Bất chấp các lệnh trừng từ phương Tây, các công ty quốc phòng Nga đã có mặt tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế (IDEX), khai mạc ngày 20/2 tại thủ đô Abu Dhabi của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), với các loại vũ khí được quảng cáo là “đã được thử nghiệm thực chiến”, bao gồm súng trường, xe bọc thép, trực thăng tấn công và các hệ thống tên lửa phòng không.
Tại một gian hàng biệt lập theo sự sắp xếp của Ban tổ chức, công ty xuất khẩu vũ khí nhà nước Rosoboronexport (thuộc Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Nga Rostec) cho biết, họ có hơn 200 mô hình vũ khí, đạn dược và thiết bị quân sự kích thước đầy đủ.
“Hầu hết các sản phẩm được giới thiệu đã được thử nghiệm trong điều kiện chiến đấu thực tế”, ông Sergey Chemezov, người đứng đầu Rostec, cho biết trước khi triển lãm khai mạc, theo cơ quan dịch vụ báo chí của Tập đoàn. “Đây là một trong những lợi thế chính của vũ khí Nga so với các đối thủ cạnh tranh”.
Thị trường mới
Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã trừng phạt các nhà sản xuất vũ khí của Nga để đáp trả chiến dịch của nước này ở Ukraine – một cuộc xung đột vũ trang khốc liệt sẽ chạm mốc một năm vào ngày 24/2 tới mà không có dấu hiệu dừng lại. Việc phương Tây tìm cách bóp nghẹt công nghiệp quốc phòng Nga buộc Tổng thống Vladimir Putin phải tìm kiếm thị trường mới cho xuất khẩu vũ khí của đất nước mình.
Trong khi đó UAE – trung tâm kinh doanh và xuất khẩu chính của Trung Đông – đang tìm cách xây dựng ngành công nghiệp vũ khí của riêng mình, giống như các cường quốc khu vực khác bao gồm Ả Rập Xê-út.
Quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ này có lập trường trung lập đối với xung đột Nga-Ukraine, và duy trì quan hệ chính trị, năng lượng và kinh doanh chặt chẽ với Nga.
Một số quan chức Mỹ đã cảnh báo về nguy cơ người Nga sử dụng quốc gia Trung Đông này để trốn tránh lệnh các lệnh trừng phạt.
Các quan chức UAE khẳng định, họ là quốc gia độc lập và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhưng không bắt buộc phải tuân theo các hình phạt do các khu vực pháp lý riêng lẻ như Mỹ và Vương quốc Anh áp đặt. UAE cũng cho biết họ coi trọng vai trò bảo vệ tính toàn vẹn của hệ thống tài chính toàn cầu.
Nga là một trong 65 quốc gia tham gia hội chợ vũ khí được tổ chức 2 năm một lần tại thủ đô Abu Dhabi của UAE, diễn ra từ 20/2 đến hết 24/2. Đây được coi là hội chợ an ninh và quốc phòng lớn nhất khu vực.
Phó Thủ tướng Nga Denis Manturov, người đang chịu lệnh trừng phạt quốc tế, đã tham dự hội chợ và ca ngợi sự gia tăng 68% thương mại giữa Nga và UAE lên 9 tỷ USD vào năm 2022, theo hãng thông tấn Nga TASS. Ông Putin hồi tháng 7 năm ngoái đã giao cho ông Manturov phụ trách sản xuất quân sự để tăng cường cung cấp cho các lực lượng Nga khi chiến dịch của họ ở Ukraine bị đình trệ.
Cạnh tranh cao
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.
Trong một tuyên bố trước thềm triển lãm IDEX, người đứng đầu Rosoboronexport Alexander Mikheev đã gọi các quốc gia Trung Đông là “các đối tác quan trọng” và cho biết công ty ông đang “xây dựng các đề xuất... có thể được các quốc gia trong khu vực quan tâm ngay lập tức”.
Ông nói với TASS tại IDEX hôm 20/2 rằng Rosoboronexport đang chuẩn bị cung cấp máy bay không người lái (drone) do thám và tấn công cho các đối tác nước ngoài.
Nga đã cung cấp 20% lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Đông trong giai đoạn 2000-2019, nhưng thị trường vũ khí của Vùng Vịnh Ả Rập từ sớm các công ty Mỹ và châu Âu đã thiết lập được vị trí vững chắc ở đây, ông Albert Vidal, học giả Fulbright tại Đại học Georgetown, cho biết.
“Mặc dù các công ty Nga có thể đang cố gắng tận dụng lợi thế của việc UAE tìm kiếm một nhóm nhà cung cấp đa dạng hơn, nhưng họ sẽ không dễ dàng đạt được các hợp đồng quốc phòng với Abu Dhabi”, ông Vidal nói với AFP.
“Ngoài các nhà cung cấp phương Tây truyền thống, Nga hiện phải đối mặt với các nhà xuất khẩu vũ khí có tính cạnh tranh cao như Hàn Quốc, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả đều đã hợp tác chặt chẽ với ngành công nghiệp quốc phòng của quốc gia Ả Rập”.
Minh Đức (Theo Bloomberg, France24)