Ngày 11/11 vừa qua, truyền thông Trung Quốc đưa tin về Trương Tấn Các, thần đồng sống ở tỉnh Sơn Đông. Cậu thiếu niên 15 tuổi này đã được nhận vào Đại học Thanh Hoa, trở thành sinh viên năm nhất trẻ tuổi duy nhất ở Sơn Đông. Con đường học tập của Trương Tấn Các khiến nhiều người không thể tin nổi, đặc biệt phương pháp và thành tích của cậu mới là điều khiến mọi người chú ý nhất.
Theo lời kể của Trương Tấn Các, cậu đã được tiếp xúc với Toán học từ khi còn mẫu giáo và dần dần bộc lộ tài năng Toán học phi thường. Đến lớp 2, cậu đã tự mình giải toàn bộ các bài Toán cấp tiểu học.
Khi lớn lên, tốc độ học tập của Trương Tấn Các ngày càng nhanh hơn. Khi học lớp 5, cậu đã nắm vững toàn bộ kiến thức Toán cấp THCS, đến năm đầu THCS đã học xong toàn bộ nội dung Toán của cấp THPT. Tốc độ học tập này thật đáng kinh ngạc, như thể bộ não của cậu có thể tiếp thu và nắm vững kiến thức với tốc độ mà người bình thường không thể hiểu được.
Trương Tấn Các không theo học quá nhiều trường luyện thi, việc học của cậu hoàn toàn dựa vào sở thích và sự chủ động của bản thân.
Cậu nói: "Em chưa bao giờ tham gia trường luyện thi, cha mẹ cũng không gây quá nhiều áp lực cho em. Họ tôn trọng kế hoạch học tập của em".
Cha mẹ của Trương Tấn Các không quản lý việc học của cậu nhiều và họ chú ý nhiều hơn đến việc rèn luyện tính tự chủ của con trai mình.
Ngoài môn Toán, thành tích của Trương Tấn Các ở các môn khác cũng rất tốt. Cậu thích thể thao, thành thạo bóng rổ, cầu lông và bóng bàn. Cậu tin rằng, tập thể dục có thể giúp cậu tập trung hơn vào việc học và duy trì sức khỏe thể chất cũng như tinh thần.
Câu chuyện về Trương Tấn Các không chỉ là huyền thoại về một thần đồng Toán học mà còn là nguồn cảm hứng cho nền giáo dục hiện đại. Thành công của cậu cho mọi người biết rằng, chỉ cần có niềm đam mê học tập, tính chủ động, kết hợp với phương pháp học tập đúng đắn, kỹ năng tự quản lý, bất cứ ai cũng có thể đạt được những kết quả phi thường.
Trương Tấn Các từng nói: "Em nghĩ việc học chủ động quan trọng hơn". Câu nói này có ý nghĩa khai sáng to lớn đối với nhiều trẻ em và phụ huynh. Trẻ nên học cách suy nghĩ độc lập, dũng cảm khám phá và thử thách, thay vì chỉ trông chờ vào sự hướng dẫn của thầy cô, cha mẹ.
Cha mẹ cũng nên cho con mình nhiều không gian độc lập, cơ hội tự quản lý hơn để trẻ học cách lập kế hoạch và quản lý thời gian của mình.
Phan Hằng (Theo Touliao)