lập đang phải vật lộn để giành được sự ủng hộ. Theo các cuộc thăm dò gần đây, Đảng BJP cầm quyền và ông Modi đang dẫn đầu.

Trong nỗ lực tạo ra thách thức mạnh mẽ hơn chống lại BJP, hơn 20 đảng đối lập đã thành lập một liên minh có tên là INDIA – viết tắt của cụm Liên minh Hòa nhập Phát triển Quốc gia Ấn Độ. Nhóm này bao gồm đảng đối lập chính là Đảng Quốc đại Ấn Độ (INC). INC hy vọng sẽ trở lại thời kỳ hoàng kim với tư cách là đảng dẫn dắt nền chính trị của quốc gia ty dân. Tuy nhiên, những dấu hiệu gần đây không mấy khả quan đối với các đối thủ của ông Modi.

“Mặc dù nhiều điều có thể thay đổi trong vài tháng tới, nhưng BJP có đủ điều kiện để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2024”, ông Praveen Rai, nhà phân tích chính trị tại Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Phát triển có trụ sở ở New Delhi, cho biết.

Thế giới - Năm siêu bầu cử ở châu Á: Hơn 1 tỷ cử tri định hình chính trị toàn cầu (Hình 5).

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vẫy chào người ủng hộ khi ông tới khách sạn Lotte ở New York, Mỹ, ngày 20/6/2023. Ảnh: The Sun Malaysia

Thủ tướng Modi đã nhận được sự yêu mến rộng rãi kể từ khi nhậm chức vào tháng 5/2014 và nhiệm kỳ của ông trùng với thời kỳ tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ. Ông Modi cam kết sẽ đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới nếu giành được nhiệm kỳ thứ 3.

Dưới thời chính quyền Modi, Ấn Độ cũng đã chứng kiến dòng vốn FDI hơn 500 tỷ USD. Gã khổng lồ Nam Á đang cố gắng định vị mình là một lựa chọn thay thế cho Trung Quốc khi các công ty tìm cách đa dạng hóa hoạt động của họ. Ấn Độ đã cam kết chi hàng tỷ USD để xây dựng lĩnh vực chip nội địa và các công ty như nhà sản xuất Foxconn của Apple đang đầu tư vào sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng tại địa phương để xuất khẩu.

Tuy nhiên, đất nước này vẫn phải vật lộn với khoảng cách kỹ năng và tỉ lệ thất nghiệp cao, mặc dù dân số trẻ và ngày càng tăng.

Chính quyền Modi ban đầu “đánh giá quá cao tốc độ họ có thể tiến hành cải cách”, bà Priyanka Kishore, người sáng lập công ty tư vấn Asia Decoded, cho biết. Theo bà Kishore, điều này dẫn đến việc tập trung vào “những thành quả dễ nhận thấy như thu hút dòng vốn FDI và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng”. Những chính sách này có thể sẽ tiếp tục trong nhiệm kỳ thứ 3 của ông Modi, vị chuyên gia nhận định.

Về mặt ngoại giao, ông Modi đã cố gắng nâng cao vị thế của Ấn Độ thông qua việc tổ chức các sự kiện cấp cao như Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào năm 2023. Ấn Độ cũng đã ủng hộ các mối quan hệ đối tác an ninh như Bộ tứ (Quad) với Mỹ, Australia và Nhật Bản, để đối trọng với Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong các lĩnh vực địa chính trị khác, Ấn Độ đã từ chối ngả về phương Tây. New Delhi tiếp tục giao thương với Moscow, bất chấp cuộc xung đột dai dẳng giữa Nga và Ukraine.

Minh Đức (Theo IPS, Fortune, Nikkei Asia)

Đảng của bà Thái Anh Văn thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan

Thứ 7, 13/01/2024 | 20:55
Ông Lại Thanh Đức tranh cử với tư cách phó lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc), tức cấp phó của bà Thái Anh Văn, đã giành chiến thắng vang dội.

Trung Quốc tìm “mô hình mới” trong quan hệ với Mỹ và những nơi khác

Thứ 4, 10/01/2024 | 14:17
Trước những thách thức kinh tế và căng thẳng với phương Tây, Trung Quốc theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ ở những nơi khác thông qua các nền tảng như BRI và nhóm BRICS.

Bầu cử Bangladesh: Thủ tướng Hasina tái đắc cử, không có màn ăn mừng

Thứ 2, 08/01/2024 | 11:21
Nền chính trị ở quốc gia Nam Á với 170 triệu dân từ lâu đã bị chi phối bởi sự cạnh tranh giữa đương kim Thủ tướng Sheikh Hasina và lãnh đạo đảng đối lập Khaleda Zia.
Cùng tác giả

Góc nhìn Người Đưa Tin: 10 sự kiện nổi bật thế giới năm 2023

Thứ 2, 25/12/2023 | 07:15
Xung đột Nga-Ukraine, xung đột Israel-Hamas, cạnh tranh Mỹ-Trung, bất ổn ở châu Phi... là những sự kiện “tốn nhiều giấy mực” nhất của truyền thông trong năm qua.

Lãi suất cao ở Mỹ gây bất ổn tài chính tại Đông Á mới nổi

Thứ 2, 27/11/2023 | 10:11
Lập trường thắt chặt tiền tệ của Fed đã khiến thị trường chứng khoán ở khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Hàn Quốc, đi xuống.

3 hướng đi mới để phát triển con người khu vực Châu Á-Thái Bình Dương

Thứ 3, 07/11/2023 | 21:08
Theo UNDP, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang đối mặt với 3 nhóm nguy cơ tồn tại đồng thời, bao gồm các mối đe dọa liên quan đến sự sinh tồn của con người.

Sức hút đầu tư của Pháp – Bài học cho Việt Nam

Chủ nhật, 15/10/2023 | 15:00
Chìa khóa để Pháp đạt được những “dấu son” trên hành trình tái công nghiệp hóa và thu hút đầu tư là cải cách. Đây cũng là bài học giá trị mà Việt Nam có thể học hỏi.

Cải cách giúp ADB biến “hàng tỷ” USD thành “hàng nghìn tỷ”

Thứ 6, 29/09/2023 | 09:31
Để đạt được điều này, huy động nguồn vốn tư nhân sẽ đóng vai trò then chốt.
Cùng chuyên mục

Chiếc đồng hồ “bé xíu" giá tận 38 tỷ đồng, đại gia vẫn xuống tiền mua

Chủ nhật, 28/04/2024 | 14:33
Chiếc đồng hồ vàng vừa được bán với giá kỷ lục 1,2 triệu bảng Anh (38,4 tỷ đồng) vốn thuộc về một hành khách giàu nhất từng đi trên tàu Titanic cách đây hơn 112 năm.

2 triệu chai nước khoáng bị tiêu hủy vì lý do đáng sợ

Chủ nhật, 28/04/2024 | 08:08
Hãng nước đóng chai Perrier đã ra lệnh tiêu hủy 2 triệu chai nước sau khi phát hiện vi khuẩn có nguồn gốc từ phân có trong giếng nước của hãng.

Nỗ lực chống chịu trừng phạt của Nga có nguy cơ bị xói mòn vì điều này

Chủ nhật, 28/04/2024 | 06:00
Cơ sở hạ tầng dầu khí của Nga không thể tránh khỏi bị xuống cấp khi nhiều thiết bị tiên tiến từ các nhà cung cấp phương Tây không thể được thay thế, bảo trì.

EU dự tính áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với LNG của Nga

Thứ 7, 27/04/2024 | 15:55
Đáng chú ý, các đề xuất mới sẽ không cấm các quốc gia thành viên mua LNG của Nga, mà thay vào đó sẽ nhắm vào các chuyến hàng quá cảnh các cảng của EU.

Thống đốc Ngân hàng Nga hành động sau chỉ đạo “nóng” của ông Putin

Thứ 7, 27/04/2024 | 15:10
Lãi suất ở Nga được duy trì ở mức cao để chống lại áp lực lạm phát gia tăng và chống đỡ đồng Rúp khỏi bị chao đảo trước các đòn trừng phạt của Mỹ và EU.
     
Nổi bật trong ngày

Lời chia buồn

Thứ 7, 27/04/2024 | 20:14
Ban Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật - Tạp chí Điện tử Người Đưa Tin cùng tập thể cán bộ, Phóng viên, Biên tập viên xin gửi lời chia buồn tới bà Nguyễn Diệu Hương Ly – Nhân viên  Ban Trị sự.

2 triệu chai nước khoáng bị tiêu hủy vì lý do đáng sợ

Chủ nhật, 28/04/2024 | 08:08
Hãng nước đóng chai Perrier đã ra lệnh tiêu hủy 2 triệu chai nước sau khi phát hiện vi khuẩn có nguồn gốc từ phân có trong giếng nước của hãng.

EU dự tính áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với LNG của Nga

Thứ 7, 27/04/2024 | 15:55
Đáng chú ý, các đề xuất mới sẽ không cấm các quốc gia thành viên mua LNG của Nga, mà thay vào đó sẽ nhắm vào các chuyến hàng quá cảnh các cảng của EU.

Chiếc đồng hồ “bé xíu" giá tận 38 tỷ đồng, đại gia vẫn xuống tiền mua

Chủ nhật, 28/04/2024 | 14:33
Chiếc đồng hồ vàng vừa được bán với giá kỷ lục 1,2 triệu bảng Anh (38,4 tỷ đồng) vốn thuộc về một hành khách giàu nhất từng đi trên tàu Titanic cách đây hơn 112 năm.

Tuyên Quang: Níu chân du khách bằng sắc màu thổ cẩm

Thứ 7, 27/04/2024 | 14:43
Vừa qua, chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề đã được tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang.